Trao đổi bài viết: “Khi nào bắt đầu thời hạn giữ người trong trường hợp khẩn cấp”?

11/07/2018 09:05

(kiemsat.vn)
Theo tác giả, thời điểm bắt đầu tính thời hạn giữ người trong quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải muộn hơn thời điểm có biên bản giữ người.

Qua nghiên cứu nội dung bài viết của tác giả Bùi Hùng Cường -  VKSND tỉnh Hòa Bình đăng trên tạp chí Kiemsat.vn ngày 09/7/2018 với nội dung bài viết “Khi nào bắt đầu thời hạn giữ người trong trường hợp khẩn cấp”, tác giả có ý kiến như sau:

Đây là vấn đề mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (gọi tắt là BLTTHS) liên quan đến biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự về chế định bắt khẩn cấp thành giữ người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. So với BLTTHS năm 2003 không quy định chế định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp và hiện nay Liên ngành tư pháp Trung ương cũng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn tạm giữ trong trường hợp này. Nhưng chúng ta cần nhận thức về biện pháp tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp như sau:

Khoản 1 Điều 109 BLTTHS quy định các biện pháp ngăn chặn: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh”.

Khoản 2 Điều 110 BLTTHS quy định những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Ảnh minh họa

Như vậy, BLTTHS đã quy định những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và cũng là người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ người. Và cũng tại khoản 4 Điều 110 BLTTHS quy định: Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn”.

Như vậy, BLTTHS quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người có thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó.

Ngoài ra khoản 1 Điều 114 BLTTHS quy định: “Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”. Do vậy, chúng ta cần phải nhận thức rằng, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi lập biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ  Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay. Bởi vì, trước lúc giữ người trong trường hợp khẩn cấp chúng ta chưa lấy được lời khai của người bị giữ nên chưa thể khẳng định ngay được rằng người này có vi phạm pháp luật hay không mà chúng ta chỉ căn cứ vào các tài liệu thu thập được để làm căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp đó là: Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Như vậy, để thận trọng tránh làm oan, sai người không phạm tội và không bỏ lọi tội phạm, Điều 114 BLTTHS đã quy định chi tiết đó là trong thời hạn 12 giờ sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay để xác định người bị giữ có thực hiện hành vi phạm tội hay không và từ đó làm căn cứ trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

Ngoài ra BLTTHS quy định rất chi tiết, cụ thể cách tính thời hạn trong BLTTHS đó là, thời hạn mà quy định được tính “theo giờ”, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Và khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn. Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày.

Từ những phân tích trên chúng ta cần phải hiểu rằng trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, hoặc nhận người bị tạm giữ Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt đồng điều tra phải lấy lời khai. Đồng thời trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do. Như vậy, thời điểm bắt đầu tính thời hạn giữ người trong quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải muộn hơn thời điểm có biên bản giữ người. Bởi vì, sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ BLTTHS quy định chúng ta phải lấy lời khai để xác định người đó có thực hiện hành vi phạm tội hay không để từ đó, có căn cứ ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do nhưng phải trong thời hạn 12 giờ.

Như vậy, trong hai ví dụ mà tác giả Bùi Hùng Cường đưa ra:“Trường hợp thứ nhất: Anh A bị áp dụng lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản giữ người từ 22 giờ ngày 22/6/2018; quyết định tạm giữ A ghi thời hạn tạm giữ bắt đầu từ 23 giờ ngày 22/6/2018. Trường hợp thứ hai: Anh B bị áp dụng lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản giữ người từ 22 giờ ngày 22/6/2018; quyết định tạm giữ A ghi thời hạn tạm giữ từ bắt đầu từ 07 giờ ngày 23/6/2018” đều đúng quy định của BLTTHS về tính thời hạn vì trong trường hợp này BLTTHS quy định thời hạn tạm giữ được tính bằng giờ nên đều trong phạm vi 12 giờ chưa quá 12 giờ kể từ khi A và B bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng khi tính thời hạn để thi hành án thì Tòa án phải tính thời hạn từ ngày 22/6/2018.  Bởi vì, khi một người đã bị áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì từ khi lập biên bản người đó đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn đã bị hạn chế một số quyền nên theo nguyên tắc có lợi khi tính thời hạn thi hành án thì Tòa án phải tính thời hạn thi hành án phạt tù đối với A và B là từ ngày 22/6/2018.       

Xem thêm>>>

Khi nào bắt đầu thời hạn giữ người trong trường hợp khẩn cấp?

Những trường hợp Viện kiểm sát quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam    

 

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang