Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến nội dung phiên họp thứ 26
(kiemsat.vn) Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 08/08 và kết thúc ngày 13/08 tại Hà Nội. Công tác xây dựng pháp luật và công tác giám sát, chất vấn là những nội dung chính của phiên họp lần này.
Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 07 dự án luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, đó là: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Điểm đáng lưu ý trong Phiên họp này của Ủy ban TV Quốc hội là chưa xem xét nội dung Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại Phiên họp thứ 26 UBTV Quốc hội. Như thông lệ, các dự án luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp sẽ được xem xét tại Phiên họp tiếp sau đó của Thường vụ Quốc hội. Đây là một minh chứng cho thấy dự luật đang được Quốc hội xem xét thận trọng, tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Còn hai tháng nữa kỳ họp thứ 6 của Quốc hội mới diễn ra và đây là thời gian để Chính phủ chỉnh sửa, hoàn thiện. Cũng tại phiên họp thứ 26 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Kiến trúc.
Về nội dung thứ hai là công tác giám sát và chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ngày 13/8/2018) với hai nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan gồm có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhóm vấn đề thứ hai là công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Công an. Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan gồm có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.