Tờ “Nội san công tác kiểm sát” – Bước phát triển tiếp theo của tập “Kinh nghiệm công tác kiểm sát”

09/10/2020 10:03

(kiemsat.vn)
Với đà trưởng thành của ngành Kiểm sát nhân dân, yêu cầu công tác ngày càng phát triển đòi hỏi không những phải trao đổi kinh nghiệm mà còn phải nâng kinh nghiệm lên thành lý luận, đảm bảo việc xây dựng Ngành ngày càng đi vào chính quy và hiện đại. Do vậy, tháng 01/1963, Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo đổi tên tập “Kinh nghiệm công tác kiểm sát” thành “Nội san công tác kiểm sát”. Ấn phẩm này được xuất bản từ năm 1963 đến năm 1980

Sau đây, Kiemsat.vn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những nét chính của ấn phẩm “Nội san công tác kiểm sát” trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1975 – giai đoạn các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân từ Trung ương đến địa phương đã đẩy mạnh hoạt động kiểm sát phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965); xây dựng, củng cố hậu phương và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Trang bìa tờ "Nội san công tác kiểm sát" số đầu tiên, xuất bản tháng 01/1963

Thời gian này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành  bản “Điều lệ tạm thời quy định nhiệm vụ của các Vụ và Phòng trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.Theo đó, Phòng Tuyên truyền - Nội san (nơi tổ chức xuất bản ấn phẩm “Nội san công tác kiểm sát”) có nhiệm vụ giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lãnh đạo công tác tuyên truyền pháp luật trong toàn ngành, phụ trách việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tình hình thời sự trong cơ quan, phụ trách ấn phẩm “Nội san công tác kiểm sát”.

Nhiệm vụ cụ thể của Phòng Tuyên truyền - Nội san, đó là: Vạch kế hoạch nội dung, biện pháp tuyên truyền cho các Viện kiểm sát địa phương, soạn đề cương tuyên truyền, hướng dẫn Viện kiểm sát địa phương sử dụng; theo dõi công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của các Viện kiểm sát địa phương  và rút kinh nghiệm, tổng kết công tác này; viết bài và sách về pháp luật; tổ chức nói chuyện về thời sự và pháp luật trong cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bảo quản tài liệu, tranh ảnh có liên quan đến sự nghiệp xây dựng Ngành và tổ chức triển lãm; chuẩn bị bài và sửa bài, xuất bản “Nội san công tác kiểm sát”; tham gia việc tổ chức các cuộc hội nghị lớn của Ngành như sơ kết, tổng kết công tác kiểm sát hàng năm; nghiệm thu những tài liệu, sách ngoại văn có liên quan đến công tác kiểm sát để tham khảo.

Trong giai đoạn 1963 – 1975 đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phụ trách, chỉ đạo hoạt động xuất bản tờ “Nội san công tác kiểm sát”. Nội dung của tờ “Nội san công tác kiểm sát” đã bám sát tình hình chính trị của đất nước, nhiệm vụ chính trị của Ngành và các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân thời bấy giờ.

Từ năm 1963 đến 1967, “Nội san công tác kiểm sát” phát hành hàng tháng, cả năm phát hành 12 kỳ. Số trang không cố định, từ 26, 30, 36 hoặc 40 trang, khổ 17cm x 21cm, in typo, số lượng in 2.000 cuốn, lưu hành nội bộ, chỉ phát hành tới các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Từ năm 1968 đến 1969, phát hành tháng rưỡi 1 kỳ, cả năm 8 kỳ, số trang không cố định, từ 24 đến 30 trang. Từ 1970 đến 1973, xuất bản 2 tháng 1 kỳ, cả năm 6 kỳ, từ 32 trang đến 36 trang 1 số. Từ năm 1974, 1975 phát hành ổn định mỗi tháng 1 kỳ, mỗi kỳ 32 trang. “Nội san công tác kiểm sát” giai đoạn này được in typo, không có ảnh trên trang bìa và các trang ruột, có số in kèm phụ lục đặc biệt.

Về kết cấu: Tờ “Nội san công tác kiểm sát” giai đoạn 1963 -1975 đã có sự hoàn thiện hơn so với “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Tuy chưa hình thành các chuyên mục nhưng đã sắp xếp đăng các bài viết theo các chủ đề như: Xã luận; Tư tưởng và tổ chức; Công tác kiểm sát chung; Hình sự, Dân sự; Hôn nhân và gia đình; Tổ chức chỉ đạo và lề lối làm việc; Tuyên truyền giáo dục pháp luật; Tài liệu dịch; Giải đáp pháp luật; Giới thiệu kinh nghiệm công tác và phần tin tức về các sự kiện như đón tiếp các đoàn đại biểu nước ngoài sang thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam, Điện cảm ơn...

Trong bối cảnh lịch sử, từ tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Miền Bắc chuyển sang thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Cán bộ nhân viên ngành Kiểm sát nhân dân và cán bộ “Nội san công tác kiểm sát” đã cùng nhân dân cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Trong thời gian này, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đã định hướng hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn mới như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương Đảng (tháng 3/1965) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Đảng (tháng 12/1965), Nghị quyết số 123/NQ-TƯ của Bộ Chính trị ngày 07/7/1965 về chuyển hướng công tác tư tưởng và tổ chức trong tình hình mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ngày 19/9/1965, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Nghị quyết số 01 về chuyển hướng công tác trong thời chiến... Cùng với cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cán bộ, nhân viên của “Nội san công tác kiểm sát” được sơ tán về huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Tây). Các cơ sở như nhà in, giấy in cũng chuyển đến các địa điểm sơ tán xa Hà Nội... Tình hình đó đã đặt ra cho cán bộ Toà soạn phải khắc phục nhiều khó khăn để đảm bảo việc xuất bán ấn phẩm đều đặn, như liên hệ để tìm nhà in, tìm nguồn giấy in... và lo công tác phát hành cho phù hợp với điều kiện thời chiến.

Trong điều kiện chiến tranh, cán bộ Toà soạn phải thường xuyên và trực tiếp xuống các cơ sở sơ tán của các Viện kiểm sát địa phương để lấy tin, viết bài... Khó khăn, ác liệt như vậy, nhưng cán bộ, nhân viên “Nội san công tác kiểm sát” vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, phát hành ấn phẩm đúng kỳ với nội dung thiết thực, phục vụ nhu cầu công tác của cán bộ trong Ngành; quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của anh chị em trong Toà soạn đã được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao động viên, khen ngợi.

Nội dung các bài trong các số của “Nội san công tác kiểm sát” tập trung phản ánh những hoạt động phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ngành trong thời chiến như phản ánh, trao đổi những vấn đề về công tác kiểm sát, về chuyển hướng công tác và tổ chức của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời chiến; phục vụ những công tác lớn của Ngành trong giai đoạn này như: Hoạt động kiểm sát phục vụ cuộc vận động cải tiến quản lý Hợp tác xã, phát triển sản xuất nông nghiệp lần thứ hai; phục vụ nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, quản lý thị trường trong thời chiến... Nhiều bài viết phản ánh kết quả hoạt động phục vụ các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Ngành trong các năm từ 1972 đến 1975 như thực hiện Nghị quyết 228-NQ/TW ngày 12/01/1974 của Bộ Chính trị về cuộc đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, chống làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống nhân dân./.

PV
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang