Sẽ không có “Kỳ tích Bình Dương” nếu không có Becamex
(kiemsat.vn) Đó là nhận xét của PGS,TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trong tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” phiên toàn thể diễn ra vào sáng 20-4 tại Trung tâm Hội nghị Triễn lãm tỉnh Bình Dương.
Tỉnh Bình Dương cùng Becamex IDC bàn về định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2050
Độc đáo “Sân chơi đường phố” tại Thành phố mới Bình Dương thu hút đông đảo khán giả
Bình Dương: 25 năm chiến lược ngoại giao liên thành phố
PGS,TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trình bày tham luận tại Hội thảo |
Tuy nằm sát Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương phát triển nhất cả nước, song, xuất phát điểm của Bình Dương, một phần của tỉnh Sông Bé khi bước vào đổi mới, là rất thấp, điều kiện phát triển hết sức khó khăn. Được tách từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, Bình Dương trở thành tỉnh liền kề Thành phố Hồ Chí Minh và giáp tỉnh Bình Phước “xa xôi”. Vị trí “mới” này tạo cơ hội, đồng thời gây áp lực phát triển mạnh lên Bình Dương. Cộng hưởng cơ hội và áp lực phát triển tạo cho Bình Dương một vị thế mới, đặt tỉnh vào một tình thế phát triển khác. Trong bối cảnh đó, Bình Dương buộc phải thay đổi căn bản cách tiếp cận phát triển.
Thực chất vấn đề là ở chỗ: Bình Dương phải lựa chọn và triển khai một chiến lược phát triển mới bảo đảm khai thác tiềm năng và lợi thế vốn có nhưng hầu như chưa được “đánh thức” do không đủ nguồn lực và thiếu những điều kiện kích phát tối thiểu, biến chúng thành lợi thế cạnh tranh hiện thực. Đó là yêu cầu tối thượng, cũng là định hướng hành động có tính nguyên tắc cho mọi nỗ lực phát triển của Bình Dương cho đến tận hôm nay.
Ngay sau khi tách tỉnh, có hai thay đổi quan trọng diễn ra tại Bình Dương. Một là VSIP - Khu Công nghiệp kiểu mới, sáng kiến phát triển quan trọng có được từ sự hợp tác Việt Nam-Singapore – được vận hành thực tế và sớm được xác nhận là một hình mẫu thành công. Hai là “xin” cơ chế mới cho phát triển, tóm gọn trong công thức: “chỉ xin (Trung ương cho) cơ chế, không xin tiền”. Công thức phát triển này rất đơn giản, rõ ràng nhưng thực sự là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử trong nỗ lực thoát khỏi cơ chế “xin – cho” còn chưa thành công trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế (cho đến tận hôm nay). Đó thực sự là hai đột phá đúng nghĩa, nhằm vào hai tuyến “trục” của quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam: thị trường - mở cửa hội nhập quốc tế.
Dường như cho đến nay, vẫn chưa có địa phương nào làm quyết liệt và triệt để như Bình Dương, nhằm mục tiêu khó thực hiện bậc nhất là đoạn tuyệt với “lợi ích xin – cho”, hướng tới tự chủ nhiều hơn trong điều hành và quản lý quá trình chuyển đổi, nhằm tăng tính tự chịu trách nhiệm và chủ động đổi mới – sáng tạo. Sự thay đổi đó tăng động lực đổi mới mà sau 10 năm (kể từ 1986), “năng lượng” thúc đẩy cải cách và phát triển kinh tế thị trường đã bắt đầu suy giảm, cơ chế “xin – cho” có xu hướng phục hồi và gia tăng trở lại, cản trở nhip phát triển kinh tế theo logic thị trường.
Như thực tiễn cho thấy, sự thay đổi công thức phát triển của Bình Dương là rất đơn giản, cũng tương tự như nguyên lý đổi mới kinh tế ban đầu trên cả nước (chuyển sang “khoán hộ trong nông nghiệp” và “thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần”). Nhờ đơn giản mà đạt được hiệu quả: Bình Dương đã tạo được đột phá chiến lược, thực hiện bứt phá thành công và xác lập “kỳ tích phát triển”: duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục nhiều năm, thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, nhảy vọt “đẳng cấp” phát triển, vươn lên mức GRDP/người thuộc nhóm cao nhất nước. Từ một tỉnh nghèo, Bình Dương đã tiến kịp và đang “vượt” các địa phương đi trước, thậm chí đi đầu cả nước, tại nhiều phương diện chủ yếu.
Khi mới tái lập tỉnh, quy mô kinh tế Bình Dương chỉ đạt 3.919 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, quy mô kinh tế tỉnh đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997; tốc độ tăn trưởng GRDP theo giá so sánh giai đoạn 1997–2021 đạt 10,86%/năm; GRDP/đầu người vượt TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, vươn lên đứng thứ 3 cả nước.
Tháng 2/2022, Bình Dương được vinh danh là 1 trong 21 cộng đồng có Chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu trên thế giới (Smart 21) của năm 2022. Đây là lần thứ 4 Bình Dương lọt vào danh sách “Top Smart 21” của ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông Minh Thế giới)
Những thành tích trên mang bóng dáng của một kỳ tích phát triển. Và chỉ có thể giải thích nó bằng việc Bình Dương đã kiên trì theo đuổi thực thi một chiến lược phát triển thông minh, dựa chủ yếu vào cách tiếp cận đột phá, hướng tới đổi mới sáng tạo không ngừng và tiến vượt.
Hội thảo với tham luận của PGS,TS Trần Đình Thiên |
Đột phá chiến lược lần hai của Bình Dương diễn ra sau đó khoảng 10 năm, trên hai tuyến: một - triển khai VSIP2 theo logic mở; hai - xây dựng TP mới Bình Dương là Tổ hợp Đô thị - Công nghiệp – Dịch vụ hiện đại.
Tuy có vẻ ít gây “đột biến”, song về logic, cả hai nội dung đó vẫn bảo đảm nhất quán với tinh thần đột phá, vươn lên đẳng cấp phát triển mới. Chiến lược “thiên lệch Công nghiệp hóa” (“ồ ạt” thu hút đầu tư công nghiệp - công nghệ thấp, sử dụng lao động thiếu kỹ năng, tiền lương thấp và gây ô nhiễm môi trường), tuy vẫn phát huy hiệu lực tốt trong điều kiện Bình Dương, song Bình Dương đã sớm lựa chọn chuyển hướng sang nhấn mạnh vế “Hiện đại hóa” với ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp – công nghệ cao và phát triển đô thị hiện đại - ở đẳng cấp cao nhất là đô thị thông minh.
Việc thực thi chiến lược mới giúp Bình Dương khả năng “vượt trước” các nguy cơ gây ách tắc phát triển (điển hình là các vấn đề dân cư và đô thị) do cách phát triển thiên lệch CNH gây ra. Một trong những nguy cơ đó là vấn đề bùng nổ dân số - lao động của Bình Dương – việc thu hút một lượng lớn lao động di cư từ các địa phương khác (chiếm đến một nửa dân số Bình Dương, đều là lao động trẻ nhưng tiền lương thấp), tập trung cao độ vào một số địa bàn hẹp gắn với các Khu Công nghiệp, gây quá tải dân nhập cư, quá tải tập trung dân cư đô thị - tiền lương thấp, tạo ra những áp lực kinh tế - xã hội to lớn – là những vấn đề mà bản thân Bình Dương không thể giải quyết theo logic “đột phá lần 1”.
Chuyển ưu tiên phát triển sang hướng “Hiện đại hóa” là giải pháp chiến lược để giải quyết vấn đề. Và Bình Dương đã đúng khi lựa chọn sớm bước chuyển này.
Tuy nhiên, như chúng ta thấy, Bình Dương đã không thể thực hiện xong bước chuyển trước khi dịch covid bùng nổ. Hậu quả nặng nề do dịch Covid vừa qua gây ra cho Bình Dương cho thấy tác hại của sự chậm trễ chuyển đổi , song nó cũng góp phần chứng tỏ tính đúng đắn của quyết định “đột phá lần 2” của Bình Dương.
Mấy năm gần đây, Bình Dương ráo riết chuyển sang đột phá lần 3 với hai nội dung mới và khác. Một là xây dựng đô thị thông minh. Hai là triển khai VSIP 3 với định hướng tạo lập hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao. Cả hai nội dung này đều mang tính đột phá, được tích cực đẩy mạnh theo phong cách Bình Dương “lặng lẽ làm thật” chứ không quảng cáo ồn ào.
Việc xây dựng đô thị thông minh được Bình Dương “tự” triển khai trên thực tế từ mấy năm trước. Như đã nói, tuy thời gian chưa nhiều, song với cách làm triệt để tận dụng “lợi thế đi sau” đã giúp Bình Dương tiến vượt lên và đạt được kết quả vượt trội, xét cả theo tiêu chuẩn đua tranh thế giới ở đẳng cấp cao nhất.
Việc nỗ lực phát triển đô thị thông minh sớm sẽ giúp Bình Dương giải quyết hiệu quả hàng loạt vấn đề mang tính thời đại có độ thách thức rất cao: giao thông, y tế, giáo dục, logistic, … - tất cả đều phải là “thông minh”, tức là trên nền tảng công nghệ cao, môi trường sinh thái tốt và kết nối toàn cầu.
Trên thực tế, Bình Dương đang tự tin giải quyết các vấn đề “phát triển thông minh” tuy đang phải đương đầu với nhiều khó khăn và trở ngại không nhỏ. Việc “động thổ” VSIP-3 mới diễn ra cũng là một cách tuyên bố về quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới – hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao, khác hẳn về chất so với “hệ sinh thái công nghiệp đời cũ” đã từng được phát triển tại Bình Dương với các thế hệ VSIP-1 và -2, như Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ động thổ.
VSIP-3 chỉ được triển khai thành công với hàng loạt điều kiện, trong đó, quan trọng nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống giao thông kết nối Vùng và hệ sinh thái đổi mới – sáng tạo. Mặc dù Bình Dương đã chủ động tạo lập các điều kiện này khá sớm (đi trước), song việc bảo đảm chúng luôn giả định những nỗ lực phối hợp Vùng và tầm Quốc gia.
Thật may là chính Bình Dương, bằng lịch sử phát triển hiện đại của mình, đã thuyết phục tính đúng đắn của định hướng phát triển theo tinh thần chủ động đột phá, đổi mới sáng tạo và tiến vượt.
Có cơ sở để xác lập niềm tin về một sự đồng thuận trong cách nhìn về cách thức và kết quả phát triển của Bình Dương – không mang tính địa phương, dù là “địa phương xuất sắc nhất”, mà là một hình mẫu phát triển quốc gia. Với sự đồng thuận đó, một động lực phát triển mạnh mẽ, trực tiếp cho Bình Dương – là động lực thể chế - cơ chế ở tầm quốc gia, sẽ tạo sức thúc đẩy mạnh mẽ khác thường cho quá trình phát triển tương lai.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HDQT Becamex IDC tại Hội thảo |
Sẽ là thiếu sót rất lớn khi khảo cứu quá trình phát triển khác thường của Bình Dương nếu chú ý không đúng mức đến vai trò của Becamex. Becamex là một Tập đoàn Kinh tế nhà nước, là “Đại bàng Việt Nam đích thực”, đã lớn lên cùng Bình Dương và là một trong những yếu tố chủ chốt tạo lập nên thành công của Bình Dương. Becamex chính là lực lượng chủ công định hướng và định hình chân dung phát triển của Bình Dương suốt 25 năm qua. Đây là điều chưa Tập đoàn Kinh tế nào khác – cả tập đoàn kinh tế nhà nước lẫn tập đoàn tư nhân Việt Nam nào làm được ở bất cứ địa phương nào ngoài Bình Dương.
Không có Becamex, thật sự khó hình dung những cách làm đột phá, những thành tích bứt phá ngoạn mục của Bình Dương trong nỗ lực phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại theo đường lối “định hướng XHCN” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đưa ra nhận định này không phải để khẳng định “công lao” Becamex. Công lao đó thể hiện một cách hầu như là hiển nhiên trên thực tế. Điều nhấn mạnh ở đây là cần phải đúc kết kinh nghiệm và khái quát thành bài học về một cách phát triển kinh tế thị trường thành công với sự tham gia đúng nghĩa “chủ đạo” của doanh nghiệp nhà nước.
Chắc chắn việc tổng kết kinh nghiệm Bình Dương một cách hệ thống, khách quan và nghiêm túc, với vai trò xuyên suốt của Becamex – cũng hàm nghĩa cách nhìn và tầm nhìn phát triển của các thế hệ lãnh đạo Bình Dương - sẽ cung cấp nhiều tư liệu thực tiễn quý báu cho sự khái quát lý luận về cách chuyển đổi và phát triển kinh tế thị trường của
Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện đại. Còn nhiều điều về Bình Dương cần phải được mổ xẻ, phân tích và thảo luận một cách nghiêm túc, có hệ thống và theo nguyên tắc hướng tới tương lai. Bình Dương không đơn thuần là một kinh nghiệm phát triển địa phương. Bình Dương thực sự là một hình mẫu phát triển cho Việt Nam. Khẳng định này không phải để tôn vinh hay ca ngợi Bình Dương. Cần phải quan tâm đến và có cách nhìn lịch sử phát triển hiện đại của Bình Dương cũng như sự lựa chọn tương lai của tỉnh đúng tầm hơn.
Bài viết chưa có bình luận nào.