Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị triển khai các quy định mới của Ban Bí thư về công tác báo chí, xuất bản tại khu vực phía Nam
(kiemsat.vn) Sáng 11-5, tại tỉnh Bình Dương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII và xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) khu vực phía Nam.
Bình Dương lần thứ 5 liên tiếp nằm trong Top 21 Cộng đồng Thông minh tiêu biểu của Thế giới
Ban Bí thư ban hành Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí
Bình Dương: Kết nối các tỉnh, thành nhân rộng mô hình phát triển Khu Công nghiệp kiểu mới của Becamex
Toàn cảnh Hội nghị. |
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Dự Hội nghị có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
Cùng tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra còn có lãnh đạo các tỉnh và các sở ban ngành; lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, chủ quản nhà xuất bản; lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản tại TP Hồ Chí Minh và 32 địa phương khu vực phía nam.
Triển khai các quy định mới của Ban Bí thư phù hợp với tình hình mới
Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày những nội dung cơ bản, cốt lõi trong 04 quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng, là những nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp, mật thiết đến công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hằng ngày của cấp uỷ, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, gồm: Quy định 100-QĐ/TW và 101-QĐ/TW ngày 28/2/2023 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản; Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quy định số 99-QĐ/TW ngày 27/2/2023 của Ban Bí thư về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng.
Đồng thời, cung cấp thông tin về một số nội dung cơ bản trong dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) - sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với báo giới cả nước.
Hội nghị có sự tham dự 500 đại biểu khu vực phía Nam. |
Theo ban tổ chức Hội nghị, tính tới năm 2022 Việt Nam có 815 cơ quan báo chí, 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 19.000 người được cấp thẻ nhà báo. Công tác quản lý báo chí và xuất bản ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên trên thực tế phát sinh nhiều tình huống phức tạp. Vì vậy Ban Bí thư ban hành các quy định mới để phù hợp với tình hình mới, thống nhất, đạt hiệu quả trong công tác quản lý và tạo điều kiện để phát triển báo chí, xuất bản.
Các quy định mới được quán triệt tại Hội nghị là những văn bản quan trọng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc, vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tác động trực tiếp đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước. Nội dung các quy định thể hiện nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, cần được quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản, thật sự đi vào cuộc sống, áp dụng thống nhất trong cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.
Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. |
Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt Quy định số 99-QĐ/TW, về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng là quy định có ý nghĩa rất quan trọng. Cờ Đảng (Đảng kỳ) là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lá cờ Đảng luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, là niềm tin, niềm tự hào, là động lực để cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta phấn đấu, rèn luyện, cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và dân tộc. Thời gian qua, cờ Đảng được sử dụng trong trang trí khánh tiết các hoạt động và sinh hoạt của Đảng, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị - xã hội quan trọng của Đảng, đất nước, trang trí trụ sở các cơ quan (phòng họp, phòng tiếp khách, khuôn viên), tại nơi công cộng...
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có quy định hay hướng dẫn về sử dụng cờ Đảng nên việc sử dụng cờ Đảng, hình ảnh cờ Đảng chưa thống nhất ở nhiều địa phương, đơn vị, thậm chí có hiện tượng thiếu chính xác, gây phản cảm trong dư luận, bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chống phá. Quy định số 99-QĐ/TW được ban hành ngày 27/02/2023 bao gồm 5 Chương, 26 Điều, nêu rõ quy cách cờ Đảng, nguyên tắc, đối tượng sử dụng và thời gian treo cờ Đảng; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện quy định này; góp phần tạo sự thống nhất trong sử dụng cờ Đảng, hình ảnh Đảng kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sự trang nghiêm của Đảng, qua đó giáo dục, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. |
Quán triệt Quy định số 85-QĐ/TW, đồng chí Lê Hải Bình, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trình bày những nội dung cơ bản, cốt lõi của quy định. Theo đó, Quy định được ban hành với mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xây dựng môi trường internet, mạng xã hội Việt Nam văn minh, lành mạnh, an toàn.
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. |
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt Quy định số 100-QĐ/TW và 101-QĐ/TW về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành để thay thế 02 Quyết định trước đây (Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư về “Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”; Quyết định số 282-QĐ/TW, ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư về “Quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản”). Quy định số 100-QĐ/TW và 101-QĐ/TW có nhiều điểm mới, đáng chú ý về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cũng như khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản; phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí, xuất bản hiện đại; khắc phục những hạn chế, bất cập của các quyết định cũ, đó là thiếu đồng bộ với các quy định của Đảng và pháp luật liên quan và không phù hợp với thực tiễn và những biến chuyển của đời sống xã hội nói chung, đời sống báo chí - xuất bản nói riêng...
