Trao đổi bài viết: “Cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?”
(kiemsat.vn) Sau khi đọc bài viết “Cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy, ở VKSQS khu vực 43, đăng trên Kiemsat.vn ngày 04/11/2016, tôi xin có một số ý kiến cùng trao đổi như sau:
Điểm mới của tội Cố ý gây thương tích theo quy định của BLHS năm 2015
Hòa giải thành trước khi ra quyết định miễn TNHS
Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi
Tình huống đặt ra là do nhận thấy khả năng xe buýt có thể gây nguy hiểm tức thì, anh H đã nhảy tránh đi đồng thời chủ ý đẩy cả chị M theo. Nhưng hành động đẩy chị M của anh H lại vô tình gây thương tích nghiêm trọng cho chị M, nguy hại hơn là có thể gây tử vong.
Do trường hợp tác giả nêu lên chưa thật sự rõ về mức độ thương tật hay ảnh hưởng tính mạng cụ thể, nên xin phép được giả định hai trường hợp như sau:
Thứ nhất, nếu chị M té ngã dẫn đến tử vong
Mục đích của anh H là nhằm cứu lấy chị M nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm chị M tử vong.
Vậy, câu hỏi trước hết được đặt ra là: Trường hợp này có phải là một tình thế cấp thiết và hành vi của anh H có phải là hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết hay không?
Theo Điều 16 BLHS hiện hành về “tình thế cấp thiết” có quy định:
“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo tôi, trong trường hợp này, hành vi của anh H không đủ cơ sở để xác định là hành vi gây thiệt hại trong trường hợp cấp thiết. Vì anh H mặc dù có chủ ý thực hiện hành vi nhưng không chủ ý tính toán lựa chọn phương pháp để gây thiệt hại ở một mức độ nào đó đến chị M.
Nếu không phải là hành vi gây thiệt hại trong trường hợp cấp thiết, thì hành vi của anh H có phải là vô ý làm chết người hay là trường hợp sự kiện bất ngờ?
Theo khoa học về pháp luật hình sự thì có hai loại vô ý đó chính là vô ý cẩu thả và vô ý tự tin. Vô ý tự tin tức là người thực hiện hành vi đã thấy trước được hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, gây nguy hại cho xã hội, cá nhân khác nhưng lại tự tin là hậu quả đó sẽ có thể ngăn chặn được, thậm chí tự tin rằng sẽ không xảy ra. Còn vô ý cẩu thả tức là người thực hiện hành vi không thấy được hậu quả sẽ xảy ra, mặc dù phải thấy được điều đó, hoặc có thể thấy được điều đó.
Có một số điểm gần giống với hành vi lỗi vô ý cẩu thả là hành vi gây hậu quả nguy hại do sự kiện bất ngờ, tức là người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại nhưng không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó. Điều 11 BLHS hiện hành về “sự kiện bất ngờ” có quy định: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trong đó, người thực hiện hành vi đang trong “tình trạng không thể khắc phục được”.
Tuy nhiên, trong trường hợp này anh H không phải đang trong “tình trạng không thể khắc phục được”. Vì vậy, theo tôi, trong trường hợp nếu như chị M bị té ngã dẫn đến tử vong thì đây là lỗi vô ý của anh H. Do đó, hành vi của anh H có thể được xác định là tội “vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 98 BLHS hiện hành.
Thứ hai, chị M không tử vong nhưng bị thương tật nghiêm trọng
Theo quy định tại Điều 108 BLHS thì: “Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Trường hợp này là do anh H vô ý, không thấy trước được hậu quả sẽ xảy ra đối với chị M. Như vậy, nếu chị M bị thương tật trên 31% thì hành vi của anh H là “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”./.
Trương Thế Nguyễn
Trường Chính trị Sóc Trăng
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của TA, VKS
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.