Sự ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam

13/06/2019 06:00

(kiemsat.vn)
Hội Nhà báo Việt Nam – tổ chức nghề nghiệp của những người làm báo, có địa chỉ trụ sở tại Tầng 3 - Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Lô E2 Khu đô thị Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay là đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Trong thời kỳ những người cộng sản nước ta được chính quyền của Mặt trận Nhân dân Pháp cho phép xuất bản báo chí công khai (1936-1939), Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mở cuộc vận động thành lập Hội Nhà báo Dân chủ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định nhân danh báo tiếng Pháp của ta - tờ Le Rassémblement (Tập hợp) - đứng ra thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, do sự theo dõi, phá hoại của bọn mật thám, chủ trương này đã không thực hiện được.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (công báo, đài tiếng nói quốc gia, thông tấn xã...) được thành lập. Ngày 27/12/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam.

Công việc chuẩn bị để lập ra một hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì chiến tranh xảy đến bởi Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến. Báo chí cách mạng có thêm lực lượng và phương tiện mới: thông tấn xã với điện đài phát tin, đài phát thanh. Một hệ thống thông tin - báo chí đa dạng hình thành. Ở Việt Bắc, Trung ương có báo Sự thật, Cứu quốc, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam. Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng; các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ có báo, đài phát thanh do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.

Ngày 4/4/1949, tại Việt Bắc, với sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến đã mở được trường đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, thu hút gần 50 học viên. Đây là trường học về báo chí đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhằm đào tạo cán bộ cho phong trào báo chí đang phát triển mạnh mẽ.

Trường Huỳnh Thúc Kháng - Trường đầu tiên đào tạo cán bộ viết báo

Đến đầu năm 1950, do yêu cầu của việc nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng là yêu cầu nâng cao nghiệp vụ báo chí, Đoàn Báo chí Kháng chiến đã được chấn chỉnh lại thành Hội Những người viết báo Việt Nam. Hội nghị thành lập Hội (Đại hội lần I) khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Tại đây, Hội nghị đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với đồng chí Xuân Thủy làm Chủ tịch, Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Phó Chủ tịch, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo trở thành Chi hội, những người làm báo ở cơ quan nào thì tham gia Chi hội cơ quan ấy. Sinh hoạt chủ yếu của các chi hội là thảo luận những vấn đề nghiệp vụ, bồi dưỡng trình độ nghề nghiệp qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Tháng 7/1950, đại hội của Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ. Ngày 16-17/4/1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự, bầu ra Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 7-8/9/1962, diễn ra Đại hội lần III với 160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 29 nhà báo do đồng chí Hoàng Tùng làm Chủ tịch và đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngày 30/4/1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Ngày 7/7/1976, tại Hà Nội, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam do đồng chí Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội, làm Trưởng đoàn và đoàn đại biểu Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam do đồng chí Tân Đức - Chủ tịch Hội, dẫn đầu, đã họp Hội nghị bàn việc hợp nhất hai tổ chức Hội. Trên cơ sở nhất trí hoàn toàn về ý nghĩa trọng đại của việc hợp nhất, Hội nghị quyết định: từ ngày 7/7/1976, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất thành một tổ chức báo chí duy nhất, hoạt động trên phạm vi cả nước, lấy tên chính thức là Hội Nhà báo Việt Nam.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang