Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ (từ 1960 đến 2020)

02/04/2020 21:09

(kiemsat.vn)
Giai đoạn từ năm 1987 đến năm 2001

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã thảo luận và thông qua đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu bước ngoặt trong sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội. Đại hội lần thứ VII của Đảng (6/1991) đã bổ sung, phát triển đường lối đổi mới, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.

Ngày 15/4/1992, Quốc hội khoá XIII, Kỳ họp thứ 11 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Hiến pháp đã thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng và khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tại Điều 137: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm do luật định”.

Thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 tiếp tục ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân là một trong các cơ quan trong bộ máy nhà nước, có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thông qua các hoạt động: Kiểm sát chung, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát thi hành án, kiểm sát giam giữ, cải tạo, điều tra tội phạm trong những trường hợp do pháp luật quy định.

Quán triệt, thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX và các nghị quyết khác của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân đã có sự đổi mới nhận thức về tổ chức bộ máy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Bộ máy làm việc và cán bộ ở từng cấp kiểm sát ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Công tác kiểm sát chung có nhiều đổi mới về phương thức kiểm sát; toàn ngành tập trung vào kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, tập trung kiểm sát các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như đất đai, ngân hàng, xuất nhập khẩu... Qua kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm, yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, yêu cầu khởi tố và trực tiếp khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự. Ban hành nhiều kiến nghị sát thực với các bộ, ngành, với Chính phủ trong việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, góp phần đưa hoạt động quản lý kinh tế, xã hội vào nề nếp. Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ đối với hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm, trong đó có cả văn bản của các bộ, ngành ở Trung ương, góp phần củng cố pháp chế trong xây dựng và thực hiện pháp luật.

Trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát các cấp đã tập trung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm lợi dụng cơ chế đổi mới kinh tế để xâm phạm tài sản của Nhà nước, các tội phạm nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, giết người, cướp tài sản và các tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; điển hình là các vụ án Hoàng Minh Chính, vụ án Lý Tống, vụ án Vũ Xuân Trường... Đồng thời, tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm cho các hoạt động tư pháp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam với các đại biểu dự Liên hoan chiến sĩ thi đua ngành kiểm sát nhân dân lần thứ tư

( Còn tiếp)

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang