Thủ tướng tiếp Công chúa kế vị Thụy Điển
(kiemsat.vn) Chiều 7/5, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Hoàng gia và Chính phủ Thụy Điển thúc đẩy việc sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để tạo cơ hội đột phá mới trong quan hệ thương mại, đầu tư hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cách đây hơn 50 năm, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam đang đến hồi cam go nhất, nhân dân và bè bạn các nước năm châu, trong đó có Thụy Điển, đã xuống đường tuần hành ủng hộ cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, mà điển hình là cố Thủ tướng Olof Palme đã góp phần cổ vũ, khích lệ nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Công chúa kế vị Thụy Điển cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam; bày tỏ ấn tượng trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Công chúa cho rằng, quan hệ hai nước đơm hoa kết trái không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà cả lĩnh vực kinh tế, thương mại. Các doanh nghiệp Thụy Điển trong chuyến thăm này rất mong muốn thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với các đối tác Việt Nam.
Cảm ơn ý kiến của Công chúa kế vị Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong nửa thế kỷ qua, quan hệ hai nước không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp. Việt Nam luôn biết ơn Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển về sự hỗ trợ quý báu và hiệu quả dành cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giàm nghèo của Việt Nam, giúp Việt Nam hoàn thành sớm nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên Hợp Quốc.
Ngày nay, Thụy Điển là đối tác rất quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng vui mừng được biết, kim ngạch thương mại Việt Nam - Thụy Điển năm 2018 đạt hơn 1,5 tỷ USD; hiện có 67 dự án đầu tư FDI của Thụy Điển ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 370 triệu USD. Nhiều thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển như: Đồ gỗ và gia dụng IKEA, Electrolux, xe hơi Volvo… rất được người Việt Nam ưa chuộng.
Mặc dù nỗ lực trên là đáng quý, tuy nhiên con số này còn khiêm tốn, chưa tương xứng tiềm năng hợp tác của hai bên. Thủ tướng hy vọng và tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Thụy Điển tháp tùng Công chúa trong chuyến thăm này sẽ có cơ hội kết nối với các đối tác phù hợp ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Chính phủ Việt Nam đang từng bước hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Thụy Điển - quốc gia mà người dân Việt Nam rất trân trọng, kinh doanh lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Thủ tướng mong Hoàng gia và Chính phủ Thụy Điển thúc đẩy việc sớm ký Hiệp định EVFTA để tạo cơ hội đột phá mới trong quan hệ thương mại, đầu tư hai nước.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Công chúa kế vị Thụy Điển vui mừng được biết, nhiều thương hiệu Thụy Điển đã nổi tiếng ở Việt Nam; cho biết, trong đoàn lần này có cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cung cấp các giải pháp toàn diện, phát triển bền vững, có thể tạo ra sự khác biệt trong sản xuất kinh doanh.
Cùng dự cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Công chúa Victoria Ingrid Alice Desiree, Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển Ann Linde cho biết, quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp. Thụy Điển là một trong những nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Ngày nay, quan hệ hai nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, tập trung vào phát triển thương mại, đầu tư, kể cả những vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Đoàn doanh nghiệp lần này có tới hơn 60 doanh nghiệp Thụy Điển tham gia. Các công ty Thụy Điển không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn đóng góp vào tăng trưởng và an sinh xã hội của Việt Nam. Doanh nghiệp Thụy Điển bày tỏ quan tâm hợp tác đối với dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
Bộ trưởng Ann Linde nhấn mạnh, Thụy Điển coi các vấn đề liên quan đến hiệp định thương mại tự do (FTA) là vấn đề quan trọng. Chính phủ Thụy Điển sẽ thúc đẩy EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực hiện; điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy thương mại song phương. “Với tư cách là người bạn chân thành, với mối quan hệ nồng ấm giữa hai nước, Thụy Điển luôn mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam”, Bộ trưởng Ann Linde nói.
Cảm ơn Bộ trưởng Ann Linde, Thủ tướng nhấn mạnh, việc có hơn 60 doanh nghiệp Thụy Điển tháp tùng đoàn chắc chắn sẽ mở ra chương mới trong hợp tác thương mại, đầu tư thời gian tới. Thủ tướng cho biết, Việt Nam tham gia nhiều FTA, là cửa ngõ vào thị trường ASEAN đầy tiềm năng. Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó đây là cơ hội to lớn cho doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Việt Nam và Thụy Điển luôn gắn bó, tin cậy, nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước.
Đức Tuân
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.