Thẩm định Đề án về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định Luật Tổ chức VKSND

29/09/2016 01:53

(kiemsat.vn)
– Sáng 29/9/2016, dưới sự điều hành của Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng đánh giá kết quả nghiên cứu Đề án, sau khi thảo luận, Hội đồng đã thống nhất cao thông qua Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định Luật Tổ chức VKSND góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật giai đoạn 2017 – 2021”.

Tiến sĩ Trần Công phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì cuộc họp

Tổng Biên tập TCKS Nguyễn Như Hùng đọc thuyết minh Đề án

Thay mặt Ban chủ nhiệm trình bày thuyết minh Đề án, đồng chí Nguyễn Như Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát cho biết, qua thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm cho thấy tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm của một bộ phận nhân dân còn thấp. Vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ, tội xâm phạm các hoạt động tư pháp vẫn xảy ra, điều đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ tư pháp còn yếu kém, cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ tư pháp cũng như cán bộ ngành KSND.

Từ đòi hỏi thực tiễn, với đặc thù tuyên truyền, PBGDPL “thông qua việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” được quy định tại Điều 39 Luật Tổ chức VKSND, yêu cầu đặt ra cho VKS là không chỉ tuyên truyền, PBGDPL cho toàn thể cán bộ trong và ngoài ngành mà còn cho các tầng lớp nhân dân trong thời gian tới, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ VKS. Do đó, để triển khai nhiệm vụ theo luật định, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng Đề án là rất cần thiết.

Việc xây dựng Đề án nhằm mục tiêu: tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức trong, ngoài ngành Kiểm sát và các tầng lớp nhân dân về quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của VKS, về thực hiện cải cách tư pháp, hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao nhận thức các cấp ủy Đảng và hệ thống cơ quan VKSND các cấp về chức năng, nhiệm vụ triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL; tiếp tục hoàn thiện thể chế về tổ chức và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL của toàn ngành; tổ chức phổ biến rộng rãi, đầy đủ, kịp thời tới nhân dân về các chủ trương của Đảng, quy định pháp luật mới, nhất là về phòng, chống tội phạm, về hoạt động tư pháp, về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của VKS; đổi mới, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, PBGDPL; chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; tăng cường mối quan hệ với các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện; đảm bảo các nguồn lực thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án trong từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra 6 giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ là: Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND định hướng nội dung và chỉ đạo toàn ngành tổ chức thực hiện; về xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp ý hoàn thiện quy định liên quan đến tuyên truyền PBGDPL, hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm gắn với tuyên truyền PBGDPL; tổ chức thực hiện các hình thức tuyên truyền PBGDPL thông qua các Chương trình truyền hình KSND, Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao và các trang Thông tin điện tử của toàn ngành, các Chương trình phát thanh KSND trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, trên sóng của đài phát thanh cấp tỉnh, báo và tạp chí in của ngành, biên soạn, phát hành sách chuyên khảo, sổ tay pháp luật, sách hệ thống hóa pháp luật, ấn phẩm tuyên truyền cho nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và hợp tác quốc tế; tăng cường kinh phí và các điều kiện thực hiện.

Nhận xét về nội dung Đề án, các thành viên Hội đồng và phản biện đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của Đề án, với những kết quả và ý nghĩa mang lại, các thành viên Hội đồng đều thống nhất cao thông qua Đề án.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Trần Công Phàn đánh giá cao ý kiến nhận xét của các thành viên Hội đồng, đồng thời nhất trí thông qua Đề án.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị Ban chủ nhiệm Đề án tiếp thu những ý kiến góp ý trên để tiến hành bổ sung, hoàn thiện một số nội dung trong đề án như: sự cần thiết, thực trạng hiện nay, giải pháp thực hiện trong thời gian tới… Sau khi đã hoàn thiện, Ban chủ nhiệm đề án phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Cục Kế hoạch – Tài chính, VKSND tối cao xây dựng tờ trình báo cáo Chính phủ để xem xét thông qua.

Song Ngư

Giới thiệu tạp chí Kiểm sát số 18/2017

(Kiemsat.vn) - Mời Quý vị đón đọc Tạp chí Kiểm sát số 18/2017, phát hành ngày 20/9/2017.

Giới thiệu tạp chí Kiểm sát số 16/2017

(Kiemsat.vn) - Mời Quý vị đón đọc Tạp chí Kiểm sát số 16/2017, phát hành ngày 20/8/2017.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang