Tập san công tác kiểm sát giai đoạn 1981 - 1989 mở rộng phát hành toàn quốc

13/05/2021 14:46

(kiemsat.vn)
“Tập san công tác kiểm sát” được lưu hành rộng rãi, không chỉ phát hành tới các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân mà còn phát hành tới các cơ quan nhà nước khác, việc dùng từ “nội san” không còn phù hợp; đồng thời, “Tập san” thay thế “Nội san” cũng đánh dấu một bước phát triển mới về quy mô và tầm ảnh hưởng của ấn phẩm giai đoạn này.

Tháng 7/1981, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII, thông qua Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, trong đó có 10 điều quy định về Viện kiểm sát nhân dân; thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 và được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh công bố ngày 13/7/1981. Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội bầu đồng chí Trần Lê làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 vẫn giữ lại những quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động trong quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, nhưng bổ sung và cụ thể hóa về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, về mối quan hệ của Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan, nhân viên nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân, về tổ chức cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân.

Về chức năng, Điều 1 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 quy định: Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân được ghi rõ trong Điều 2: Bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 tiếp tục ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động theo chế độ tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, không phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước ở địa phương. Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 1981 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 1980 về Viện kiểm sát nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo đảm pháp chế thống nhất trong tình hình mới. Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn của 20 năm hoạt động, quán triệt những ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, tiếp thu những ý kiến góp ý sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân của các ngành, các cấp, Luật mới đề ra những điều kiện thuận lợi cho ngành Kiểm sát xây dựng, hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và đội ngũ kiểm sát viên, bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ.

Theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 và Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy làm việc, Phòng Tuyên truyền - Nội san nằm trong Vụ nghiên cứu khoa học; Phòng tiếp tục được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao thực hiện nhiệm vụ làm và phát hành “Tập san công tác kiểm sát” trong bối cảnh có những điều kiện thuận lợi để “Tập san công tác kiểm sát” tiếp tục xây dựng và phát triển.

Tháng 01/1981, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Vụ nghiên cứu khoa học đổi tên “Nội san công tác kiểm sát” thành “Tập san công tác kiểm sát”, việc thay đổi này gắn liền với sự thay đổi của phạm vi phát hành. Do từ năm 1981, “Tập san công tác kiểm sát” được lưu hành rộng rãi, không chỉ phát hành tới các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân mà còn phát hành tới các cơ quan nhà nước khác, việc dùng từ “nội san” không còn phù hợp; đồng thời,  “Tập san” thay thế “Nội san” cũng đánh dấu một bước phát triển mới về quy mô và tầm ảnh hưởng của ấn phẩm giai đoạn này.

Ngày 17/6/1982, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 113/QĐ-V9 về việc chuyển Vụ nghiên cứu khoa học công tác kiểm sát thành Viện khoa học kiểm sát với cơ cấu gồm 4 phòng: Phòng Nghiên cứu lý luận nghiệp vụ công tác kiểm sát, Phòng Nghiên cứu tội phạm học, Phòng Tổng hợp, Phòng Tập san công tác kiểm sát và Tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức: Đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách Tập san đến năm 1983; phụ trách từ năm 1984 đến năm 1989, đồng chí Nguyễn Quốc Hồng - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Văn Thìn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách từ năm 1989 đến 1990; đồng chí Hà Mạnh Trí, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách từ năm 1990 đến 1991.

Trưởng phòng Tập san là đồng chí Nguyễn Thạch Giản (đến năm 1986 thì đồng chí được điều động vào nhận nhiệm vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo). Năm 1986, đồng chí Nguyễn Đình Quế, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh được điều động về làm Trưởng phòng Tuyên truyền - Nội san; đồng chí Phạm Huỳnh Công được bổ nhiệm Phó phòng Tuyên truyền - Nội san.

Nhà báo Nguyễn Đình Quế là người “có duyên nợ” với Toà soạn. Sau khi từ Trường cán bộ Kiểm sát (tháng 4 năm 1973) ông về làm việc ở “Nội san công tác kiểm sát” đến tháng 4/1975 thì về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng 11/1986, ông từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh trở lại làm Trưởng phòng Tập san công tác kiểm sát và tuyên truyền giáo dục pháp luật. Tháng 01/1993, ông được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát cho đến lúc nghỉ hưu (tháng 7/1997).

Các biên tập viên, phóng viên, cán bộ thời gian này gồm có: Đồng chí Phạm Huỳnh Công (Biên tập viên), Trần Văn Nam (Biên tập viên), Phạm Xuân Chiến (Biên tập viên), Nguyễn Thị Hồng (Biên tập viên), Hoàng Phương Hồng (Biên tập viên), Nguyễn Thuý Hoà (Trị sự), Nguyễn Lệ Thuỷ (Trị sự, Kế toán).

Hoạt động của Toà soạn trong giai đoạn này đã hình thành hai bộ phận: Cán bộ làm công tác trị sự, hành chính (đánh máy, văn thư, phát hành) và bộ phận biên tập, gồm các biên tập viên, phóng viên thường xuyên đi công tác xuống các Viện kiểm sát địa phương lấy tư liệu viết bài.

Giai đoạn này, “Tập san công tác kiểm sát” đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, bám sát thực tiễn hoạt động của Ngành, tập trung phản ánh hoạt động kiểm sát phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Hình thức thể hiện, nội dung liên tục được đổi mới; số lượng in và phát hành tăng và dần được mở rộng ra ngoài ngành; nhận được sự quan tâm chú ý của các cơ quan ban, ngành của Đảng và các cơ quan nhà nước ở Trung ương.

 

Ngày 26/4/1985, “Tập san công tác kiểm sát” đã vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ra quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là sự ghi nhận những thành tích mà “Tập san công tác kiểm sát” đã đạt được trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện những bộ luật cơ bản và quan trọng thời gian qua như: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1988, Bộ luật Hình sự năm 1985... Ngày 26/7/1985, tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Trần Lê, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trao Huân chương Lao động hạng Ba cho “Tập san công tác kiểm sát”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là Đại hội có ý nghĩa lịch sử trọng đại, khởi đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Một trong những nội dung quan trọng được Đại hội VI của Đảng xác định đó là cần thực hiện cải cách bộ máy nhà nước, trong đó xác định rõ các chức năng quản lý hành chính và chức năng tư pháp; bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hiệu quả; tăng cường pháp chế, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Quản lý bằng pháp luật đòi hỏi phải quan tâm xây dựng pháp luật. Từng bước bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời ra các chỉ thị công tác, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm công tác hàng năm của toàn ngành, đồng thời quan tâm việc tổng kết thực tiễn công tác, nhất là về tình hình thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981. Dưới ánh sáng của tinh thần đổi mới, ngành Kiểm sát nhân dân đã tiến hành đổi mới về tổ chức bộ máy và các hoạt động kiểm sát.

Năm 1987, thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tiếp tục củng cố và đưa hoạt động của “Tập san công tác kiểm sát” dần theo chế độ hoạt động báo chí, Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát đã ban hành “Quy định tạm thời về lề lối làm việc của Phòng Tập san công tác kiểm sát”. Trong đó xác định: Phòng Tập san công tác kiểm sát được tổ chức theo chế độ của một Tòa soạn; quy định rõ chức trách nhiệm vụ của các chức danh Tổng Biên tập, biên tập viên, phóng viên, nhân viên trị sự hành chính. Các chức danh biên tập viên, Phóng viên có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định rất cụ thể theo quy định chung của cơ quan báo chí; nhân viên trị sự có các nhiệm vụ: Thực hiện công tác kế toán thu, chi, quyết toán bảo đảm cho việc xuất bản, phát hành Tập san đúng kế hoạch; lập sổ sách theo dõi, tiếp nhận bài vở, sổ phát hành; tiếp nhận, chuyển phát công văn, bài vở đi đến; quan hệ với nhà in, khách hàng thanh quyết toán, phát hành tập san.

Cuối năm 1987, Viện khoa học kiểm sát có báo cáo gửi lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình tổ chức của Phòng Tập san công tác kiểm sát và tuyên truyền giáo dục pháp luật và đề xuất một số nội dung về tổ chức và hoạt động của tờ Tập san. Báo cáo đã khái quát quá trình phát triển và hoạt động của Phòng Tập san công tác kiểm sát và tuyên truyền giáo dục pháp luật đến cuối năm 1987. Lực lượng biên tập viên, phóng viên có 05 đồng chí (gồm Trưởng phòng và Phó phòng) và 01 đồng chí làm công tác trị sự - hành chính. Phòng Tập san công tác kiểm sát và tuyên truyền giáo dục pháp luật có 04 đồng chí là đảng viên (Nguyễn Đình Quế, Phạm Huỳnh Công, Trần Văn Nam, Nguyễn Thị Hồng) sinh hoạt tại Chi bộ Viện khoa học kiểm sát. Có 05 trong số 06 đồng chí đã học Trung cấp và Cao đẳng Kiểm sát. Trong đó, đồng chí Nguyễn Đình Quế đã trải qua thời kỳ làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, trải qua thực tế công tác kiểm sát. Trong bối cảnh chung các tờ tập san chuyên ngành đã và đang chuyển đổi thành các tạp chí, Viện khoa học kiểm sát đề xuất và trình Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho thay đổi tên bìa Tập san từ “Công tác kiểm sát” đổi thành “Kiểm sát” với hình thức thể hiện là một tạp chí nhưng chưa đề rõ là “Tạp chí Kiểm sát”, bởi lẽ chưa thực sự đạt các điều kiện cần của một tạp chí. Báo cáo của Viện khoa học kiểm sát cũng đề nghị về mặt tổ chức Tập san vẫn là cấp Phòng thuộc Viện khoa học kiểm sát nhưng được tổ chức như một Tòa soạn của cơ quan báo chí, đồng thời sẽ tiến hành thành lập Chi hội Nhà báo thuộc Trung ương hội Nhà báo Việt Nam. Hoạt động nghiệp vụ của Tập san trong đơn vị cấp Vụ, song đề nghị cho Phòng Tập san công tác kiểm sát và tuyên truyền giáo dục pháp luật được trực tiếp tiếp nhận những chủ trương, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các vụ nghiệp vụ để phản ánh nhanh chóng trên tập san (cụ thể là được tham gia một số cuộc họp của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao với các đơn vị...).

Trang bìa Tập san công tác kiểm sát năm 1988

Năm 1988, theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Nhà báo Việt Nam đã ra quyết định thành lập Chi hội Nhà báo Tập san công tác kiểm sát trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, gồm 08 hội viên đầu tiên, do nhà báo Phạm Huỳnh Công làm Thư ký Chi hội. Các đồng chí Phạm Xuân Chiến, Hoàng Phương Hồng được bầu làm Phó Thư ký Chi hội.

“Tập san công tác kiểm sát” từ năm 1981 đến 1990 phát hành 02 tháng/01 kỳ, cả năm có 6 số, mỗi số 32 trang, thường in trên giấy báo Tân Mai hoặc Bãi Bằng, chưa in ảnh ở trang bìa và các trang ruột. Bố cục nội dung chưa chia thành các chuyên mục, chủ yếu đăng các bài liên quan đến hoạt động của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại các Kỳ họp Quốc hội, các bài mang tính định hướng, chỉ đạo công tác kiểm sát của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tập trung chủ yếu vào các nội dung liên quan đến kinh nghiệm trong công tác kiểm sát của Viện kiểm sát địa phương; trao đổi, áp dụng pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Công tác phát hành cũng được Toà soạn đề xuất không tự gửi phát hành qua đường văn thư hành chính có tính chất nội bộ mà tiến tới tổ chức việc phát hành theo chế độ chung của của cơ quan báo chí là thông qua bưu điện. Những đề xuất trên cơ bản được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý, qua đó, Toà soạn đã từng bước triển khai thực hiện như thay tên bìa, ma két cũng được trình bày phân theo các mục...

Về đội ngũ Cộng tác viên: Từ lúc ban đầu với một lực lượng Cộng tác viên mỏng, dần dần Tòa soạn đã xây dựng được một đội ngũ Cộng tác viên ở trong ngành thường xuyên và tích cực viết bài từ những ngày đầu đến thời kỳ này có các đồng chí: Phạm Quân, Nguyễn Phúc, Trần Kiêm Lý, Bùi Tường Vĩ (Vụ Kiểm sát điều tra án trị an), Võ Quang Nhạn, Phan Châu (Vụ Kiểm sát xét xử hình sự), Nguyễn Đức Lương (Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm 1), Mai Văn Tuân, Nguyễn Thị Kiệm (Vụ Kiểm sát chung), Nguyễn Tiến Đạm (Vụ Tổ chức cán bộ); ở một số đơn vị Viện kiểm sát địa phương như các đồng chí: Phan Sum (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Thái), Dư Đình Sum (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh), Nguyễn Giác (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh)...

Ngày 22/12/1988, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá VIII thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981. Ngay sau đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị số 02 về việc tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981; Chỉ thị đã yêu cầu các đơn vị Viện kiểm sát trong toàn ngành tổ chức học tập nghiên cứu, thảo luận đề ra các biện pháp thực hiện cụ thể; đồng thời, tuyên truyền rộng rãi trong các cấp, các ngành và nhân dân về Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981.

Các tác phẩm đăng trên “Tập san công tác kiểm sát” giai đoạn này gồm các bài xã luận phân tích, bình luận về các sự kiện, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của ngành; bài phản ánh hoạt động công tác kiểm sát, kinh nghiệm từ các địa phương trong công tác kiểm sát, thi đua, đoàn thể; bài trao đổi kinh nghiệm về vụ án cụ thể; bài tham khảo pháp luật nước ngoài về công tác kiểm sát, xây dựng pháp luật; không có trang văn hoá, truyện vui, thơ như giai đoạn trước đó; chưa có nhiều các bài có tính chất nghiên cứu, lý luận về khoa học pháp lý.

“Tập san công tác kiểm sát” trong giai đoạn này đã phân theo một số mục, chủ đề như: Văn bản mới (giới thiệu văn bản); Nghiên cứu trao đổi (những kinh nghiệm công tác); Kiểm sát trả lời; Ống kính Kiểm sát viên (phản ánh hoạt động của Kiểm sát viên); Kiểm sát đó đây (tin hoạt động trong ngành); Những vấn đề tham khảo (tài liệu nước ngoài). Một số bài viết tiêu biểu như: Bài “Chức năng duy nhất, quán triệt trong toàn bộ các khâu nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân” của tác giả Nguyễn Văn Khuê, đăng trên tập san số 6/1981; bài “Một số ý kiến về vị trí của công tác kiểm sát trong lĩnh vực hình sự” của tác giả Nguyễn Quốc Hồng, đăng trên số 5/1983; bài dịch “Công tác kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động của cơ quan điều tra và dự thẩm ở Liên Xô” của A.N Ba-La-Sốp, đăng trên số 1/1984; Xã luận: “Cần làm tốt công tác kiểm sát ở các huyện biên giới phía Bắc”, số 5/1984; bài “Phải đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trước tình hình nhiệm vụ mới” của tác giả Trần Lê, đăng trên số 5/1985...

Có thể nói, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Toà soạn hoạt động trong cơ chế tập trung bao cấp với rất nhiều khó khăn chung của đời sống xã hội đã tác động đến sinh hoạt, công tác và mọi hoạt động của đơn vị. Trong bối cảnh đó, cán bộ và nhân viên của “Tập san công tác kiểm sát” vẫn kiên trì bám sát thực tiễn hoạt động của ngành, thường xuyên đi sâu sát cơ sở thu thập tin tức bài vở chuẩn bị tốt nội dung; đồng thời quan hệ chặt chẽ với nhà in và các cơ quan quản lý báo chí xuất bản khắc phục những khó khăn về giấy in, thiếu thốn về phương tiện làm việc và thiết bị nghiệp vụ báo chí, tìm cách mở rộng phát hành. Số lượng in và phát hành tăng lên không chỉ trong ngành mà đã được mở rộng và được quan tâm chú ý của các cơ quan ban ngành của Đảng và các cơ quan nhà nước ở Trung ương. “Tập san công tác kiểm sát” đã tập trung phản ánh các hoạt động kiểm sát phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước trong thời gian này như công tác kiểm sát phục vụ cải tiến phân phối lưu thông, quản lý thị trường; thi hành Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép. Công tác kiểm sát trong các ngành nội thương, ngoại thương, lương thực, vật tư nông nghiệp... các hoạt động xây dựng các đơn vị điển hình tiên tiến trong việc tuân theo pháp luật tại cơ sở; tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện những bộ luật cơ bản và quan trọng mới được ban hành như Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1988, Bộ luật Hình sự 1985, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988, Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989...

Tuy nhiên, trong những năm này, “Tập san công tác kiểm sát” không tránh khỏi những tồn tại, khuyết, nhược điểm như: Hoạt động của Toà soạn ảnh hưởng và mang nặng tính bao cấp, chưa thực sự chủ động trong in ấn, phát hành có nhiều kỳ còn kéo dài, còn chậm. Nội dung bài vở chủ yếu vẫn là phản ánh những vụ việc cụ thể, trao đổi những kinh nghiệm công tác thực tiễn của các đơn vị Viện kiểm sát; nhiều khi phản ánh không kịp thời tình hình chung cũng như hoạt động kiểm sát; bài viết mang tính tổng kết thực tiễn, bài viết về lý luận, khoa học còn hạn chế.

Từ năm 1986, với đường lối đổi mới của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành, “Tập san công tác kiểm sát” đã từng bước khắc phục khó khăn, tồn tại, hướng tới đổi mới và phát triển. Lãnh đạo và cán bộ nhân viên Phòng Tập san tuyên truyền có nhiều trăn trở suy nghĩ, thảo luận tìm tòi đề xuất với lãnh đạo Viện khoa học kiểm sát để đề xuất với Viện trưởng và tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo xây dựng cơ quan báo chí của ngành. Từ việc tổ chức cho số lượng lớn cán bộ phóng viên tham dự lớp Cao đẳng Kiểm sát tại chức khoá I tại trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đến việc đề xuất đổi mới về công tác tổ chức theo mô hình đơn vị báo chí; cải tiến đổi mới về trình bày trang bìa, đặt tên bìa đến việc trình bày ma két, xây dựng các chuyên mục, đề tài nội dung... Nội dung chủ đề của từng bài viết, trên từng số “Tập san công tác kiểm sát” những năm cuối 1980 đã hướng tới những vấn đề có tính khoa học và lý luận chung về nhà nước pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát.

Nếu như ấn phẩm đầu tiên - “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” với định hướng chính là trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tố ở giai đoạn trước (1945 - 1959) và trong những năm đầu mới thành lập ngành (1960 - 1962), thì“Nội san công tác kiểm sát” (giai đoạn 1963 - 1980) đã có bước phát triển khá dài về nội dung, không chỉ trao đổi kinh nghiệm mà đã có nhiều nội dung, bài viết có tính chất nghiên cứu lý luận, thông tin khoa học. Bên cạnh các bài báo nghiên cứu khoa học, đã xuất hiện thêm một số thể loại báo chí như phỏng vấn, ký chân dung giới thiệu gương người tốt, việc tốt, bài dịch báo chí nước ngoài, phụ lục đặc biệt, có mục tin tức, văn hoá, văn nghệ... Số lượng phát hành được tăng lên (từ 500 cuốn lên 2.500 cuốn), mặc dù chỉ lưu hành nội bộ (nội san) nhưng phạm vi phát hành tới các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Đây cũng là giai đoạn mà việc triển khai công việc của Toà soạn gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện chiến tranh và những năm đầu mới thống nhất đất nước, song đã cho thấy sự nỗ lực vượt bậc, sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của đội ngũ những người làm báo của ngành Kiểm sát nhân dân. Những năm cuối của thập kỷ 80 là những năm bản lề để “Tập san công tác kiểm sát” chuyển từ một tờ Nội san (phát hành trong nội bộ ngành Kiểm sát) với những trải nghiệm để chuẩn bị cho việc thành lập một Cơ quan báo chí độc lập đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân và trở thành tờ Tạp chí khoa học nghiệp vụ chuyên ngành của thời kỳ đổi mới. Số lượng phát hành được tăng lên 3.000 cuốn mỗi kỳ. Các bài viết đảm bảo đúng tư tưởng chính trị của Đảng, phản ánh những hoạt động của ngành. Nhiều thông tin chuyên ngành được đăng tải, nhiều bài mang tính tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát được Tạp chí công bố… Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao; được sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan chức năng, sự quan tâm tích cực của cộng tác viên, Tạp chí Kiểm sát đã đạt được nhiều kết quả, đội ngũ cán bộ Tạp chí Kiểm sát ngày càng trưởng thành, vừa có trình độ chuyên ngành Kiểm sát, vừa có bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ báo chí vững vàng.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang