Về xác định tuổi của người bị hại
(kiemsat.vn) Quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 về việc xác định độ tuổi của người bị hại cũng như đối với người phạm tội theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo. Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2011 đối với người bị hại là hợp lý hơn, bảo đảm nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.
Trao đổi bài viết: “Thẩm quyền của Viện kiểm sát trong thống nhất kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm”.
Đề xuất người từ 15 tuổi được chơi họ không quá 200 triệu đồng
Khi nào bắt đầu thời hạn giữ người trong trường hợp khẩn cấp?
Trước đây, việc xác định tuổi của người bị hại cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, khi xác định tuổi của người bị hại thì phải căn cứ vào nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, ngược lại, có ý kiến cho rằng, nếu theo hướng có lợi cho người phạm tội thì lại không có lợi cho người bị hại, trong khi đó, BLTTHS năm 2003 lại không có điều luật nào quy định về cách xác định độ tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Xác định tuổi của người bị hại nói chung và xác định tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng là một yêu cầu bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu người bị hại dưới 18 tuổi thì hồ sơ vụ án nhất thiết phải có giấy khai sinh của người bị hại, nếu không có giấy khai sinh thì phải có các tài liệu chứng minh người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Tuổi trẻ) |
Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 hướng dẫn cách xác định độ tuổi đối với bị can, bị cáo và người bị hại là người chưa thành niên (viết tắt là TTLT số 01/2011). Theo đó, việc xác định độ tuổi của người bị hại theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo cụ thể như sau:
- Trường hợp xác định tháng sinh cụ thể, nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày mùng một của tháng đó làm ngày sinh;
- Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mùng một của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh;
- Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày mùng một tháng Giêng hoặc ngày mùng một tháng Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh;
- Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó làm ngày sinh.
- Trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.
Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung Điều 417 quy định về cách xác định độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi, cụ thể như sau:
Để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải áp dụng mọi biện pháp để xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của họ, căn cứ vào các tài liệu hợp pháp như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình, các giấy tờ, tài liệu khác… Các tài liệu đó phải do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra) thu thập theo trình tự, quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã áp dụng mọi biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, người bị hại được xác định trong 5 trường hợp như sau:
- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Như vậy, Điều 417 BLTTHS năm 2015 đã có sự sửa đổi, bổ sung căn bản so với Thông tư liên tịch số 01 về cách xác định độ tuổi của bị can, bị cáo, đặc biệt đối với người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 về việc xác định độ tuổi của người bị hại cũng như đối với người phạm tội theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo. Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2011 đối với người bị hại là hợp lý hơn, bảo đảm nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2018 trở đi, TTLT số 01/2011 không còn hiệu lực.
Vấn đề đặt ra là, trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, mà sau ngày này mới phát hiện điều tra, truy tố, xét xử thì việc xác định tuổi của người bị hại như thế nào? Áp dụng theo TTLT số 01/2011 hay theo Điều 417 BLTTHS năm 2015? Nếu theo hướng có lợi cho người phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng TTLT số 01/2011.
Cho đến nay, chưa có hướng dẫn chính thức của cơ quan tiến hành tố tụng và TTLT số 01/2011 cũng chưa có văn bản nào tuyên bố hết hiệu lực, nếu có tuyên bố hết hiệu lực thì việc xác định tuổi của người bị hại trong khi hành vi phạm tội được thực hiện trước trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, mà sau ngày này mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì việc xác định tuổi của người bị hại vẫn phải theo hướng có lợi cho người phạm tội. Bởi vì, theo Nghị quyết số 41 của Quốc hội thì những quy định nào bất lợi cho người phạm tội thì chỉ áp dụng đối với hành vi được thực hiện sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, Điều 417 BLTTHS năm 2015 quy định không có lợi cho người phạm tội nhưng chỉ so với một văn bản dưới luật, còn BLTTHS năm 2003 không có điều luật nào quy định tương tự như Điều 417 BLTTHS năm 2015.
Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương cần hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương áp dụng thống nhất./.
(Trích bài viết: "Xác định tuổi của người bị hại - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" của tác giả Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao. Tạp chí Kiểm sát số 10/2018).
Xem thêm>>>
BLTTHS năm 2015 khắc phục tình trạng bị hại từ chối giám định
Mức cấp dưỡng cho người thân của bị hại trong vụ án hình sự thế nào?
Quyền của bị hại trong tố tụng hình sự
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.