Sửa đổi toàn diện Luật cư trú: Thực tiễn và khả thi

12/05/2020 14:38

(kiemsat.vn)
Sáng 12/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 28, trong nội dung họp, có một vấn đề quan trọng là thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Có hiệu lực từ 29/11/2006, sau 14 năm triển khai, Luật cư trú đã đã dần bộc lộ một số sự bất cập khiến việc sửa đổi Luật trở thành nhu cầu bức thiết nhất là trong thời kỳ Công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.

Bỏ các quy định về sổ Hộ khẩu

Trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú.

Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Đồng thời tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới. Thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú, trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cũng như đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú khi có các quy định về đăng ký, quản lý cư trú theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.

Sẽ quản lý cư trú theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú; trách nhiệm xuất trình Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu; trách nhiệm cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú…

Quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng internet. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Phiên họp toàn thể lần thứ 28 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ngoài ra dự thảo Luật còn quy định về các nội dung liên quan đến quyền tự do cư trú của công dân; nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú; bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú; hợp tác quốc tế trong quản lý cư trú cơ bản được giữ như quy định của Luật Cư trú hiện hành; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền, trách nhiệm của công dân về cư trú; nơi cư trú của công dân; quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; những trường hợp không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới; quy định nơi cư trú của người chưa thành niên, người được giám hộ, của vợ, chồng, của học viên, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, của người làm nghề lưu động có một số chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn; về đăng ký thường trú; về xóa đăng ký thường trú; thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân; đăng ký tạm trú và xóa đăng ký tạm trú; về lưu trú, thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng; công tác quản lý nhà nước về cư trú; hủy bỏ việc đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật; Cơ sở dữ liệu về cư trú; việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng dữ liệu về cư trú; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm và các điều khoản thi hành.

Các đại biểu tham dự Phiên họp cơ bản nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tán thành việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng, việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, thay đổi phương thức quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp với lộ trình đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước trong đó Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Về mặt kinh tế, việc thay đổi này rất phù hợp với chủ trương hiện nay là triển khai Chính phủ điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, kinh tế số…Hơn nữa, một số hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước nếu khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu thông qua hệ thống điện tử, công tác điều tra dân số sẽ rõ ràng, thuận lợi.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang