Toàn cảnh vụ việc một học sinh Tiểu học Nam Trung Yên gãy chân

21/02/2017 03:23

(kiemsat.vn)
Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về vụ việc một học sinh Tiểu học Nam Trung Yên bị taxi đâm gãy chân ngay trong sân trường. Vụ việc gây phẫn nộ dư luận bởi sự thiếu trung thực, dối trá và sự "chần chừ" trong xử lý của ngành Giáo dục.

Vụ tai nạn nhỏ mà không nhỏ

 

Trường tiểu học Nam Trung Yên, nơi xảy ra vụ việc

Sự việc bắt đầu vào ngày 01/12/2016, khi anh Trần Chí Dũng bố của cháu Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2A4) nhận được điện thoại của cô Đỗ Thị Hòe (giáo viên chủ nhiệm cũ của con) về việc con trai anh là Trần Chí Kiên bị ngã phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Khi vào viện, cháu Kiên được bác sĩ chẩn đoán gãy xương đùi ở chân phải.

Sau khi bó bột, xương chân của con anh vẫn không liền được nên gia đình chuyển cháu sang bệnh viện Việt Đức để điều trị. Ngày 3/12, tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ đã tiến hành mổ, nẹp vít để định hình khung xương cho Kiên.

 

Nỗi đau gia đình cháu Kiên không chỉ là thể xác mà còn bị dư luận nghi ngờ sự trung thực trong câu chuyện của mình

Tuy nhiên, sự việc bắt đầu trở nên đầy mâu thuẫn khi đại diện trường tiểu học Nam Trung Yên thông báo con tự ngã, trong khi cháu Kiên nói với gia đình rằng sau giờ ra chơi, nghe tiếng chuông, cháu chạy về lớp thì va vào một ô tô màu xanh nước biển đi trong sân trường.

Bên cạnh đó, khi trao đổi với các bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức, người nhà của cháu Trần Chí Kiên được biết thêm rằng tình trạng chấn thương của con anh là rất nặng và lý do cháu tự chạy ngã khó có thể gây ra vết thương như thế.

Tận cùng của sự dối trá

Trong khi dư luận nửa tin, nửa ngờ: Có hay không một taxi di chuyển trong sân trường tiểu học, giữa giờ ra chơi và ai là người nói dối thì bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc ra mặt.  Trả lời báo chí ngày 22/12/2016, bà cho biết: “Kể từ khi xảy ra vụ việc, do quá bận rộn với lịch thi giáo viên giỏi và nhiều việc khác nên bà không nắm được đầy đủ thông tin”.

Bà Ngọc thuật lại khi vụ việc xảy ra, bà không ở hiện trường mà được một giáo viên báo cáo. Khi đó, bà đã chỉ đạo giáo viên ra nắm tình hình và đưa đi bệnh viện. Bên cạnh đó, bà Ngọc cũng khẳng định bản thân mình không tự lái ôtô đến trường như thông tin đã đưa.

 

Bằng Phiếu khảo sát này, bà Ngọc đã làm méo mó nhân cách, tâm hồn của hàng trăm học sinh tiểu học

Ngay sau đó, bà Ngọc đã chỉ đạo làm một loạt mẫu Phiếu khảo sát lấy ý kiến của học sinh và giáo viên toàn trường về vụ việc. Kết quả 100% đều nhất trí: Không có chuyện taxi đi vào trường và bé Kiên tự ngã.

Bà Ngọc gặp gỡ báo chí, kêu oan và đưa ra Phiếu khảo sát làm bằng chứng

Để tô đậm thêm vẻ đáng thương của mình, bà Ngọc còn gặp gỡ hàng loạt cơ quan chức năng, nhiều cơ quan báo chí kêu oan, kèm theo kết quả khảo sát làm bằng chứng khiến dư luận lại nghi ngờ gia đình cháu Kiên thiếu trung thực.

Khi sự thật phơi bày 

Rất may, cuộc sống này vẫn còn những người giáo viên trung thực, dám chống lại “cường quyền” của bà Hiệu trưởng. Ít ngày sau sự việc thu thập Phiếu khảo sát, chính 18 giáo viên trong trường đồng loạt lên tiếng, “phanh phui” Phiếu khảo sát không đúng sự thật. Trả lời báo chí, cô Trần Thị Thu Nhung (giáo viên chủ nhiệm của em Trần Chí Kiên) khẳng định: “Việc 100% giáo viên ký giấy khảo sát và khẳng định không có ô tô nào đi vào trường là không đúng. Bởi lẽ, buổi trưa hôm lấy phiếu khảo sát, tôi không tham gia trông bán trú ở trường. Ngoài ra còn một giáo viên nữa cũng không trông bán trú như tôi”.

 

18 giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên không sợ “cường quyền”, bảo vệ danh dự của người giáo viên nhân dân

Cô Nhung cho hay, cô cũng bất ngờ trước thông tin các em học sinh trong lớp cùng nói không nhìn thấy bạn Kiên bị ngã vì va chạm với xe ô tô. Chỉ có sau khi từ trường về, các em mới kể lại với bố mẹ và từ đó cô mới được biết.

Một sự việc cũng góp phần “phơi bày” lời nói dối của Hiệu Trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đó là người tài xế taxi đã đưa bà Ngọc cùng cháu Trần Chí Kiên đi cấp cứu xuất hiện và cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hiện trường đã được dựng lại với sự góp mặt đầy đủ của các bên liên quan. Và tất cả nội dung người lái taxi đưa ra đều khá khớp với lời kể lại của cháu Kiên.

Về phần mình sau buổi dựng lại hiện trường, bà Ngọc không thể nói dối là không có xe taxi vào trường nữa mà vui mừng cho biết: “Việc tìm được người lái xe hôm đó làm tôi rất mừng và lái xe phải chịu trách nhiệm của lái xe.”

“C hần chừ” của UBND quận Cầu Giấy 

Chiều 08/2, bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó trưởng phòng GD – ĐT quận Cầu Giấy trả lời câu hỏi vì sao sự việc liên quan đến Hiệu trưởng Tiểu học Nam Trung Yên được báo chí đề cập từ 20/12/2016 nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức từ Phòng GD – ĐT quận Cầu Giấy, bà Tịnh cho biết: “Quan điểm của Phòng GD-ĐT là không bao che. Tuy nhiên, do sự việc cần sự vào cuộc của công an và đang trong quá trình điều tra nên Phòng GD – ĐT chỉ phụ trách công tác chuyên môn, việc xử lý đến đâu nếu bên công an yêu cầu thì Phòng GD-ĐT sẽ phối hợp”.

Với lý do, chờ Công an ra kết luận điều tra, một vụ việc xảy ra từ 01/12/2016, đến tận hơn 2 tháng sau, Phòng GD – ĐT quận Cầu Giấy vẫn “án binh bất động” trước sự sục sôi của dư luận và những chứng cứ rõ ràng. Có hay không sự bao che từ phía cơ quan này, đặc biệt là khi dư luận có thêm bằng chứng chính bà Ngọc năm 2006 đã “ăn chặn” tiền ăn của giáo viên, học sinh trường Mầm non, bị kỷ luật, cách chức Hiệu trưởng Mầm non, chuyển thẳng sang làm Hiệu trưởng một Trường Tiểu học với hàng trăm học sinh?

Lá đơn chứa chất sự phẫn nộ và nỗi đau đớn của gia đình cháu Kiên khi bị dư luận cho rằng đã nói dối. 

Sự vào cuộc của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung

Sáng 20/2/2017, tại trụ sở UBND Thành phố, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố, chủ trì họp với Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Chánh văn phòng UBND thành phố, về vụ việc.

Tại cuộc họp, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương đã báo cáo về kết quả điều tra ban đầu đối với vụ tai nạn. Cơ quan điều tra đã xác định ngày 01/12/2016 việc cho xe ô tô taxi biển kiểm soát số 30A-70254 do ông Trần Quốc Tuấn điều khiển đi vào sân trường trong giờ ra chơi của các cháu học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên và gây tai nạn là có thật. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe có Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương.

Cơ quan điều tra làm rõ hành vi dối trá, trốn tránh sự việc của Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương khi biết sự việc, biết số điện thoại của lái xe taxi gây tai nạn, nhưng không cung cấp kịp thời cho cơ quan điều tra, đồng thời không trung thực trong báo cáo, cố tình che giấu vi phạm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đặc biệt là tiến hành phát phiếu khảo sát về việc không nhìn thấy xe đi trong trường ngày 1.12.2016. Điều này vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên.

Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện các sở ngành, quận Cầu Giấy đều có ý kiến về vụ việc, đánh giá việc khai báo của các cô giáo trên là thiếu thành khẩn, quanh co, che giấu bản chất sự thật. Không những vậy, mặc dù đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận Cầu Giấy động viên, làm việc trên tinh thần hướng tới trách nhiệm và sửa sai nhưng cô giáo Tạ Thị Bích Ngọc còn bao biện, vẫn viết đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí truyền thông để che giấu cho hành vi của bản thân mình.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung: Việc cách chức hai cán bộ này không phải là kết thúc mà để phục vụ công tác điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra

Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định việc cách chức hai cán bộ này không phải là kết thúc mà để phục vụ công tác điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra; nếu có vi phạm hình sự sẽ tiếp tục xem xét xử lý; nếu chỉ vi phạm ở mức độ hành chính thì hai cô giáo này cũng không xứng đáng ở vị trí của mình.

UBND thành phố giao Công an Thành phố tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, làm rõ lời khai và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, hành vi của hai cô giáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi Khai báo gian dối hay Che giấu tội phạm cũng cần làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định, không bao che. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh hành vi phát phiếu khảo sát của hai cô giáo này cũng cần được làm rõ ai là người chủ mưu vì đây là tình tiết tăng nặng khi vụ án được khởi tố.

Vĩ thanh 

Bằng hành vi tồi tệ, vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên thì việc bà bị cách chức không có gì lạ. Nhưng hành vi của bà không chỉ đơn thuần là một mình bà Ngọc nói dối nữa mà bà đã bắt tất cả giáo viên và hàng trăm học sinh tiểu học phải nói dối theo bà. Sự kinh khủng ở đây là bằng vị thế của mình, bà Ngọc đã phá huỷ đi danh dự của hàng chục giáo viên và làm méo mó tâm hồn của hàng trăm em học sinh tiểu học, những “trang giấy trắng” bị bôi bẩn bởi một con người không đủ tư cách làm ngành giáo dục.

Quyết định cách chức bà Ngọc với văn phong đầy đanh thép

Dư luận trông chờ việc xử lý nghiêm khắc với bà Ngọc và hy vọng ngành Giáo dục sẽ không để xảy ra câu chuyện: bà Ngọc bị kỷ luật, cách chức rồi chuyển sang làm Hiệu trưởng một trường khác “màu mỡ” hơn như lần trước.

Sơn Tùng

Đồng Tâm: Tại sao phải khởi tố vụ án?

(Kiemsat.vn) - Ngày 13/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4/2017.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân Đồng Tâm

10h40, tại hội trường UBND xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bắt đầu đối thoại với người dân.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang