Thận trọng – Bài học không thể quên trong cuộc đời làm cán bộ Kiểm sát

08/05/2017 03:29

(kiemsat.vn)
Có lẽ, không ai trong Ngành lại không thuộc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người cán bộ Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Tuy nhiên, để lời dạy đó thấm sâu vào tiếm thức và áp dụng có hiệu quả vào thực tế thì quả là không dễ.

Lời dạy của Bác thật giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng những phẩm chất rất cao quý, rất đẹp, rất cần thiết đối với mỗi cán bộ Kiểm sát, những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận bảo vệ pháp chế, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ tính mạng, bảo vệ quyển và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bàn về tất cả những điều trong lời dạy của Bác có lẽ phải tốn khá nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin kể về những kỷ niệm của bản thân và của những ngưòi đi trước khi làm cán bộ Kiểm sát. Cũng chỉ xin nói về hai chữ “Thận trọng” mà Bác đã dạy chúng ta. Là cán bộ Kiểm sát, đã đôi lần tôi, những người trước tôi đã quá giản đơn, thiếu thận trọng và có lúc cả tin nên đã có những sai lầm. Cho đên bây giờ, mỗi lần nghĩ lại, tôi không khỏi không ân hận, bùi ngùi. Mong rằng, những câu chuyện tôi kể sau đây mãi mãi là những bài học mà các cán bộ Kiểm sát sau này không được mắc trong quá trình tác nghiệp của mình.

Câu chuyện thứ nhất

Tôi nhớ vào quãng năm 1987 hay 1988 gì đó, khi ấy tôi đã ra trưòng được hai năm và đang công tác tại Viện kiểm sát thị xã của một tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Tuổi trẻ vốn hăng hái và muốn thể hiện mình nên tôi làm bất kể ngày đêm, án hình sự quá nhiều, tôi làm hết vụ này tới vụ khác mà hình như không bao giờ hết việc. Điều đó chẳng đáng bàn; nhưng có chuyện này thì tôi không bao giờ quên được.

Vụ án Phạm Duy phạm tội “trộm cắp tài sản của công dân” do tôi thụ lý có nội dung khá rõ ràng: Một buổi chiều, đi ra chợ bờ sông, lợi dụng sơ hở của một người phụ nữ, Duy đã móc trộm được một chiếc túi, trong có hơn ba trăm ngàn đồng. Duy lẻn vào một ngõ hẻm được một đoạn thì bị phát hiện, bị bắt và đưa về Công an thị xã. Sự việc quá rõ, nhưng Cơ quan điều tra còn muốn mở rộng vụ án xem ngoài vụ việc trên, Duy còn thực hiện vụ phạm tội nào nữa không. Sau bốn tháng điều tra, Công an không phát hiện thêm được vụ việc nào do Duy tiến hành nữa. Khi hỏi về lý do phạm tội, Duy khai: Bố là liệt sĩ, mẹ đi bước nữa để lại hai anh em Duy với bà nội già cả. Vì bà ốm nặng, anh em Duy không có tiền nên cậu ta đã đánh liều ra chợ trộm cắp, lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho bà.

Hôm tôi vào phúc cung, Phạm Duy vẫn khai như thế. Tôi và một Điều tra viên đạp xe về gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và ông cũng cho biết gia cảnh của Duy đúng như bị can đã khai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường còn cho biết thêm, hiện tại bà nội của Duy đang bị bệnh nặng khó có thể qua khỏi.

Tôi về báo cáo lại với Viện trưởng và đề xuất: Với hoàn cảnh gia đình và động cơ, mục đích phạm tội ấy, nên “miễn tố” cho Duy. Nghe tôi báo cáo, Viện trưởng cũng băn khoăn và suy tư. Anh bảo “Chú làm quyết định miễn tố đi, tôi ký”. Vậy là tôi làm quyết định, trình Viện trưởng. Viện trưởng ký xong, tôi bỏ lệnh vào hồ sơ vụ án, đang định xuống trại tống đạt quyết định cho Duy ra trại thì vừa lúc đó, bên Công an lại sang mời đi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường của một vụ tai nạn giao thông, vậy là tôi phải cất hồ sơ vào tủ, cùng đi với cán bộ điều tra.

Rồi công việc cứ cuốn hút, tôi đã quên xuống trại tống đạt quyết định miễn tố” cho Duy mà cứ đinh ninh rằng, vụ án đã được giải quyết. Khoảng 15 ngày sau, Ban giám thị trại giam điện cho Viện trưởng nói rằng, Phạm Duy đã ở trại hơn 10 ngày mà không có lệnh. Tôi đi làm về, Viện trưởng gọi, báo tin đó. Tôi giật mình và chợt nhớ mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Tôi lấy vội hồ sơ vụ án Phạm Duy, tất tả đạp xe xuống trại. Mặc dù đã gần hết giờ làm việc chiều, nhưng tôi đề nghị Ban giám thị cho tôi vào trả tự do cho Duy.

Nghe đọc lệnh xong, Duy bật khóc. Cậu ta nói trong nước mắt “Bà cháu đã mất gần một tuần nay. Giá cán bộ tha cháu trước một tuần thì có lẽ cháu gặp được bà…”. Sống mũi tôi cay cay và hai hàng nước mắt tự nhiên cứ trào ra. Tôi đặt tay lên vai Duy vỗ về và dẫn cậu ta ra khỏi trại giam, chở về nhà, thắp cho ngưòi bà xấu số của cậu bé một nén hương, thay cho lời sám hối. Tôi rất ân hận và biết rằng mình là người có lỗi. Giá tôi thận trọng hơn, hẳn câu chuyện bi thương của Phạm Duy đã không xảy ra, cậu ta sẽ được về nhà và Duy sẽ có mặt thay bô mình đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng…

Câu chuyện thứ hai

Một ngày giũa Thu năm 1998, tôi về thị trấn huyện nhà, ăn tân gia của anh bạn đồng ngũ trước đây. Trong bữa ăn, tôi ngồi đối diện với một người phụ nữ, chủ nhân của ngôi nhà mà bạn tôi mượn làm địa điểm tiếp khách. Chị tiếp tôi thân thiện, thi thoảng lại đưa mắt nhìn tôi, mủm mỉm cười. Tôi chột dạ và ngờ ngợ, hình như tôi đã gặp người đàn bà này ở đâu rồi… Như hiểu được tâm trạng của tôi, chị cười đôn hậu bảo “Chú không nhận được tôi, nhưng tôi thì nhớ chú không bao giờ quên. Chú cứ ăn cơm đi rồi chị em mình nói chuyện…”. Thú thực, khi nghe chị nói thế, tôi thấy xấu hổ. Tại sao người ta nhận ra mình mà mình lại không nhận ra người ta? Ăn uống xong, chị bảo “Chú uống nước đi!”. Tôi tìm cách lảng sang chuyện khác “Chị ở có một mình thôi sao?”. “Vâng” nhà tôi chỉ có hai mẹ con thôi. Thằng nhỏ đi học…”. “Thế… anh nhà thì đi đâu hả chị?”. Chị nhìn tôi, thông cảm “Chú quên thật rồi. Từ ngày chú cùng bên Toà án ngồi xử cho anh ấy ly hôn tôi, có khi nào chú về đây đâu mà chú nhớ…”.

Nghe chị nói thế, tôi lục tìm trong trí nhớ và nhận ra người phụ nữ ngồi trước mặt mình là chị Lương Thị Trang, người mà vào năm 1986 hay 1987 gì đó, chúng tôi đã xử cho vợ chồng chị ly hôn… Ngày ấy, anh Tuân chồng chị đang công tác tại Quảng Ninh. Anh chị xây dựng với nhau đã ba năm mà không có con. Thú thực, trông chị không được bắt mắt lắm nên anh Tuân ít về. Rồi anh chê chị ra mặt và hai người sông ly thân. Chị âm thầm chịu đựng, sống trong gian nhà riêng và làm tròn bổn phận của người con dâu trong gia đình. Cuối năm ấy, tự nhiên cái bụng của chị cứ ngày một to ra. Bố mẹ anh Tuân điện cho anh về. Anh bảo, chị “hoang thai”. Chị khẳng định, cái thai trong bụng chị là giọt máu của anh, vì anh đã về với chị một đêm rồi ra đi mà không ai hay biết. Anh Tuân làm đơn ly hôn. Bố mẹ anh Tuân không ngớt xỉ vả, cho chị là hư đốn. Biết không thể cứu vãn được tình thế nên mặc dù đang mang thai, sắp đến ngày sinh nở, chị vẫn nhất trí ly hôn với chồng.

Nhận hồ sơ từ Toà án, tôi gặp chị lấy lời khai, chị nói “Toà đã lấy lời khai rồi, hôm nay đến lượt Viện kiểm sát. Tôi xin khẳng định lại, cái thai tôi đang mang trong bụng là con của anh Tuân. Anh ấy không nhận, tôi cũng chẳng biết chứng minh thế nào. Nhưng tôi tin, đến một ngày nào đó, anh ấy và gia đình sẽ nhìn nhận đến con tôi…”. Thú thực, ngày đó khoa học về ADN chưa phát triển như bây giờ nên các cơ quan tiến hành tố tụng đành bó tay. Riêng tôi, tôi cũng không tin lời chị nói. Vì vậy, phát biểu quan điểm trước phiên toà, tôi thiên vế phía anh Tuân và đề nghị Toà cho họ được ly hôn. Tài sản không có gì đáng nói. Đứa con trong bụng chị Trang không phải con anh Tuân nên anh không phải đóng góp phí tốn gì hết…

Đang miên man, tôi nghe tiếng chị Trang giục “Chú uống nước đi!”. Tôi cảm ơn chị và ngồi nghe chị tâm sự tiếp. Chị bảo “Ngày ấy, tôi rời nhà anh ấy với cái bụng vượt mặt. Gia đình anh ấy và nhiêu người làng nhìn tôi với vẻ khinh miệt. May thay, mẹ tôi rất hiếu con gái nén bà dang tay đón tôi về… Rồi tôi sinh cháu trai, đặt tên là Tuấn. Bà cháu, mẹ con đìu ríu nuôi nhau. Nhưng rồi ở làng, tôi không chịu được miệng tiếng nên tôi đã vay bạn bè ít tiền ra thị trấn tậu được căn nhà cấp bốn này, mẹ con rau cháo nuôi nhau. Bây giờ thằng Tuấn đang học lớp 5…”. Tôi chỉ lên tấm ảnh bán thân khá to treo trên tường, hỏi chị “Hình như anh ấy đây phải không chị?”. “Đúng đấy chú ạ”. “Thế bây giờ anh Tuân sinh sống ra sao, chị có biết không?”. “Thực ra… tôi cũng không quan tâm, nhưng mọi thông tin nó cứ đến với tôi. Nghe đâu, hai vợ chồng anh ấy sinh được hai cô con gái. Ba mẹ con đau ốm luôn. Anh ấy buồn lắm, vì anh ấy là nhà con một mà…”. Chúng tôi đang nói chuyện thì thằng Tuấn đi học về. Nó chào mẹ, chào chú rồi cất cặp sách, sà vào lòng mẹ. Tôi nhìn nó, rồi ngước nhìn tấm ảnh anh Tuân. Trời ơi, sao mà giống nhau đến thế, đúng như hai giọt nước. Tôi bỗng thấy ân hận, lòng như trĩu xuống. Giá như ngày ấy, tôi không chủ quan, không thành kiến, không vội vã mà thận trọng hơn một chút thì đâu đến cơ sự này…

Chị Trang nhìn tôi thông cảm, rồi cho biết thêm “Bên gia đình anh Tuân đang đánh tiếng đến xin nhận thằng cháu Tuấn là cháu đích tôn…”. Tôi vội hỏi “ý chị thế nào?”. Chị bảo “Tôi thì thế nào cũng được, cơ bản là cháu chú ạ. Nó sẽ tự quyết định thôi…”.

Tôi nhìn chị thành thật và nói: Tôi cũng là người có lỗi trong chuyện này.

Câu chuyện thứ ba

Một lão thành trong ngành Kiểm sát kể với tôi rằng:
Hồi đó, việc săn bắn chim bằng súng thể thao TOZ8 được tự do, chưa cấm như bây giờ. Một buổi chiểu chủ nhật, khi ấy khắp cánh đồng, bà con đang làm mùa. Nơi thì bừa, nơi thì cấy lúa, tiếng cười tiếng nói thanh động cả một vùng. Có anh Tuấn, cán bộ hành chính thuộc Ưỷ ban nhân dân tỉnh nọ từ thị xã về nghỉ, xách súng TOZ8 ra đồng bắn chim. Đang đi, Tuấn phát hiện thấy một con chim cánh trả đang đậu trên mô đất thấp gần đó. Anh nhẹ nhàng nằm xuống, dương súng, lấy đưòng ngắm, bóp cò. Một tiếng nổ khô khốc. Con chim nhảy cẫng lên rồi lăn ra mô đất. Tuấn mỉm cười. Những ngưòi làm ruộng gần đó trầm trồ khen Tuấn bắn giỏi. Nhưng mấy người ở phía xa kêu toáng lên “bắn chết người rồi…”. Mọi người trên đồng ngưng việc. Họ tất tả chạy tới nơi người bị nạn. Một cháu bé đang ngồi trên lưng trâu lăn xuống chết tại chỗ. Trên ngực áo của cháu bé (tên là Quang) có một vết thủng, từ đó, máu đang rỉ ra. Không ai nghi ngờ gì cả, đúng là Tuấn bắn chim, đạn bay găm vào ngực Quang khi đó em đang ngồi trên lưng trâu. Từ nơi Tuấn nằm bắn tói chỗ Quang chết khoảng gần 60 mét. Tuấn cũng vất súng, chạy đến và bàng hoàng vì sự việc đau buồn đến quá bất ngờ…

Tin được báo cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Một tổ công tác của Công an huyện và một cán bộ Kiểm sát đã có mặt sau đó ít giờ. Khám nghiệm tử thi, họ phát hiện thấy vết đạn vào, không có vết đạn ra. Như vậy, đầu đạn đang nằm trong ngực cháu Quang. Nhưng những nhân chứng ở đó ai cũng xác nhận chính Tuấn bắn chim và đạn đã găm vào ngực cháu bé. Tuấn cũng thừa nhận điều này. Vì vậy các cán bộ đã không tiến hành phẫu thuật tử thi. Sau tất cả các thủ tục, xác của Quang được giao cho gia đình mai táng trong niềm đau thương tột độ của mọi người. Còn Tuấn, anh được “mời” lên Công an huyện để phục vụ cuộc điều tra.

Tại Cơ quan điều tra cũng như trước phiên toà sau này, Tuấn đều khai khi bắn chim, đạn lạc làm chết cháu Quang. Xét nhân thân cũng như lời “thật thà khai báo của Tuấn”, Toà tuyên phạt Tuấn 3 năm tù về tội “vô ý làm chết người”. Tuấn phải vào trại thụ hình, trong lòng vô cùng ân hận. Còn dân làng thì lấy làm tiếc về vụ việc này.

Trong trại giam, các bạn tù biết tin Tuấn phạm tội “vô ý làm chết người”, họ tò mò muốn biết diễn biến của vụ việc ra sao. Tuấn đã kể lại cho các bạn nghe tình tiết của vụ án. Lạ thay, khi nghe xong, mấy bạn tù lại khẳng định rằng, không phải đạn TOZ8 của Tuấn đã bắn vào cháu Quang. Họ lập luận rằng: Thứ nhất, Tuấn bắn trong tư thế súng bằng, không tà âm, không tà dương. Mà con chim bằng xương bằng thịt chứ có phải bằng thép bằng gang gì đâu mà đạn lại thia lia lên lưng trâu, làm chết cháu Quang. Thứ hai, từ điểm Tuấn nằm đến con chim và đến con trâu mà cháu Quang cưỡi không nàm trên một đường thẳng. Nó tạo thành một góc tù. Vậy thì không thể có chuyện đạn TOZ8 của Tuấn đi theo đường gấp khúc để xuyên vào ngực cháu Quang được…
Nghe các bạn tù phân tích thế, Tuấn tròn mắt, thấy có lý. Được các bạn động viên, anh đã làm đơn đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét lại việc này. Nhận được lời kêu cứu, cả Công an và Viện kiểm sát đều chưng hửng bởi những phân tích và lập luận của Tuấn. Các cán bộ được cử về lại hiện trường. Và quả có thế. Súng của Tuấn – con chim – cháu Quang trên lưng trâu không nằm trên một đường thẳng. Và khi súng của Tuấn nằm song song với mặt ruộng thì không thể có chuyện viên đạn thia lia lên lưng trâu, găm vào ngực cháu Quang. Các cán bộ điều tra đến gặp gia đình cháu Quang xin được khai quật từ thi để mổ tìm đầu đạn. Nhưng gia đình kiên quyết không đồng ý. Họ cho rằng, con họ đã chết oan uổng, nay không thể đào lên để làm khổ nó một lần nữa (?) Vậy là Tuấn vẫn phải ở trong trại giam, tuy nhiên, anh được đối xử khác với những phạm nhân khác để chờ minh xét…

Ngày gia đình cải mả cho Quang, các cán bộ Công an, Kiểm sát được báo trước nên đều có mặt. Họ để nghị người bốc xương cho Quang kiểm tra thật kỹ từng chiếc xương của cháu (nhất là mấy rẻ xương sườn và xương sống) Xem có đầu đạn dính vào đó hay không. Nhưng tất cả xương Hũ đẹp, không hề sứt mẻ và cũng không hề tháy có đầu đạn nào dính vào đó. Cuối cùng, họ yêu cầu người bốc mả mò trong quan tài tìm bằng được đầu đạn. Và một chiếc đầu đạn đã được lấy lên từ đáy quan tài. Nhưng lạ thay, đó không phải là đầu đạn T0Z8 mà là một đầu viên đạn K44 (đạn đại liên). Mọi người bàng hoàng sửng sốt không hiểu.

Cuộc điều tra lại được tiến hành. Ngược về thời gian, cơ quan Công an đã xác định rằng, vào cái buổi chiều khi Tuấn bắn chim trên đồng thì ở trường bắn xã bên, dân quân ở đây có buổi kiểm tra bắn đạn thật. Không biết đạn đi thế nào mà lao xuống, cắm vào ngực cháu Quang đúng vào cái thời khắc Tuấn vừa bắn hạ con chim cánh trả đang đậu trên mô đất giữa đồng.
Tuấn được minh oan, được trả lại tự do. Nhưng anh đã phải ở trong trại giam ba năm. Sự oan khuất này bắt đầu từ các cán bộ điều tra và Kiểm sát viên. Họ đã thiếu thận trọng nên không chú ý tới thủ tục khám nghiệm, không chú ý tới chứng cử mà chỉ tin ở lời khai… nên đã để sự việc đáng tiếc xảy ra. Lẽ ra, xác nạn nhân phải được phẫu thuật ngay để tìm đầu đạn còn đang nằm trong đó. Đằng này, họ đã bỏ qua tất cả chỉ vì thiếu thận trọng, cả tin và có cả tắc trách nữa.

Sự thiếu thận trọng trong khâu làm án có lẽ ở đâu và ở thời nào cũng có. Những việc làm bất cẩn đó tất dẫn đến oan sai, làm cho một số người đã phải “trả giá” và họ đã phải rẽ sang một hướng khác, đó là bước ngoặt rất bất lợi trong cuộc đời họ. Qua những câu chuyện trên, chúng tôi muốn nói rằng, cán bộ Kiểm sát phải quán triệt và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, hãy thận trọng trong khi tác nghiệp để không bao giờ làm oan người vô tội và xứng đáng là những Bao Công của mọi thời đại.

Phạm Xuân Đào

Trích trong Kỷ yếu “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Kiểm sát nhân dân” của VKSNDTC năm 2010.

Tâm tình “lính mới”

Khi ngồi trên ghế nhà trường, ngày đó với tôi, hình ảnh kiểm sát viên trong trang phục màu xanh bình dị mỗi khi có phiên tòa lưu động xét xử sao mà nghiêm trang đến thế. Họ luôn đưa ra những lý lẽ sắc bén, những chứng cứ buộc tội mà tội phạm không thể chối cãi, hình phạt dành cho tội phạm đầy đủ tính nghiêm minh của pháp luật.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang