Vấn đề - sự kiện nổi bật tuần qua (11/6-15/6)
(kiemsat.vn) Những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong tuần qua: Viện trưởng VKSND tối cao gặp mặt, trao đổi với Đoàn làm phim ĐTHVN về xây dựng bộ phim truyền hình về ngành KSND; Quốc hội khoá XIV đã bế mạc kỳ họp thứ 5; Mỹ và Triều Tiên ký cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Quốc hội thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019
Tổng Liên đoàn Lao động: "Phát hiện truyền đơn kích động công nhân biểu tình"
1. Bộ phim phản ánh cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt chống tội phạm
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi làm việc |
Ngày 14/6, tại trụ sở VKSND tối cao, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã gặp mặt, trao đổi với Đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý về việc xây dựng bộ phim, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đã phát biểu về mục đích, ý nghĩa cũng như thông điệp của mà VKSNDTC đang phối hợp cùng Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.
Đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo của các nghệ sỹ trong quá trình chuẩn bị, xây dựng kịch bản của bộ phim, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, nội dung bộ phim cần tập trung phản ánh được cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt chống tội phạm, trọng tâm là chống tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng và chống những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật; đồng thời, phải thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong cuộc đấu tranh đó. Bộ phim phải xây dựng được hình tượng người Kiểm sát viên trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp, với tinh thần thượng tôn pháp luật, bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
2. Những vấn đề lớn được Quốc hội tập trung thảo luận trong 5 ngày (11/6 - 15/6)
Lắng nghe ý kiến của cử tri
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trước phiên thảo luận ngày 11/6 (Ảnh: Quốc hội) |
Sáng 11/6, Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "Việc Quốc hội, đại biểu bàn luận ở hội trường đã lan tỏa ra ngoài xã hội. Đáng tiếc là người dân không hiểu đúng bản chất sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu nhầm vấn đề, nên có hành động quá khích; không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng để gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội… Đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước. Các dự án Luật mà Quốc hội đang thảo luận luôn lắng nghe ý kiến của người dân".
Chỉ nên đặc xá những người chấp hành xong hình phạt bổ sung
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình bổ sung ý kiến của các Đại biểu Quốc hội |
Sáng 11/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về việc tần suất và số lượng đặc xá quá cao trong những năm gần đây. Để khắc phục tình hình này, từ đầu năm 2018, khi BLHS mới có hiệu lực, có một chế định mới Quốc hội đã thông qua là tha tù trước thời hạn. Tha tù trước thời hạn khác đặc xá ở chỗ thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước, thẩm quyền tha tù trước thời hạn là của Chánh án các cấp. Sự khác biệt cơ bản nữa là với tha tù trước thời hạn, nếu đối tượng tiếp tục phạm pháp trong thời hạn được tha tù thì sẽ phải lại quay lại nhà tù để chấp hành phần còn lại của bản án; còn đặc xá là tha luôn, miễn luôn phần án còn lại. Chánh án TAND tối cao khẳng định, thời điểm đặc xá phải đúng những sự kiện đặc biệt quan trọng, nhiều năm mới làm một lần, nếu làm mỗi năm một lần sẽ trùng với tha tù trước thời hạn.
Đáng chú ý, có đại biểu cho rằng cần phải bắt buộc thực hiện xong tiền phạt và án phí đối với mọi tội phạm mới xem xét đặc xá. Điều này “rất có ý nghĩa đối với các động cơ phạm tội là tiền và tài sản, như các loại tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hay tội tham nhũng”.
Thành lập TAND, VKSND TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
Ngày 11/6/2018, UBTV Quốc hội đã ra các Nghị quyết số 530/NQ-UBNTVQH14 và 531/NQ-UBNTVQH14 về việc thành lập Tòa án nhân dân và VKSND TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tòa án nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kế thừa toàn bộ số lượng biên chế, Thẩm phán và trụ sở, cơ sở vật chất, các phương tiện làm việc của TAND TX. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
VKSND TP. Phúc Yên khi được thành lập là một đơn vị trực thuộc VKSND tỉnh Vĩnh Phúc. Biên chế của VKSND TP. Phúc Yên được kế thừa trên cơ sở số lượng biên chế của VKSND TX. Phúc Yên.
Tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh |
Sáng 12/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Với cấu trúc 10 chương, 118 điều trong đó có những chương đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền (Chương IV); Về tập trung kinh tế (Chương V) hay tố tụng trong cạnh tranh… Luật Cạnh tranh được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp, đem lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng và tăng cường quản lý Nhà nước.
Với 95.28 % đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng với sự tán thành cao |
Luật An ninh mạng (7 chương, 43 điều) được kỳ vọng sẽ tăng cường công tác Phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm mạng.
Với 86.86 % đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng.
Giữ hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp
Sáng 12-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật.
Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) |
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân (Điều 14 và Điều 15): Có ý kiến đề nghị không nên quy định Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cấp huyện giải quyết tố cáo, vì người làm việc ở TAND, VKSND cấp huyện do TAND, VKSND cấp tỉnh quản lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thẩm quyền giải quyết tố cáo của TAND, VKSND các cấp, bao gồm cả cấp huyện là kế thừa quy định của Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn giải quyết tố cáo, thuận lợi cho TAND, VKSND cấp huyện trong xác minh vụ việc bị tố cáo của công chức cùng cấp. Do đó, vẫn giữ quy định này như trong dự thảo Luật.
Phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn phải là chủ đạo
Ngày 13/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc mở rộng phòng chống tham nhũng trong khu vực tư. Những người quản lý doanh nghiệp tư không phải là công chức, công bộc trong bộ máy nhà nước, họ là những nhà kinh doanh. “Chỉ vì họ kê khai tài sản không đầy đủ hoặc không giải trình được đầy đủ tài sản của mình mà bị xử lý 45% như công chức là không phù hợp”.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) (Ảnh: Quốc hội) |
Có đại biểu cho rằng phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn phải là chủ đạo. Cần tránh nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng từ khu vực công sang khu vực tư vì làm khu vực công sẽ “khó khăn và động chạm” hơn so với khu vực tư. Nếu không đặt ra vấn đề này thì sẽ có nguy cơ lạm dụng quyền lực, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.
Hợp pháp hoá cá cược thể thao
Sáng 14/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Theo đó, từ 01/01/2019, cá cược thể thao được coi là ngành kinh doanh hợp pháp.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. |
Điều 68a được sửa đổi, coi đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.
Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao; hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là Việt Nam đồng.
Cần có lộ trình khi chính quy hoá lực lượng Công an xã
Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Công an nhân dân sửa đổi. Vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất là về lực lượng Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức CAND.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) băn khoăn về nghiệp vụ của lực lượng Công an xã (Ảnh: Quốc hội) |
Để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh Công an xã.
Có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn khi luật đang giao cho công an xã được sử dụng nhiều loại vũ khí và công cụ hỗ trợ như súng trường, súng tiểu liên, bình xịt hơi cay, roi điện... Đội ngũ công an xã không được đào tạo nghiệp vụ bài bản nếu được trang bị những vũ khí có khả năng sát thương cao sẽ không tránh khỏi những vấn đề liên quan đến quyền con người như thời gian qua như: đánh chết người dân, gây thương tích nghiêm trọng, làm ệch hồ sơ vụ án.
Nhiều đại biểu ủng hộ việc chính quy hoá lực lượng Công an xã bởi vừa tốt cho công tác an ninh trật tự, lại có lợi cho địa phương nhưng xác định cần một lộ trình thích hợp, không làm đồng loạt và ồ ạt.
Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch |
Sau 21 ngày làm việc, sáng 15/6, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, thông qua nhiều Luật và Nghị quyết quan trọng.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp.
3. Khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng tại Bình Thuận
Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch (Ảnh: TTXVN) |
Liên quan đến vụ việc tụ tập đông người, đập phá tài sản, tấn công lực lượng chức năng trong các ngày 10 và 11/6 tại thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong) và thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, ngày 15/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Thuận) đã ra quyết định khởi tố vụ án về các hành vi: “Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ”.
Công an tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Công an các địa phương và các phòng nghiệp vụ tập trung lực lượng, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.
4. Vụ án tại DongABank: VKSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố thêm 2 bị can
VKSND tối cao vừa phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc Công ty CP lương thực Nam Định) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015; và bà Nguyễn Thị Cúc (nguyên Trưởng Ban kiểm soát ngân hàng Đông Á) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, đã khởi tố tổng cộng 25 bị can, kê biên thu hồi tài sản có tổng giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng.
5. Trump - Kim ký cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên
Vào lúc 9h30’ sáng 12/6 (giờ địa phương), tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa, Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử trong quan hệ 2 nước.
Tại cuộc họp báo kết thúc Thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra văn kiện mà lãnh đạo 2 nước vừa ký kết, trong đó nêu rõ 2 bên nhất trí hợp tác hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay khi bắt đầu họp thượng đỉnh (Ảnh: AFP) |
Trong văn kiện này, Mỹ cũng cam kết về các "đảm bảo an ninh" với Triều Tiên. Thỏa thuận này cũng hướng tới việc thiết lập "các mối quan hệ mới Mỹ-Triều Tiên."
Trước đó, tuyên bố sau các sự kiện tại Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định thế giới sẽ được chứng kiến "một sự thay đổi lớn lao" và hai nhà lãnh đạo "đã quyết định gác lại quá khứ."
Về phần mình, Tổng thống Trump cho biết ông đã tạo dựng được mối quan hệ "gắn kết rất đặc biệt" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông đánh giá nhà lãnh đạo Triều Tiên là một nhà đàm phán "thông minh và tài năng."
Tổng thống Trump đồng thời nhấn mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sẽ bắt đầu "rất nhanh chóng." Ông khẳng định ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thêm nhiều lần nữa cũng như mời ông Kim Jong-un tới thăm Mỹ.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
5Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.