Đồng chí Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, việc ban hành 02 Quy định số 100-QĐ/TW và 101-QĐ/TW đã tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản; là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi với các đại biểu. |
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến, trao đổi sôi nổi về một số nội dung trong các Quy định, xoay quanh các vấn đề như công tác quản lý nhà nước về báo chí xuất bản; tình trạng báo hóa tạp chí và xử lý kỷ luật. Bên cạnh đó là những trăn trở về xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và các nhà báo. Việc cán bộ, đảng viên, nhà báo thiết lập và sử dụng Internet, mạng xã hội... từ đó giải đáp rõ ràng, chi tiết về từng vấn đề để triển khai thực hiện các Quy định và dự thảo Đề án nêu trên một cách thông suốt, thống nhất, hiệu quả; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, đáp ứng tốt mục đích, yêu cầu đề ra.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh yêu cầu phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định này trong thực tế với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác tuyên giáo. Trên cơ sở Hội nghị, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung quy định với nhiều hình thức phù hợp giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hiểu rõ, vận dụng cho đúng các quy định. Báo chí - xuất bản, quản lý đảng viên là công việc của Đảng, của cấp ủy các cấp..., chứ không riêng các cơ quan truyền thông.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các Quy định trên; thông tin, báo cáo kết quả thực hiện quy định ở các cấp theo từng quý, từng năm. Cùng với đó là biểu dương, khen thưởng các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả; kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ban Tuyên giáo Trung ương để có chủ trương chỉ đạo kịp thời, sát hợp tình hình thực tế.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025)
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với báo giới cả nước. Với bề dày truyền thống vẻ vang - 100 năm đồng hành cùng dân tộc, cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; với sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, báo giới cả nước có quyền tự hào về truyền thống cách mạng, sứ mệnh nghề nghiệp cao cả và những đóng góp quan trọng đối với đất nước, với dân tộc. Nhìn lại 100 năm qua để đánh giá, tổng kết, để tự hào nhưng cũng là để cùng nhau xây dựng những chiến lược, kế hoạch, để báo chí cách mạng vững vàng bước sang giai đoạn phát triển mới; cổ vũ, động viên báo giới cả nước tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dự kiến sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam như tổng kết các quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước về báo chí, hội thảo, đào tạo nguồn nhân lực cho báo chí...
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. |
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Sau 26 năm xây dựng và phát triển, từ một tỉnh nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương đã chuyển mình, vươn lên trở thành một tỉnh phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao. Những thành quả đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí, xuất bản trong và ngoài tỉnh. Với vai trò kênh thông tin chính thống, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, các cơ quan báo chí, xuất bản của tỉnh và cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh luôn nỗ lực hoạt động hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát thực tiễn của tỉnh, thông tin, tuyên truyền đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh; phản ánh kịp thời những vấn đề, sự kiện quan trọng của tỉnh. Nhiều thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, thống nhất nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đặc biệt, thông qua tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, đội ngũ nhà báo, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đã góp phần tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa sâu rộng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, những tiềm năng lợi thế cùng với hình ảnh, nét đẹp đặc trưng của vùng đất và con người Bình Dương đến với nhân dân trong nước và quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị những người làm báo tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập về tư tưởng đạo đức về phong cách viết, tư tưởng làm báo của Bác Hồ vận dụng trong thời kỳ mới. Từ đó, có đạo đức làm báo, tính nhân văn của người làm báo, sự tận tụy, khoa học và sự tâm huyết, đồng hành nghề làm báo đối với đất nước, dân tộc, nhân dân; đồng thời bảo vệ tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực này...
Về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng của báo chí cách mạng nước ta. Vì vậy, cần phải xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách thật bài bản, trang trọng và giàu ý nghĩa; triển khai kế hoạch kỷ niệm với phương châm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; thiết thực xây dựng nền báo chí truyền thông ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại như tinh thần văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Quán triệt, triển khai quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII về công tác báo chí, xuất bản
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần làm tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
-
1Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến gặp mặt các đồng chí nguyên Lãnh đạo VKSND tối cao qua các thời kỳ
-
2Bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, tiến bộ của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
3Đồng chí Lương Cường được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026
-
4Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8
-
5Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam
-
6Việt Nam và Xinh-ga-po ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự
-
7Quy chế mới về bầu cử trong Đảng
-
8Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII
-
9Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Bài viết chưa có bình luận nào.