Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Quân sự Trung ương
(kiemsat.vn) So với trước đây, thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSQSTW theo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và BLTTHS năm 2015 rộng hơn, nhất là về loại tội và chủ thể của tội phạm.
Khoản 2 Điều 31 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự (BLHS) xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền hoạt động tư pháp.
Như vậy, so với Điều 18 Pháp lệnh Tổ chức Cơ quan điều tra năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, năm 2009) và khoản 3 Điều 110 BLTTHS năm 2003 thì thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương (Cơ quan điều tra VKSQSTW) được quy định trong Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và BLTTHS năm 2015 có thẩm quyền rộng hơn, nhất là về loại tội và chủ thể của tội phạm và quy định cụ thể hơn. Trước đây, BLTTHS năm 2003 chỉ quy định Cơ quan điều tra VKSQSTW có thẩm quyền điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp mà không quy định có thẩm quyền điều tra tất cả các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; và không thẩm quyền điều tra các tội về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Ngoài việc quy định mới là điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp bao gồm 24 tội danh quy định từ Điều 368 đến Điều 391 BLHS năm 2015 thì điểm mới nhất là quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSQSTW là có thẩm quyền điều tra các tội phạm tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII BLHS năm 2015 bao gồm 14 tội danh, từ Điều 353 đến Điều 366. Tuy nhiên, các tội về tham nhũng, chức vụ chỉ thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSQSTW khi và chỉ khi xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án, người có thẩm quyền hoạt động tư pháp hoặc chủ thể khác nhưng phải là đồng phạm với một trong các chủ thể này, đây là điều kiện “cần” và “đủ” để Cơ quan điều tra VKSQSTW có thẩm quyền điều tra các tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Nếu không đáp ứng điều kiện cần và đủ này thì các tội phạm về tham nhũng, chức vụ không thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSQSTW.
Quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSQSTW tại khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 31 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và khoản 3 Điều 163 BLTTHS năm 2015 như đã nêu trên chính là sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân về kết quả hoạt động trong lĩnh vực tố tụng hình sự của ngành Kiểm sát nói chung và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra VKSQSTW nói riêng trong quá trình bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, những người có thẩm quyền hoạt động tư pháp; không những tránh oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm trong quá trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, mà còn góp phần tích cực để Viện kiểm sát thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân, còn thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSQSTW là điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định chung tại khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 31 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và quy định cụ thể về thẩm quyền xét xử của của Tòa án quân sự quy định tại Điều 272 và Điều 273 Bộ luật TTHS năm 2015 (1).
Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra VKSQSTW cần phải làm tốt một số nội dung sau đây:
Một là, cán bộ, Điều tra viên cần tập trung nghiên cứu nắm vững các quy định của BLTTHS năm 2015, nhất là những quy định mới về tiếp nhận, giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; các quy định về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; cơ quan, người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, trình tự thủ tục, thời hạn thực hiện các quy định này; các quy định của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, nhất là các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người tiến hành tố tụng, cơ quan, người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam về các quy định về giam, giữ. Đặc biệt, là các quy định mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, cần chú ý về cấu thành tội phạm của một số tội phạm cụ thể trong Bộ luật này khác với BLHS năm 1999 có liên quan đến thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát, như: Đối với Tội dùng nhục hình, so với Điều 298 BLHS năm 1999 (điều luật cũ), Điều 373 BLHS năm 2015 (điều luật mới) mở rộng chủ thể, hành vi phạm tội, tăng mức hình phạt; cụ thể là: Điều luật cũ chỉ quy định chủ thể trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, còn Điều luật mới quy định chủ thể tội phạm bao gồm những người trong hoạt động tố tụng gồm (hình sự, hành chính, dân sự) thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Về hành vi, không chỉ bao gồm dùng nhục hình mà còn mở rộng hành vi đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Đối với Tội bức cung, so với Điều 299 BLHS năm 1999, Điều 374 BLHS năm 2015 mở rộng chủ thể, hành vi phạm tội, tăng mức hình phạt của tội này, cụ thể: Điều 299 chỉ quy định chủ thể gồm những người tiến hành điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự còn Điều 374 quy định chủ thể bao gồm những người hoạt động tố tụng gồm (hình sự, hành chính, dân sự). Trong Điều 299, để cấu thành tội bức cung thì phải có dấu hiệu dùng thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn “khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng” còn Điều 374 quy định để cấu thành Tội bức cung thì chỉ cần “sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đế vụ án, vụ việc”. Như vậy, hành vi bị coi là phạm tội bức cung theo Điều 374 không cần có dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” và “khai sai sự thật”, chỉ cần dấu hiệu “ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin về vụ án, vụ việc”.
Do vậy, muốn hoàn thành và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, một trong những yêu cầu có tính tất yếu là: Cán bộ, Điều tra viên phải thường xuyên học tập, quán triệt, nhận thức đúng các nội dung mới có liên quan trực tiếp đến trình tự, thủ tục trong hoạt động điều tra được quy định trong BLTTHS, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; nắm vững các dấu hiệu pháp lý đặc trưng và cấu thành cơ bản của từng tội phạm cụ thể quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc biệt là các tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSQSTW; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Phòng nghiệp vụ thuộc VKSQSTW, các Ban thuộc VKSQS thứ hai và các VKSQS khu vực và các cơ quan chức năng đặc biệt là các cơ quan tư pháp trong và ngoài Quân đội trong khi thực thi chức năng, nhiệm vụ.
Hai là, Cơ quan điều tra VKSQSTW phối hợp với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao nghiên cứu, tổng kết, soạn thảo trình Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế mới thay thế Quy chế tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 116/2011/QĐ-VKSTC-C6 ngày 14/4/2011 của Viện trưởng VKSND tối cao và Quy định tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSQSTW ban hành kèm theo Quyết định số 118/QĐ-VKS-P6 ngày 12/9/2011 của Viện trưởng VKSND tối cao. Vì một số nội dung quy định trong Quy chế và Quy định này không còn phù hợp với Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và BLHS năm 2015; cụ thể: Đối với Quy định số 118 cần sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản là: Về thẩm quyền giải quyết: Sửa đổi Điều 3 Quy định 118 phù hợp với quy định tại Điều 20 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Điều 31 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và khoản 3 Điều 163 BLTTHS năm 2015. Về thời hạn giải quyết: Sửa đổi khoản 3 Điều 5 Quy định số 118 phù hợp với thời hạn quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 147 BLTTHS năm 2015. Về các quyết định khi giải quyết: Bổ sung việc ra quyết định khi trực tiếp kiểm tra xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố ngoài việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy định 118 còn được quyền ra “Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015 tương tự để sửa đổi Quy chế số 116.
Ba là, tăng cường mối quan hệ phối hợp để thi hành luật và thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSQSTW. Trước tiên là chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đề xuất, tuyển chọn đủ biên chế của Cơ quan điều tra VKSQSTW theo quy định tại khoản 2 Điều 42, khoản 2 Điều 52 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức, biên chế ngành Kiểm sát.
Bốn là, tăng cường trang thiết bị nghiệp vụ để Cơ quan điều tra VKSQSTW có đủ điều kiện phương tiện làm việc như máy ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 6 Điều 183 BLTTHS: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc cơ quan người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Chú thích: (1) Điều 272. Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự: 1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ. 2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm trong địa bàn thiết quân luật. Điều 273. Việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự: Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện: 1. Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; 2.Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.Đại tá Mai Văn Minh
Phó Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát quân sự Trung ương
Nguồn: TCKS số 9/2016
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.