Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A về tội “Giết người” chưa đạt

06/12/2016 02:47

(kiemsat.vn)
Sau khi nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ việc trong bài viết: Nguyễn Văn A phạm tội “Cố ý gây thương tích”? của tác giả Ngọc Bảo đăng trên diễn đàn trao đổi của Kiemsat.vn ngày 10/11/2016, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Việc TAND huyện định tội Nguyễn Văn A về tội “Cố ý gây thương tích” là chưa chính xác, chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Việc phân biệt “Giết người” (chưa đạt) hay tội “Cố ý gây thương tích” chủ yếu dựa vào các yếu tố sau: 1. Hành vi khách quan được coi là phương pháp để xác định lỗi chủ quan của người phạm tội; 2. Việc sử dụng hung khí hay không sử dụng hung khí; 3. Đâm (đánh) vào vùng (vị trí) nào trên cơ thể.

Đối với tình huống này, để xác định hành vi của Nguyễn Văn A phạm vào điều luật nào của Bộ luật Hình sự, cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện về toàn bộ vụ án, cần dựa vào các yếu tố phân biệt cơ bản kể trên, như sau:

1. Hành vi khách quan được coi là phương pháp để xác định lỗi chủ quan của người phạm tội: Chẳng hạn như dùng vật gì phạm tội, mức độ nguy hiểm của vật đó ra sao; cách thức thực hiện tội phạm… Cần phải kết hợp những tình tiết đó với những tình tiết khác như trình độ nhận thức, mục đích, động cơ phạm tội; người phạm tội có thấy trước hậu quả chết người, mong muốn hay để mặc nó xảy ra hay không.

Trong tình huống trên, Nguyễn Văn A đã “dùng” công cụ, phương tiện có tính nguy hiểm cao là con dao Thái Lan, có khả năng sát thương lớn, có khả năng gây hậu quả chết người cao, không hoàn toàn phụ thuộc vào cách sử dụng của người phạm tội. Về thuật ngữ “dùng” hay “sử dụng” có ý nghĩa khác nhau trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi. Về học thuật thì nghĩa của thuật ngữ “dùng” hung khí nguy hiểm rộng hơn “sử dụng”, bao hàm cả “sử dụng”, “dùng” hung khí nguy hiểm có nghĩa là coi hung khí nguy hiểm như là một công cụ, phương tiện phạm tội, còn “sử dụng” mang tính hành động và tính mục đích rõ ràng hơn. “Sử dụng” hung khí nguy hiểm là đặc trưng của “dùng” hung khí nguy hiểm. Trong vụ án này, Nguyễn Văn A đã “dùng” tức chuẩn bị hung khí nguy hiểm từ trước, biết được con dao Thái Lan có tính sát thương lớn, gây hậu quả chết người cao, tính chất nguy hiểm hơn là A đánh nhau với B, vớ (cầm) được hung khí nào thì “sử dụng” hung khí đó.

2. Việc dùng hung khí hay không dùng hung khí: Về hành vi “Giết người”, tại Điều 93 Bộ luật Hình sự không quy định có sử dụng hung khí hay không dùng hung khí, chỉ quy định hành vi cố ý “giết” là thỏa mãn. Hành vi “giết” có thể là dùng tay, chân bóp cổ, làm ngạt, dìm xuống nước… hoặc dùng dao, súng, thuốc nổ… Trong vụ án này, Nguyễn Văn A đã dùng hung khí nguy hiểm là con dao Thái Lan chuẩn bị từ trước, có tính sát thương lớn, biết được gây hậu quả chết người cao tấn công nạn nhân.

3. Đâm (đánh) vào vùng (vị trí) nào trên cơ thể: Đối với hành vi “Giết người”, người phạm tội muốn tước đoạt sinh mạng của ai, thì họ sẽ tấn công vào những nơi xung yếu trên cơ thể như: vùng ngực, đầu, bụng… Việc Nguyễn Văn A kết hợp dùng công cụ, phương tiện nguy hiểm là con dao Thái Lan, cùng với việc tấn công vào vùng bụng là vị trí xung yếu trên cơ thể, sau đó lại tiếp tục đâm thêm 01 nhát vào tay của B thể hiện ý tấn công liên tục, với mong muốn và để mặc hậu quả chết người có thể xảy ra.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan về vụ án, từ những phân tích như trên, trong trường hợp này A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” (tình huống này là giết người chưa đạt) quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự./.

Hoàng Đức Cường
VKSQS Khu vực 43

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang