Rút kinh nghiệm án hành chính, lao động, hôn nhân và gia đình bị hủy, sửa trên địa bàn TP. Hà Nội
(kiemsat.vn) TAND TP. Hà Nội vừa phối hợp với VKSND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm án hành chính, lao động, hôn nhân và gia đình bị hủy, sửa của TAND hai cấp trên địa bàn TP. Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, hạn chế thấp nhất sai sót trong xét xử.
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Lưu Tuấn Dũng, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội; đồng chí Ngô Hồng Sơn và đồng chí Bùi Thị Hồng Anh, Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội.
Cùng dự Hội nghị, về phía TAND TP. Hà Nội có các đồng chí Chánh tòa Hành chính, Chánh tòa Lao động, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án; về phía VKSND TP. Hà Nội có các đồng chí trưởng, phó Phòng 9, Phòng 10 và các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Đồng chí Lưu Tuấn Dũng, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội; đồng chí Ngô Hồng Sơn và đồng chí Bùi Thị Hồng Anh, Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội tham dự Hội nghị. |
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2023 có 05 Bản án, Quyết định Hành chính (trong đó có 02 Bản án và 03 Quyết định đình chỉ) bị TAND cấp cao 1 tại Hà Nội và TAND tối cao tuyên hủy; chủ yếu là do cấp sơ thẩm xác định thời hiệu khởi kiện đã hết là không đúng, hoặc thiếu sót trong việc triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo đồng chí Lưu Tuấn Dũng, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án bị hủy là do nghiên cứu hồ sơ chưa toàn diện; vụ án khi bị hủy để xem xét giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm không chỉ ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử, trong đó có cá nhân của Thẩm phán, Kiểm sát viên trực tiếp giải quyết án và cả đơn vị có án bị hủy. Đồng thời, việc giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm sẽ gây phiền hà, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc của đương sự trong vụ án đó, thậm chí có nguy cơ gây mất niềm tin của nhân dân.
Do vậy, đồng chí Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội yêu cầu các Thẩm phán phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và xét xử. Đồng thời nhấn mạnh: Việc tổ chức rút kinh nghiệm không chỉ thực hiện trực tiếp đối với Thẩm phán giải quyết án bị hủy mà còn phải rút kinh nghiệm chung cho cả tập thể, từ đó rút ra được kinh nghiệm khi giải quyết những vụ án khác có nội dung tranh chấp tương tự để không mắc những sai lầm, thiếu sót.
Theo đồng chí Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội Lưu Tuấn Dũng (ảnh trên cùng), việc để xảy ra án hủy, sửa có lỗi chủ quan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán theo quy định tại Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TAND tối cao. |
Đồng chí Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội Lưu Tuấn Dũng cũng mong muốn trong thời gian tới, lãnh đạo hai ngành VKSND và TAND TP. Hà Nội tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
-
1Viện trưởng VKSND tối cao giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm của Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản
-
2Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
3Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8: Tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
4Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
5Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
6Điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Bài viết chưa có bình luận nào.