Trộm cắp cổ vật ở đền, chùa: Bao giờ hết nạn?

21/02/2019 13:52

(kiemsat.vn)
Trộm cắp cổ vật trong các di tích là vấn nạn xảy ra từ nhiều năm nay. Công tác an ninh sơ sài; thái độ thờ ơ của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đã khiến biết bao cổ vật đền, chùa “chảy máu”.

Buồn cho cổ vật

Thời gian gần đây, nạn đạo chích tiếp tục xâm hại chốn linh thiêng. Nhiều cổ vật bị trộm có tuổi thọ hàng trăm năm, có giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc hiếm hoi.

Không chỉ tiêu thụ trong nước, cổ vật quý bị thẩm lậu ra nước ngoài. Giới thượng lưu vẫn coi sưu tầm đồ cổ là thú chơi và mốt thời thượng, còn các đầu nậu vẫn “hốt bạc” sau các phi vụ buôn bán này. Bởi vậy, hầu hết những cổ vật bị đánh cắp khó có thể tìm lại. Trong khi đó, những khoảng trống mà chúng để lại là vô cùng lớn. Những cổ vật đang được cất giữ, thờ cúng tại các đình chùa, miếu mạo chính là bảo vật, là hơi thở, là linh hồn của những nơi đó. Một khi bị mất đi, không những giá trị của chúng bị thay đổi, mà những đình chùa, miếu mạo, di tích kia dường như bị bắt mất “linh hồn”.

Chấp kích đình Thổ Hà đã bị mất cắp (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Bắc Giang được xem là một trong những điểm nóng về tình trạng mất cắp cổ vật. Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần 50 vụ xâm hại, mất cắp tại di tích. Kẻ gian lấy đi hàng trăm di vật, cổ vật, chủ yếu là tượng, sắc phong, câu đối, chuông, chấp kích, lư hương, chóe...

Ngày 23/02/2017, trong khi chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên) đang chuẩn bị cho Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt thì kẻ gian đã đột nhập lấy đi pho tượng Quan Âm Tống Tử bằng gỗ có niên đại gần 200 năm. Tiếp đó, ngày 11/01/2018 tại đình Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) nhiều cổ vật, di vật có giá trị (1 bộ chấp kích cổ có 8 chiếc, 1 kiếm thần, 1 nồi hương đồng và 1 đôi hạc đồng) lại bị mất trộm.

Không chỉ tại Bắc Giang, tại nhiều tỉnh khác cũng xảy ra nạn trộm cắp cổ vật ở đình chùa. Chùa Kim Long ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã bị mất cắp đến 39 pho tượng quý, có niên đại 300 năm; chùa Phù Lưu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) bị mất chiếc chuông đồng 103kg và nhiều đồ thờ quý giá khác.

May mắn hơn những di tích khác khi tìm lại được chiếc khám thờ Mẫu Liễu Hạnh gần 1.000 năm tuổi, nhưng sự việc mất cổ vật tại đình Hoàng Châu (xã Hoàng Châu, Cát Hải, Hải Phòng) mới đây lại một lần nữa cảnh tỉnh về sự mơ hồ và chủ quan của những người làm công tác quản lý.

Cổ vật được tìm lại trả cho người dân xã Hoàng Châu (Ảnh: Kinh tế đô thị) 

Đình làng Hoàng Châu được xây dựng cách đây 300 năm, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia, nhưng việc trông coi ở đây lại rất lỏng lẻo. Thứ bảo vệ cổ vật duy nhất chỉ là một ổ khóa mỏng.

Thực tế ở nhiều đình, chùa khác cũng vậy: Phần lớn hệ thống tường rào, cửa, khóa đều rất tạm bợ, không có bảo vệ trông coi ban đêm mà chủ yếu là các sư trụ trì tự cai quản. Việc tuần tra, phòng gian bảo mật chưa được quan tâm đúng mức.

Nếu như các ngành chức năng và chính quyền địa phương không phối hợp chặt chẽ, tăng cường các biện pháp an ninh thì chẳng biết bao nhiêu cổ vật sẽ “không cánh mà bay”!

Ai bảo vệ cổ vật đền, chùa?

Điều đáng nói, những cổ vật quý giá hàng trăm năm của cha ông để lại bị biến mất nhưng không một ai đứng ra chịu trách nhiệm và bị xử lý trước pháp luật. Khi mất cổ vật, người trông coi các di tích ấy chỉ phải giải trình, bị nhắc nhở; còn chính quyền xã, phường thì “ngó lơ”. Sau đó là… hòa cả làng!

Hoạt động của Ban Quản lý di tích cấp xã còn lỏng lẻo. Và trên thực tế, ngay cả ở những di tích đã xếp hạng, Ban Quản lý di tích chỉ là hình thức. Hầu hết các di tích chưa có sổ theo dõi di vật, cổ vật, chưa được lập hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản.

Trong Luật di sản không quy định rõ, khi để mất cổ vật thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai. Năm 2002, Chỉ thị 05 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích đã yêu cầu chính quyền cấp xã, phường không “khoán trắng” trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích. Khi sự cố xảy ra thì người đứng đầu cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm.

Tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang)- một di tích quốc gia đặc biệt, cổng phụ, tường đất cổ bao quanh khá thấp, rất dễ dàng cho kẻ gian đột nhập (Ảnh: Báo Nhân dân)

Bởi vậy, để an ninh ở các di tích được bảo đảm, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương với di tích trên địa bàn. Mặt khác, phải xây dựng kiên cố hệ thống tường rào, hệ thống cửa; lắp đặt hệ thống camera, báo động; luân phiên cắt cử người trông coi tại các di tích.

Chính quyền địa phương cũng phải có chế độ thù lao hợp lý cho người bảo vệ, trông coi di tích và gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra mất mát.

Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của các di vật, cổ vật để mỗi người có ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản quý báu do ông cha ta để lại.

Nguy cơ “trắng tay” cổ vật

PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định: "Nếu tình trạng chảy máu cổ vật không sớm được ngăn chặn thì cổ vật Việt Nam dù có phong phú đến mấy, đa dạng đến mấy, rồi cũng bị mất hết. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa, lịch sử của nước ta. Bởi vì, những hiện vật bị trộm cắp đang trôi nổi trên thị trường hoặc thuộc sở hữu của một cá nhân nào đó phần lớn đều chưa được nghiên cứu, giám định. Ngay cả với những hiện vật đã được nghiên cứu, giám định vẫn cần được cất giữ để phục vụ quá trình nghiên cứu lâu dài của các thế hệ con cháu sau này, cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam. Một khi các hiện vật bị mất đi, quá trình nghiên cứu coi như phải dừng lại", dẫn theo báo Đời sống Pháp luật.

Khuyến cáo người lao động đi làm tại Nhật Bản

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động không sang Nhật Bản làm việc và học tập thông qua các công ty phái cử không có giấy phép của các cơ quan chức năng, không chi trả chi phí trước khi đi cao hơn quy định, không đi du học vì mục đích đi làm việc để kiếm tiền.

Truy tố nhóm bác sĩ “bán” bệnh án tâm thần cho… tội phạm

VKSNDTP. Hà Nội hoàn tất cáo trạng số 39/CT-VKS, truy tố bị can Thân Thái Phong, nguyên Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi; Nguyễn Tuấn Sơn, Kỹ thuật viên, trưởng khoa dinh dưỡng, bệnh viện Tâm thần Trung Ương I về hành vi nhận hối lộ, môi giới hối lộ để làm hồ sơ bệnh án tâm thần giả cho đối tượng hình sự.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang