Sự kiện nổi bật tuần qua (3/9- 7/9)

09/09/2018 13:31

(kiemsat.vn)
Tuần qua đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Lễ công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Liên bang Nga, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

1. Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 02 Phó Viện trưởng VKSND tối cao

Sáng 07/9, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Lễ công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương dự và trao các quyết định bổ nhiệm tại buổi Lễ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Huy Tiến và đồng chí Nguyễn Văn Quảng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao

Tham dự buổi Lễ có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng; Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương.

Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước công bố các Quyết định của Chủ tịch nước ký ngày 05/9/2018 về việc bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao, cụ thể:

- Quyết định số 1557/QĐ-CTN bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Kiểm sát viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), VKSND tối cao giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao, có thời hạn.

- Quyết định số 1559/QĐ-CTN bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Kiểm sát viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao, có thời hạn.

Các quyết định bổ nhiệm có hiệu lực kể từ ngày ký. 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, các đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao sẽ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trên cương vị công tác mới; đoàn kết, cùng tập thể Lãnh đạo VKSND tối cao thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành, xứng đáng với sự quan tâm, tín nhiệm, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và của cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát.

Toàn cảnh buổi lễ

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan tư pháp nói chung và ngành KSND nói riêng rất quan trọng, nặng nề. Do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, Ngành cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Liên bang Nga

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 5 đến ngày 8/9/2018. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với thành phần hẹp và mở rộng với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev (Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép), Chủ tịch Đuma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin (Vi-a-chia-xláp Vô-lô-đin), Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Andrey Turchak (An-đrây Tu-rơ-chắc); đặt vòng hoa tại Mộ Liệt sỹ vô danh, Lăng Vladimir Ilyich Lenin (Vla-đi-mia I-lích Lê-nin) và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp gỡ các cựu chiến binh, chuyên gia Nga từng làm việc tại Việt Nam, dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Hữu nghị Nga-Việt; thăm tỉnh Kaluga (Ka-lu-ga).

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: TTXVN)

Các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra trong bầu không khí tin cậy, cởi mở và hữu nghị truyền thống. Lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề nhằm tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt - Nga, thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin (Ảnh: TTXVN)

Kết thúc hội đàm cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V.Putin đã chứng kiến ký các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên và các thỏa thuận giữa các tổ chức kinh tế của hai nước.

Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tạo xung lực mới cho việc tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

3. Triển khai quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trao quyết định cho đồng chí Lại Xuân Lâm (Ảnh: Chính phủ)

Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương vừa tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ.

Theo Quyết định, Ban Bí thư quyết định đồng chí Lại Xuân Lâm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đồng chí Lại Xuân Lâm, nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối được Ban Bí thư điều động, luân chuyển, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum từ tháng 10/2014 đến nay.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Chống tham nhũng: Phải dẹp “sân sau”, điều tra “giàu bất thường”

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

Nhiều Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, muốn chống tham nhũng, cần tiếp tục kiểm soát, điều tra xác minh những người giàu bất thường, có tài sản bất minh; rà soát và dẹp “sân sau”. Bởi nhiều người sẵn sàng đóng vai trò tích cực làm chức vụ này, chức vụ kia và làm dự án hàng nghìn tỉ đồng gây thất thoát lớn rồi trốn. Vừa qua, các vụ đại án được xét xử và người dân hoan nghênh nhưng không thấy tham nhũng bao nhiêu, dù thiệt hại mấy chục nghìn tỷ mà chỉ thấy thiếu trách nhiệm, sai quy trình.

“Không chỉ 1 mà là vài ba sân sau. Chúng ta có thống kê bao nhiêu và có thái độ như thế nào với vấn đề này? Cái này không khó nếu theo dõi dòng vốn di chuyển”, đại diện ĐBQH Đà Nẵng cho biết.

Bố mẹ của cán bộ cũng phải kê khai tài sản

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Ảnh: VOV)

Có ý kiến cho rằng, mở rộng diện kê khai tài sản gồm bố mẹ, con thành niên của cán bộ là mấu chốt để kiểm soát, phòng chống tham nhũng.

Nếu quy định cán bộ chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên là quá hẹp. Phạm vi kê khai chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng. Nhiều án tham nhũng tài sản được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh... Đây là một trong những nguyên nhân mà cơ quan tư pháp dù rất cố gắng, quyết liệt, tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng rất thấp.

Trái với ý kiến trên, nhiều đại biểu lo ngại, nếu mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thì số lượng quá lớn, vượt khả năng của cơ quan kiểm soát. Vì vậy, đề xuất trên khó khả thi, rơi vào hình thức, lãng phí. 

5. Thêm một số đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

Nghị định bổ sung thêm đối tượng tinh giản biên chế:

- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014.

Ngoài ra, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP còn sửa đổi quy định về đối tượng tinh giản biên chế tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp những người đã là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó cũng có thể bị tinh giản biên chế.

Xem thêm>>>

Sự kiện nổi bật tuần qua (30/7- 3/8)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang