Sếp cũ của tôi – Ông lão kiểm sát…
(kiemsat.vn) Chúng tôi thường đùa nhau, ngành Kiểm sát nhân dân mà tổ chức cuộc thi "Ai yêu ngành nhất", chắc chắn giải "Quán quân" sẽ thuộc về sếp cũ của tôi cho mà xem, ai dám tranh giành với lão nhỉ?!
Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (tiếp theo)
Quy định mới về thi đua, khen thưởng
Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam
Anh em Vụ Pháp chế dùng đủ mọi danh xưng để gọi nào chú, anh, ông, bác, cụ, thủ trưởng … Nhưng lão phê bình luôn, yêu cầu bọn tôi gọi bằng danh từ âu yếm nhất, và mộc nhất: Lão. Vâng, sếp tôi đấy, ông sếp giản dị, bao năm ở Hà Nội, du học ở trời Tây, vẫn tự nhận mình chất quê còn nặng lắm. Mới đầu tôi nghĩ, trông chú làm gì mà quê lắm, nhưng hóa ra tôi nhầm, lãnh đạo của tôi mang cái chất quê ấy khắp nơi, trong con người đã đành, còn trong sinh hoạt, trong công việc cũng quê y như thế. Tại sao ấy à? Thế này nhé, lão cũng giống như người dân quê, yêu mảnh đất, yêu nơi chôn rau cắt rốn, dù đi bao xa, quay đầu vẫn nhớ đến mái nhà xưa, lão yêu ngành đến cháy bỏng, con người lão gắn bó với ngành từ khi ra trường đến lúc về hưu, đố ai dụ được lão rời ngành đấy. Lớp trẻ chưa từng trải gọi đó là sự cố chấp, nhưng với lão ngành Kiểm sát giống như mái ấm gia đình, ở đó, có người thân, có anh em, bạn bè, con cháu của lão, bảo lão xa cái nơi lão coi là tổ ấm ấy, khó lắm.
Nói đến cái tình với nghề, ở Vụ Pháp chế nói riêng, ở ngành Kiểm sát nói chung, Tiến sĩ Vũ Văn Mộc là một cái tên không ai lạ gì, giống như một gốc đại thụ, góp phần xây dựng “thương hiệu” Viện khoa học kiểm sát một thời. Nhớ cái ngày mới vào ngành, tôi nghe đến thành tích du học ở Cộng hòa dân chủ Đức, rồi bao nhiêu năm cống hiến cho ngành của chú, hơi sợ, rồi cũng run, với ấn tượng những người đi học ở Đức về, tư duy lẫn phong cách đều mang một chút gì đó rất thực dụng, lạnh lùng của người Đức – một dân tộc với tinh thần đậm chất Germain, luôn tự hào với huyết thống Châu Âu thuần chủng.
Nhưng bao chuẩn bị của tôi rớt sạch trong phút chốc, chào đón tôi là vẻ ngoài bụi bặm, có phần hơi lãng tử, và nụ cười ấm áp, thoải mái, lão giương mục kỉnh hỏi tôi: “Mi có biết pha chè không? Biết thì pha cho chú một ấm, tự chọn bàn mà ngồi…”.
Những ngày sau đó, lão dạy tôi từng thứ một, về công việc, về ngành, về cuộc sống, cách dạy của lão lạ lùng lắm, tưởng như hỏi chuyện, nhưng thực ra đang kiểm tra kiến thức của mình, tưởng như kể chuyện nhưng thực ra đang hướng dẫn mình làm việc. Sự thoải mái trong cách sống, cách làm việc của lão khiến tôi dần buông sự ngại ngùng, lúng túng ban đầu để trở nên yêu ngành hơn, quen với công việc và cách thức triển khai công việc hơn. Từ lúc nào, lão truyền cho tôi lòng yêu nghề dù chưa mãnh liệt bằng lão nhưng cũng đủ để tôi tự hào với công việc mình làm, dần theo kịp bước chân của đồng nghiệp.
Cả cuộc đời công chức gắn bó với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, “ông lão kiểm sát” cũng yêu luôn cái màu áo kiểm sát của mình. Ông diện trang phục ngành quanh năm, thậm chí, trong cả … dịp Tết âm lịch. Ngoài quần áo ngành ra, thứ trang phục được lão Mộc ưa thích là… quần áo ngành. Lão khoe, dịp tết năm 2014, Lão rất may là đã kịp gọi cho Chị Hoa – kế toán trưởng của đơn vị khi ấy, để đăng ký may bộ veste… ngành diện Tết. Và, Lão diện bộ ấy đi chúc tết luôn. Đừng cười, ông Mộc vô cùng hợp với trang phục ngành, nhất là lễ phục, hiếm có ai mặc đẹp được như thế, không tin à, cứ chờ đến cuối năm đi, mọi người sẽ được chứng kiến phong thái lãng tử pha trộn với chất kiểm sát đặc biệt của ông Mộc. Với Lão, trang phục ngành là bộ lễ phục đẹp nhất, trang trọng nhất và đáng quý nhất, nhìn cách lão nâng niu bộ lễ phục của ngành sau khi thử mới thấy, lão trân trọng những gì liên quan đến ngành như thế nào.
Ngay cả khi về hưu, Lão để lại cho anh em chúng tôi những quyển sách quý mang về từ nước ngoài, nhưng, dứt khoát mang đi những cuốn kỷ yếu về ngành, những kỷ niệm do Viện trưởng trao tặng cho cá nhân lão, những bức ảnh chụp chung với đồng nghiệp,… thậm chí, Lão mang cả cái biển tên của Lão về. Tôi đùa với anh Nam: “Chú ấy nhường cho anh em mình mọi thứ, trừ tình yêu với ngành Kiểm sát, suy ra với chú ấy, anh em mình còn không bằng ngành đâu, chớ dại mà tranh giành người yêu với ông Mộc”.
Ngày ông Mộc về hưu, có lẽ là ngày tôi buồn nhất kể từ khi bước chân vào ngành đến giờ, còn lão cười khà khà an ủi, rồi sẽ có dịp gặp nhau, tôi những tưởng lão đùa. Ai ngờ, là thật, ông Mộc không chịu xa ngành thật, ông quyết định vào làm giảng viên trường Đại học kiểm sát Hà Nội, để tiếp tục được gắn bó với ngành Kiểm sát nhân dân.
Phải nói trong các lãnh đạo của tôi, ông là một trong những người chiều cấp dưới nhất, ông coi cấp dưới giống anh em, con cháu trong gia đình, bù lại, anh em trong đơn vị, từ những người cùng thời với ông cho đến những người sau ông đến vài thế hệ, đều dành cho ông những tình cảm trân trọng nhất, bật mí nhé, với phụ nữ, ông là quý ông đích thực đấy… Châm ngôn của ông là: Phụ nữ sinh ra để được nâng niu, chiều chuộng, chẳng ai nỡ đánh phụ nữ, cho dù là bằng một nhành hoa, chả thế mà chị em trong ngành cũng như ngoài ngành quý ông đến vậy.
Còn với tôi, quãng thời gian được làm việc với ông giống như đang sống trong gia đình với cha, chú của mình vậy. Tôi có thể tâm sự với ông những khó khăn trong cuộc sống, những thắc mắc về nghề nghiệp, mỗi lần như vậy, ông vừa là thính giả kiên nhẫn, vừa là người thầy tận tụy, hướng dẫn tôi từng ly từng tí. Nói cách khác, tôi đã từng là học sinh cá biệt của ông, lối hành văn của tôi bây giờ mặc dù chưa thật tốt, song, đã đỡ tệ hơn hồi mới vào ngành nhiều lắm. Còn nhớ khi đó, bác Đặng Văn Khanh, nguyên Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, đã nói với ông Mộc: “Này, có thời gian thì rèn thêm kỹ năng làm văn bản cho nó đi nhé, con bé này làm văn bản vẫn còn lơ ngơ lắm”, và tôi chính thức trở thành đệ tử của ông từ đó…
Cho đến bây giờ, tôi mới hiểu, “ông lão kiểm sát” đó đã vất vả với con bé tôi như thế nào, chưa kể, tôi còn khiến ông chịu đựng tài nấu nướng không lấy gì làm khá của mình, khi liên tục mời ông ăn những món do đích thân mình sáng tạo, nghĩ mà thương ông lão thật, vui vẻ ăn mà không dám chê, sợ con bé tủi thân.
Đến bây giờ, mặc dù ông đã nghỉ hưu khá lâu, nhưng những kỷ niệm của tôi về ông vẫn như mới, nhắm mắt lại, mở mắt ra, dường như lại thấy ông ngồi ở đó, nụ cười ấm áp, cúi đầu miệt mài trên máy tính viết nốt những dòng cuối… “ông Lão kiểm sát”
Hà Nội, ngày 14/4/2017
Trịnh Phương Thảo
Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học
“VKSND cấp cao khẳng định vai trò trong hệ thống VKSND mới”
-
1VKSND TP. Cần Thơ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt
-
2Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
-
3Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ)
-
4VKSND thị xã Điện Bàn trao tặng máy lọc nước cho trường cấp 1, cấp 2
-
5Quảng Nam: Ban Pháp chế HĐND làm việc với VKSND tỉnh
-
6VKSND quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch UBND quận về công tác phòng ngừa tội phạm cho lứa tuổi chưa thành niên
Bài viết chưa có bình luận nào.