Tọa đàm về phương pháp luận nghiên cứu và chiến lược, kế hoạch triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia

21/03/2025 14:07

(kiemsat.vn)
Ngày 20/3/2025, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức Tọa đàm về phương pháp luận nghiên cứu và chiến lược, kế hoạch triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia.

Tham dự Tọa đàm có TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; các đồng chí Phó Hiệu trưởng Nhà trường: TS. Hoàng Anh Tuyên, TS. Bùi Thị Hạnh. Cùng dự có GS.TS. Võ Khánh Vinh - Cố vấn cao cấp của Nhà trường; Ban Chủ nhiệm Đề tài và nhiều giảng viên, nghiên cứu viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam…

TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Thông tin đến Tọa đàm, đại diện Nhà trường cho biết, năm 2024, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã đấu thầu thành công Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới”  - Mã số: KX.05.02/21-30 thuộc Chương trình “Xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới (Chương trình KX.05/21-30).

  • GS.TS. Võ Khánh Vinh phát biểu tại Tọa đàm.

    Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới” bao gồm 10 nội dung chính và 23 công việc, 03 hội thảo quốc gia và 10 tọa đàm khoa học. Trong đó, Đề tài sẽ tập trung vào các vấn đề: (1) Cơ sở lý luận về tiếp tục hoàn thiện thể chế về quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới; (2) thực trạng thể chế về quyền con người, quyền công dân và thực tiễn tổ chức thực hiện so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam hiện nay; (3) kinh nghiệm quốc tế và một số quốc gia trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về quyền con người, quyền công dân và những giá trị tham khảo cho Việt Nam; (4) dự báo nhu cầu, mục tiêu, quan điểm, phương hướng và hệ giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế về quyền con người, quyền công dân nhằm giải phóng mọi tiềm năng xã hội, góp phần tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới.

PGS.TS. Trần Hữu Tráng, Phó trưởng khoa Pháp luật hình sự và Kiểm sát hình sự, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tại Tọa đàm.

Tại sự kiện, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo quản lý đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận và góp ý nhằm làm rõ phương pháp luận nghiên cứu các nội dung, chiến lược và kế hoạch triển khai thực hiện Đề tài. Hầu hết các đại biểu cho rằng Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đi sâu, bám sát vào chủ đề nghiên cứu. Đồng thời, các ý kiến góp ý tại Tọa đàm cũng đã đưa ra được nhiều gợi mở cho nhóm nghiên cứu nhằm triển khai thực hiện Đề tài đảm bảo đúng tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Đây không chỉ là những nội dung ý nghĩa và bổ ích phục vụ công tác nghiên cứu, triển khai thực hiện Đề tài, mà còn phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cùng các đại biểu tham dự Tọa đàm.

GS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

TS. Phạm Thị Trang, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế - quốc tế, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trao đổi tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học cho Đề tài. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến này, đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Đề tài theo đúng yêu cầu về chất lượng và tiến độ đã đề ra.

Đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

Xây dựng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, uy tín cao trong lĩnh vực pháp luật

(Kiemsat.vn) - Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa giáo dục đại học, cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ đến giáo dục và đào tạo của từng quốc gia.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang