Vấn đề - sự kiện nổi bật tuần qua (16/4 - 20/4)

22/04/2018 17:21

(kiemsat.vn)
Tuần qua đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Thủ tướng làm việc với VKSNDTC; Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban cán sự Đảng VKSNDTC; khởi tố 7 bị can trong vụ án liên quan đến Vũ "nhôm"; Cuba có Chủ tịch mới, đề xuất cải tổ Hiến pháp.

1. Thủ tướng làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Chiều 18/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo VKSNDTC để đánh giá việc phối hợp công tác theo Nghị quyết liên tịch số 15.

Tham dự có Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành và thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao. (Ảnh: Lao động)

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật, Chính phủ và VKSNDTC đã triển khai thường xuyên, liên tục công tác phối hợp. Điều này được thể hiện cụ thể qua các nội dung công việc như: Xây dựng thể chế; phối hợp xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; giải quyết các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao trách nhiệm công tố của Viện kiểm sát tại các phiên tòa được tăng cường. Quan điểm giải quyết các vụ án từ giai đoạn đầu đến khi truy tố bảo đảm khách quan, toàn diện, có căn cứ, đúng pháp luật. Chất lượng tranh tụng tiếp tục được nâng lên, oan sai giảm.

Về những phương hướng hợp tác của hai cơ quan trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị nâng cao chất lượng công tác lập dự toán bảo đảm các mặt hoạt động của ngành Kiểm sát, bảo đảm đúng pháp luật, sử dụng có hiệu quả hơn ngân sách của Nhà nước. Làm tốt hơn công tác kháng nghị phúc thẩm ngang cấp. Nâng cao chất lượng tranh tụng; kiểm soát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Thủ tướng đề nghị VKSNDTC đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án hợp tác với các bộ, ngành, bảo đảm các điều kiện nhằm thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát theo quy định của pháp luật. Tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn luật, nhất là Luật Tố tụng hình sự, Luật Hình sự 2015.

2. Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Ngày 18/4/2018, Đoàn công tác của Bộ Chính trị do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng VKSNDTC. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc

Về phía VKSNDTC có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSNDTC: Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Bùi Mạnh Cường và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSNDTC, VKSND cấp cao tại Hà Nội cùng tham dự buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng thông qua thể lệ, quy trình và nội quy làm việc, quy chế báo cáo của Đoàn trong quá trình kiểm tra các nội dung trên tại Ban cán sự đảng VKSNDTC. Đoàn kiểm tra sẽ đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản hướng dẫn của Trung ương trong cán bộ, đảng viên; việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị; đồng thời đánh giá kết quả, cách làm mới, sáng tạo cũng như làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác lãnh đạo thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị trên. Quá trình kiểm tra bảo đảm dân chủ, khách quan, nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình của tổ chức Đảng được kiểm tra.

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSNDTC, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSNDTC tiếp thu các ý kiến của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng thời nhấn mạnh, các nội dung kiểm tra trong chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, cần thiết đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Công tác xây dựng Đảng luôn được Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSNDTC gắn liền với công tác xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị. Các nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng chí Viện trưởng đề nghị các tổ chức Đảng được kiểm tra tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.

3. Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong dẫn đầu Đoàn công tác làm việc tại Nam Phi

Từ ngày 08 đến ngày 14/4/2018, Đoàn công tác của VKSNDTC do đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC làm Trưởng đoàn đã có chuyến làm việc tại Cộng hòa Nam Phi.

Đoàn công tác VKSND tối cao làm việc với Bộ Tư pháp và Xây dựng hiến pháp Nam Phi

Trong buổi làm việc với Bộ Tư pháp và Xây dựng Hiến pháp Nam Phi, hai bên đã trao đổi pháp luật hai nước liên quan đến thủ tục, trình tự xây dựng điều ước quốc tế; thông báo cho nhau về tiến độ thực hiện các thủ tục trong nước để có thể ký dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà hai bên đã đàm phán thành công từ tháng 11/2012 và thống nhất phối hợp thúc đẩy hoàn thành việc ký dự thảo Hiệp định trong năm 2018 để tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia.

Làm việc với Cơ quan Công tố quốc gia Nam Phi, hai bên đã thông tin cho nhau về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của hai cơ quan; tập trung thảo luận, trao đổi sâu về pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, tội phạm liên quan đến môi trường và thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Đồng thời, hai bên thống nhất nghiên cứu sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới.

Kết quả của chuyến công tác tại Nam Phi của Đoàn VKSNDTC Việt Nam nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa Viện kiểm sát Việt Nam và các cơ quan tư pháp Nam Phi; qua đó góp phần tích cực vào việc củng cố quan hệ “Đối tác vì hợp tác và phát triển”; thiết thực kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (22/12/1993-22/12/2018).

4. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ áp dụng “hỏi nhanh, đáp gọn”

Sáng 17/4, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi làm việc ngày 17/4

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 là 19 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/5 và dự kiến bế mạc vào 14/6/2018. Đây là kỳ họp có thời gian ngắn nhất trong nhiều khoá vừa qua. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, 7 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

04 dự án Luật được rút ra khỏi dự kiến chương trình là: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số để tiếp tục hoàn thiện. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cải tiến một bước, tại phiên họp trù bị. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/1 lần. Sau 3 người hỏi thì người bị chất vấn trả lời câu hỏi của đại biểu không quá 3 phút/1 lần. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất giảm thảo luận tại các phiên họp tổ, tăng các phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, thời gian dành cho các dự thảo luật, các vấn đề không nhất thiết phải "chia đều" mà phụ thuộc vào tính chất, mức độ của từng nội dung cũng như sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

5. Khởi tố 7 bị can trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ 

Ngày 17/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và tiến hành biện pháp tố tụng đối với 7 bị can trong vụ án liên quan đến Vũ "nhôm".

Các bị can (từ trái qua): Trần Văn Minh, Nguyễn Điểu, Văn Hữu Chiến. Ảnh: Vnexpress

Các bị can này được cho là có liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ.

- Ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Bộ Công an đã nghỉ hưu; Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an  về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2006-2011) về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2011-2014) về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng về hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Văn Toán, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng về hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng về hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

6. Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nữ Kiểm sát viên nhận hối lộ và khởi tố, bắt tạm giam Kế toán trưởng Chi cục Thi hành án Việt Trì.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Thị Huyền, Kiểm sát viên VKSND TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên để điều tra về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự.

Quá trình điều tra ban đầu đã xác định: Vào hồi 10 giờ ngày 10/4/2018, tại khu vực ngã tư đường Hùng Vương và đường Nha Trang thuộc tổ 18, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên, Công an TP. Thái Nguyên bắt quả tang Trịnh Thị Huyền, sinh năm 1982, Kiểm sát viên VKSND TP. Thái Nguyên đang nhận số tiền 17 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Việt xin giảm nhẹ tội cho bị can Ngô Thiên Việt bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

Ngày 18/4, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Thanh Hòa (SN 1981), nguyên Kế toán trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để điều tra về tội “Tham ô tài sản” theo Điều 353 Bộ Luật Hình sự.

Khoảng từ năm 2015 đến tháng 4/2018, Trần Thị Thanh Hòa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập nhiều chứng từ khống và giả mạo chữ ký để rút hơn 5 tỷ đồng từ tài Kho bạc Nhà nước và một số Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đây là tiền gửi Thi hành án, tạm giữ chờ xử lý của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Việt Trì, gồm tiền bồi thường, tiền tạm giữ, tạm thu, tiền tang vật vụ án…

7. Cuba có Chủ tịch mới, đề xuất cải tổ Hiến pháp

Sau 2 ngày làm việc, tối 19/4 (theo giờ Hà Nội), Quốc hội Cuba khóa IX đã thông báo kết quả bỏ phiếu kín các ví trị chủ chốt trong ban lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm tới.

Tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez trong lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Grama

Theo kết quả được công bố, ông Miguel Diaz-Canel Bermudez được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba với 603 phiếu, tương đương 99,86% số phiếu bầu.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez, 58 tuổi, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba.

Ông Miguel Diaz-Canel Bermudez từng giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, và trước đó từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Villa Clara  và tỉnh Holguin; đã từng kinh qua vị trí Bộ trưởng Bộ Đại học Cuba từ năm 2009 đến năm 2012.

Cũng trong dịp này, nhà lãnh đạo mới của Cuba Diz-Canel và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch mãn nhiệm Raul Castro Ruz  đã thông báo về đề xuất cải tổ Hiến pháp Cuba vào tháng 7 tới.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang