Thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị
(kiemsat.vn) Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là hai đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rộng, có thể nói là toàn thể các bộ, ban, ngành, địa phương, toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thủ tướng chỉ đạo về 2 nghị quyết đầu năm mới 2019
Tiếp tục xây dựng Quân đội hùng mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN
Sáng ngày 21/12 tại Vĩnh Phúc, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đồng chủ trì hội nghị.
Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và hơn 6 năm thực hiện Luật Viên chức cho thấy về cơ bản các quy định trong hai luật này phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh hội nghị
Tuy nhiên, trước tình hình mới, đặc biệt là sau khi Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có hiệu lực, bên cạnh đó nhiều chủ trương của Đảng đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ), do vậy nhiều quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần thiết phải sửa đổi như những hạn chế trong công tác tuyển dụng, trong chính sách thu hút nhân tài, trong vấn đề đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hay như trong vấn đề xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đồng chủ trì hội nghị
Để xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất 11 chính sách, cụ thể:
- Không quy định là công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước); Bỏ quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước;
- Hoàn thiện quy định về vị trí, việc làm theo hướng xác định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm;
- Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, giao Chính phủ quy định tuyển dụng công chức theo chế độ hợp đồng làm việc phù hợp với vị trí việc làm trong bộ máy công vụ;
- Thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị;
- Quy định phân cấp tổ chức thi nâng ngạch cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức; bổ sung quy định xét nâng ngạch đối với công chức; đẩy mạnh cơ chế thi tuyển lãnh đạo;
- Đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng định lượng, xuyên suốt, đa chiều; Quy định cụ thể thẩm quyền đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật; Bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng cso hành vi vi phạm trong thời gian công tác;
- Thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đối ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị;
- Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn);
- Quy định thống nhất về chế độ đối với viên chức khi chấp dứt hợp đồng làm việc; Quy định liên thông trong việc chuyển đổi giữa viên chức với cán bộ, công chức và giữa cán bộ, công chức với viên chức;
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, góp ý phạm vi sửa đổi của Dự án Luật; các điểm còn bất cập trong Luật hiện hành và đề xuất hướng sửa đổi; các chính sách cần thiết trong Dự án Luật cùng nhiều vấn đề khác./.
Phạm Hải – Quang Anh
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.