Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

30/05/2020 19:31

(kiemsat.vn)
Sáng 30-5, tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng địa phương và cả vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu ý kiến khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với quyết sách đúng đắn, kịp thời, đặc biệt là quyết sách “chống dịch như chống giặc”, cách ly tập trung không để lây lan ra cộng đồng, chúng ta đã đạt những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong tình hình khủng hoảng sau dịch của toàn cầu, với những lợi thế và tiềm năng vốn có của mình, các tỉnh, thành phố nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đề xuất ý kiến, giải pháp để Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành cùng thảo luận, tìm giải pháp sớm tháo gỡ những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng.

Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến từ các đại biểu tham dự, trong đó những chia sẻ từ Tổng công ty Becamex IDC do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hùng trình bày đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự. Ông Hùng cho biết: "Theo chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều chương trình lớn từ trước COVID-19, dịch chuyển sản xuất hướng tới công nghiệp 4.0. Hiện nay, Becamex, bao gồm cả VSIP là liên doanh với tập đoàn Sembcorp của Singapore, và BW là liên doanh với quỹ Warburg Pincus của Hoa Kỳ, đã phát triển các Khu Công nghiệp và Logistics trên nhiều tỉnh thành cả nước. Hiện tại, Becamex, VSIP, và BW đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tốt nhất với gần 4,000 hecta KCN cho các nhà đầu tư mới, cũng như đã hoàn thành 200,000 m2 nhà xưởng xây sẵn. Bexamex phát triển không chỉ khu công nghiệp mà cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ và liên tỉnh, gắn với cảng biển, sân bay gần nhất.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC trình bày tham luận tại Hội nghị

Ông Hùng chia sẻ thêm “nhằm nâng tầm phát triển các khu công nghiệp - đô thị, tỉnh Bình Dương và Becamex từ năm 2016 đã mạnh dạn triển khai đề án Thành phố thông minh, hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy khoa học công nghệ, tạo sân chơi đổi mới sáng tạo, năng động, mang lại những giá trị gia tăng mới. Thời gian qua, Bình Dương và các khu vực trong tỉnh đã liên tiếp được gia nhập vào các hiệp hội uy tín toàn cầu, như Diễn đàn cộng đồng thông minh toàn cầu ICF, Hiệp hội các Đô thị KHCN thế giới WTA, Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới WTCA”.

"Những bước tiến trên đã giúp Becamex hình thành nên nhiều dự án đổi mới, hỗ trợ nhà đầu tư tốt hơn nữa. Một ví dụ tiêu biểu là việc khởi công xây dựng được Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương. Bên cạnh đó, Becamex hợp tác với Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore để hình thành KCN KHCN và hướng tới thành lập Trung tâm sản xuất thông minh 4.0, mở ra một hệ sinh thái sáng tạo, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nâng cấp, chuyển đổi mô hình kinh doanh tiên tiến hơn, sản xuất hiện đại và hiệu quả hơn, tăng tính cạnh tranh trong thời đại mới", lãnh đạo cao nhất của Tổng công ty Becamex IDC phát biểu.

Ông Hùng kiến nghị “Chính phủ cần ủng hộ, tạo điều kiện cho các ý tưởng mới phù hợp yêu cầu thời đại, tăng lợi thế cạnh tranh của đất nước trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong thời kỳ hậu COVID-19, việc đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ hành chính cho các doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt. Chính phủ cần quan tâm, cải cách thủ tục nhanh gọn, hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư đang khao khát tìm kiếm những thị trường tiềm năng, đồng thời hỗ trợ sát sao những doanh nghiệp hiện hữu còn đang gặp khó khăn vướng mắc. Đây chính là chìa khóa để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cũng là giải pháp cụ thể nhất để chung tay tháo gỡ khó khăn, nắm bắt thời cơ vươn lên, bứt phá kinh tế xã hội hậu COVID-19”.

Trước đó, Thủ tướng đã đi thị sát khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, Thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án cầu Phước An, thăm dự án của Công ty Hyosung (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD, sản xuất hóa chất.

Theo Thủ tướng, việc thị sát hạ tầng phục vụ sự phát triển của khu vực, gồm hệ thống cảng, logistic, hệ thống giao thông khu vực Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để khẳng định “đầu ra của chúng ta về vận tải, logistic như thế nào để giảm chi phí sản xuất vì kết nối là vô cùng quan trọng”.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang