Tạp chí Kiểm sát phối hợp tổ chức Chương trình góp ý ấn phẩm điện tử "Hành trình công tố vụ án buôn bán người dưới 16 tuổi qua biên giới"

30/07/2024 08:00

(kiemsat.vn)
Ngày 29/7/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát phối hợp tổ chức Chương trình góp ý ấn phẩm điện tử "Hành trình công tố vụ án buôn bán người dưới 16 tuổi qua biên giới". PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát VKSND tối cao chủ trì Chương trình.

Toàn cảnh Chương trình góp ý ấn phẩm điện tử "Hành trình công tố vụ án buôn bán người dưới 16 tuổi qua biên giới". 

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng phạm tội thực hiện tội phạm với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, số lượng nạn nhân lớn hơn, các hậu quả và hệ lụy cũng nghiêm trọng hơn... Kể từ năm 2013, Liên hợp quốc chọn ngày 30/7 hằng năm là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” trên cơ sở đó Việt Nam đã lựa chọn ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc và thế giới.

Đại biểu tham dự Chương trình.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát cho biết, với chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2024 là “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống mua bán người”, nhằm thúc đẩy nâng cao nhận thức và tăng cường các giải pháp để ngăn chặn và đẩy lùi nạn mua bán trẻ em; ngành Kiểm sát nhân dân với chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thời gian qua, đã cùng với các cơ quan thực thi pháp luật đã giải quyết nhiều vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán người dưới 16 tuổi một cách chính xác, nghiêm minh, kịp thời, góp phần phòng ngừa và chống lại tội phạm mua bán người.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát chủ trì Chương trình góp ý kiến ấn phẩm.

Triển khai kế hoạch hợp tác của VKSND tối cao với Chương trình ASEAN-ACT tại Việt Nam, Tạp chí Kiểm sát đã phối hợp với Chương trình ASEAN-ACT, VKSND tỉnh Hà Giang và các đơn vị liên quan xây dựng ấn phẩm điện tử với tên gọi: "Hành trình công tố vụ án mua bán người dưới 16 tuổi qua biên giới", nội dung ấn phẩm được xây dựng từ vụ án có thật. Đây là ấn phẩm có giá trị tham khảo về quy trình tố tụng đối với các Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án mua bán người dưới 16 tuổi. Đối với những vụ án này cần có những chú ý đặc trưng như: Tránh để nạn nhân tiếp tục bị tổn thương, sang chấn tâm lý, đảm bảo việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, lấy nạn nhân làm trung tâm;...

Đồng chí Hoàng Thế Anh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát phát biểu tại buổi làm việc.

Ấn phẩm điện tử "Hành trình công tố vụ án buôn bán người dưới 16 tuổi qua biên giới" không chỉ có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực của các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của ngành Kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung, về vụ án buôn bán người nói riêng, đặc biệt là vụ án mua bán người dưới 16 tuổi. Đồng thời góp phần lan tỏa, tuyên truyền về hình ảnh, vai trò của người cán bộ Kiểm sát trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh mong muốn, tại sự kiện các đại biểu sẽ tập trung góp ý cho ấn phẩm, để ấn phẩm được hoàn thiện hơn khi chính thức xuất bản.

Các đại biểu thảo luận, góp ý kiến hoàn thiện ấn phẩm.

Góp ý hoàn thiện ấn phẩm tại Chương trình, các đại biểu tham dự đánh giá cao chất lượng nội dung, cũng như tính ứng dụng của ấn phẩm điện tử "Hành trình công tố vụ án buôn bán người dưới 16 tuổi qua biên giới"; thảo luận, đóng góp một số ý kiến về nội dung, hình thức ấn phẩm; đồng thời hy vọng ấn phẩm sớm được hoàn thiện và xuất bản.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tạp chí Kiểm sát sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung, hình thức và xuất bản ấn phẩm để có thể sử dụng làm tài liệu tuyên truyền; tài liệu tham khảo trong thực tiễn nghiệp vụ và trong công tác đào tạo.

Trao đổi về chuyển giao quyền yêu cầu

(Kiemsat.vn) - Quy định về chuyển giao quyền yêu cầu trong nghĩa vụ dân sự tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện quyền dân sự một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định rõ ràng về khái niệm, hình thức, phạm vi chuyển giao quyền yêu cầu, nên gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang