Tranh luận đối với kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa phúc thẩm dân sự được thực hiện theo trình tự như thế nào?

17/09/2016 03:00

(kiemsat.vn)
Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm đóng vai trò quan trọng việc làm sáng tỏ, xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp Tòa án giải quyết đúng vụ án, bảo đảm cho đương sự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án.

Trước đây, tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định: “Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, thứ tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện theo quy định tại Điều 271 của Bộ luật này và chỉ được tranh luận về các vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm”.

Tuy nhiên, xét xử phúc thẩm là dựa trên kháng cáo, kháng nghị nên những người có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị sẽ tranh luận, đối đáp về kháng cáo, kháng nghị đó là có căn cứ và hợp pháp, qua đó bản án phúc thẩm được ban hành có hiệu lực pháp luật ngay sẽ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Song Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 lại chưa quy định cụ thể về trình tự tranh luận đối với kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa phúc thẩm như thế nào? Khắc phục vấn đề này, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung có kết cấu gồm 5 khoản quy định cụ thể, rõ ràng về phạm vi tranh luận, trình tự tranh luận đối với kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa phúc thẩm. So với BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì tăng thêm 4 khoản. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phạm vi tranh luận: Tại khoản 1 Điều 305 BLTTDS năm 2015 quy định: ”Tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ được tranh luận về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm”. Như vậy, về phạm vi tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm chỉ giới hạn ở những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm, nghĩa là những vấn đề có kháng cáo, kháng nghị, hoặc liên quan đến các vấn đề kháng cáo, kháng nghị.

Thứ hai, về trình tự tranh luận: Tại khoản 2 Điều 305 BLTTDS năm 2015 quy định về trình tự tranh luận đối với kháng cáo được thực hiện như sau:

– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;

– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;

– Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Tại khoản 3 Điều 305 BLTTDS năm 2015 quy định về trình tự tranh luận đối với kháng nghị được thực hiện như sau:

– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng nghị. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;

– Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu.

Ngoài ra, “trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự mình tranh luận” (khoản 4 Điều 305 BLTTDS năm 2015).

Bên cạnh đó, “trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp” (khoản 5 Điều 305 BLTTDS năm 2015).

Những quy định mới trên đây nhằm bảo đảm tất cả chứng cứ, tài liệu đều phải được tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử ra phán quyết dựa trên kết quả tranh tụng./.

Minh Anh

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang