Trách nhiệm thực hiện kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản QPPL trong Luật TTHC năm 2015

06/07/2016 10:11

(kiemsat.vn)
– Luật tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 đã bổ sung 04 điều luật mới từ Điều 111 đến Điều 114 quy định về việc phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính. Trong đó, đặc biệt có bổ sung thêm một quy định mới về trách nhiệm thực hiện kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 114 Luật TTHC năm 2015.

Trên thực tế, pháp luật hiện hành không thiếu các quy định về xử lý việc ban hành văn bản trái pháp luật, thậm chí luật còn xác định rõ nếu người nào ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai, thì tùy mức độ có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cố tình ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai trái. Và trên thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật và đã đưa ra nhiều kiến nghị.

Nhằm cụ thể hoá quy định trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án. Cụ thể, như sau:

“Cơ quan nhận được kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án có trách nhiệm giải quyết:

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án quy định tại Điều 112 về Thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, Luật, Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì cơ quan đã ban hành văn bản đó phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho Tòa án đã kiến nghị. Nếu quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để giải quyết vụ án.

– Trường hợp kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.” (Điều 114 LTTHC năm 2015)

Với sự bổ sung này, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 sẽ tạo ra sự đột phá mới trong công tác xét xử các vụ án hành chính. Từ đó, bảo đảm cho Toà án giải quyết vụ án đúng pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013./.

Ngân Hà

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang