Tăng phí ATM: cần minh bạch và song hành với chất lượng dịch vụ

13/07/2018 15:57

(kiemsat.vn)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các “ông lớn” ngân hàng tạm dừng tăng phí rút tiền nội mạng ATM. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng, việc tăng phí dịch vụ này bị NHNN từ chối.

Vì sao NHNN phải tuýp còi?

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Theo thông tin từ VnExpress, đại diện NHNN cho biết, cơ quan này vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng việc tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Việc tăng phí là quyền tự chủ của các nhà băng theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo sự minh bạch thông tin cũng như sự hài hòa lợi ích giữa các bên, sự đồng thuận của người sử dụng.

Các ngân hàng cần thời gian để giải thích rõ cho người dùng mức phí thế nào là phù hợp. Mức tăng như vậy có nhiều hay không và tại sao tăng... Khi nào có sự đồng thuận của người sử dụng thì mới nên thực hiện tăng.

"Bốn ngân hàng lớn cùng tăng phí rút tiền nội mạng ATM trong cùng thời điểm dễ khiến khách hàng băn khoăn, dư luận cũng đặt nhiều câu hỏi như lợi nhuận ngân hàng rất cao, vì sao ngân hàng không lấy một phần khoản này bù đắp mà cứ tăng phí; mức tăng vậy có nhiều không?...", đại diện NHNN nhấn mạnh, dẫn theo Tạp chí Tài chính.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ ổn định để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Động thái của NHNN được đưa ra sau khi hàng loạt "ông lớn" về thẻ trên thị trường như Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV thông báo sẽ tăng phí ATM nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng từ ngày 15/7.

Theo phản ánh của ANTV, căn cứ số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng các loại, trong đó khoảng 70 triệu thẻ ATM. Với 63% thị phần thẻ mà 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống đang nắm giữ thì việc tăng phí dịch vụ lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng.

Trên thực tế, hiện chỉ có phí rút tiền nội mạng qua ATM mới tạm ngừng điều chỉnh tăng theo yêu cầu của NHNN, còn nhiều khoản phí dịch vụ khác đã được các NH thương mại điều chỉnh tăng thời gian qua như Mobile Banking, Internet Banking hay Bankplus…

Đây không phải lần đầu tiên NHNN đưa chỉ đạo "tuýt còi" với các ngân hàng thương mại trong việc thu phí ATM. Cách đây đúng 02 tháng, như Hà Nội mới đưa tin, 4 "ông lớn" dẫn đầu thị phần về thẻ thanh toán của thị trường cũng đã bắt tay nhau đòi tăng phí. Tuy nhiên, thời điểm đó, dư luận đã phản ứng khá dữ dội. Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch tăng phí này tạm hoãn lại.

Lý do tăng phí ATM được các nhà băng đưa ra là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM. Mỗi giao dịch rút tiền của người dân tại ATM tiêu tốn khoảng 7.000-9.000 đồng tiền phí của ngân hàng.

Zing.vn cho biết, trong lần thông báo tăng phí rút tiền trước đó của các ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, khẳng định việc tăng phí rút tiền ATM đã được tính toán trong lộ trình từ 5-6 năm trước. Mức thu phí rút tiền ATM nội mạng hiện tại thấp hơn rất nhiều mức trần mà NHNN cho phép. Thậm chí, không đủ bù đắp chi phí duy trì ATM cho các ngân hàng vận hành do nhu cầu sử dụng thẻ ghi nợ chủ yếu của người dân vẫn là rút tiền mặt chứ không phải thanh toán.

Tăng phí phải song hành với tăng chất lượng

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Trên thực tế, Vietcombank, BIDV, VietinBank là những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống năm 2017, lãi từ dịch vụ cũng nằm trong top đầu, theo Tri thức trẻ. Theo các chuyên chuyên gia kinh tế, khi khách hàng gửi tiền, bản thân ngân hàng đã có thể sử dụng số tiền đấy để sinh lời, cho vay tạo lợi nhuận nên việc bắt khách hàng phải chịu các loại phí như rút tiền nội mạng, chuyển tiền cùng hệ thống là không hợp lý. Hơn nữa, một trong những vai trò của máy ATM là để giảm tải giao dịch trực tiếp tại phòng giao dịch, từ đó giảm các chi phí về nhân sự và nhiều chi phí khác về hạ tầng, không gian, giấy tờ ...

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần hài hòa lợi ích các bên.

Người tiêu dùng thì bức xúc khi ngân hàng tăng phí. Nhưng phía các ngân hàng, cũng có những nguyên nhân giải thích cho việc điều chỉnh của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hài hòa lợi ích của cả hai bên? Và phía ngân hàng đã thật sự minh bạch về các loại phí cũng như lộ trình tăng phí với khách hàng hay chưa?

“Tôi luôn có quan điểm là “giá cả đi đôi với chất lượng”. Với mỗi sự kiện tăng giá, khi giá mới tăng khách hàng sẽ có cảm giác khó chịu với biến động, nhưng nếu chất lượng sản phẩm tăng tương ứng thì chắc chắn cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng tan biến và khách hàng sẽ vẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm”, TS. Linh nêu quan điểm.

Ngược lại, nếu giá sản phẩm tăng mà chất lượng không tương xứng, trong khi thị trường có những sản phẩm tương tự với mức phí rẻ hơn thì chắc chắn khách hàng sẽ thay đổi, ngân hàng tăng giá sẽ rất ít khách hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.

Vì thế, lý do tăng phí dịch vụ là để bù đắp chi phí cho việc nâng cấp công nghệ, hạ tầng để gia tăng bảo mật của ngân hàng đã không nhận được sự đồng tình từ khách hàng. 

Thực tế, dù ngân hàng biện hộ đủ lý do tăng phí dịch vụ, nhưng hàng loạt vụ mất tiền qua thẻ ATM vẫn liên tục xảy ra thời gian qua. Và điều đáng nói là chưa có ngân hàng nào khắc phục tình trạng máy ATM hỏng hóc, xuống cấp, khách xếp hàng dài chờ đợi, nhưng vẫn không rút được tiền vào những dịp lễ, Tết...

Quyết định tăng phí đã được dừng lại theo yêu cầu của cơ quan quản lý, tuy nhiên xu hướng tăng phí dịch vụ có lẽ sẽ khó tránh khỏi trong tương lai. Vấn đề là, lúc nào tăng phí là thích hợp, khi đó chất lượng dịch vụ đã tốt lên hay chưa, cách thông báo và giải thích của ngân hàng có khiến cho người dùng hài lòng, sẵn sàng bỏ tiền? 

Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3 năm 2013. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, và sẽ tăng lên 2.000 đồng/giao dịch vào năm 2014 và tăng lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.

Xem thêm >>>

Tài khoản khách hàng bị rút ruột, ngân hàng không thể “phủi tay”

NHNN cảnh báo tình trạng cho mượn giấy tờ tùy thân để mở tài khoản thanh toán, thẻ ATM

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang