Ra sức phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa

26/05/2020 20:48

(kiemsat.vn)
Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2020) - Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tạp chí điện tử Kiểm sát sưu tầm, giới thiệu bài viết của đồng chí Hoàng Quốc Việt về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bài viết được trích trong cuốn Nội san Công tác Kiểm sát 7/1966.

“... Ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức ra giữa lúc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm đồng thời thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và bắt đầu thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất. Việc thành lập ngành Kiểm sát trong tình hình như vậy là một sự kiện quan trọng đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình củng cố và tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân, củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, chúng ta đã thấy rằng đây là một nhiệm vụ mới và phạm vi của nó lại rất rộng lớn. Kinh nghiệm ở nước ta về công tác này cũng còn ít ỏi. Trước tình hình đó, chúng ta đã đề ra phương châm đúng đắn là "vừa xây dựng, vừa chiến đấu", và phương châm này đã quán triệt toàn bộ hoạt động của ngành ta từ ngày thành lập cho đến nay.

Trước hết, về mặt xây dựng, ngay từ ngày đầu chúng ta đã chú trọng đến việc xây dựng quan điểm lập trường, tư tưởng cho cán bộ toàn ngành và coi đó là công tác quan trọng hàng đầu. Vì như chúng ta đã rõ, nghiệp vụ chuyên môn của ngành Kiểm sát không có gì khác là công tác chấp hành đường lối, phương châm, chính sách của Đảng; các vấn đề mà người cán bộ Kiểm sát phải giải quyết hàng ngày có vấn đề mâu thuẫn giữa địch ta, có vấn đề mâu thuẫn giữa nội bộ nhân dân, cũng có vấn đề đấu tranh gay gắt giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Cách giải quyết của mỗi vấn đề đều phản ánh quan điểm, lập trường, phương pháp tư tưởng của người giải quyết. Vấn đề được giải quyết đúng hay sai là tuỳ thuộc ở trình độ chính trị của người cán bộ. Cũng do bản chất công tác kiểm sát là công tác chính trị như vậy cho nên chúng ta đã quan tâm đặc biệt và thường xuyên đến việc bồi dưỡng đường lối chính sách của Đảng, nhằm nâng cao lập trường giai cấp vô sản cho cán bộ Kiểm sát, đồng thời nghiêm khắc phê phán tư tưởng pháp lý đơn thuần, đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện của ảnh hưởng tư tưởng pháp lý tư sản và xét lại, nhằm đảm cho ngành ta thực sự là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng.

Ngoài ra, chúng ta còn chú trọng không ngừng nâng cao tính giai cấp, tính tiền phong cách mạng cho cán bộ Kiểm sát, vì công tác bảo vệ pháp chế của ngành ta có tính chiến đấu cao. Lênin đã nói: "Uỷ viên công tố có quyền và có bổn phận chỉ làm một công việc mà thôi tức là: Làm thế nào cho trong toàn nước cộng hoà có một sự nhận thức nhất trí vè pháp chế, dù là ở các địa phương có những đặc điểm và những ảnh hưởng như thế nào chăng nữa", và "Uỷ viên công tố chịu trách nhiệm về điều sau đây: Bất cứ quyết định nào của bất cứ một cơ quan hành chính địa phương nào cũng tuyệt nhiên không được đi ngược lại pháp luật, và chỉ có trên quan điểm đó, Uỷ viên công tố mới có trách nhiệm kháng nghị đối với mọi quyết định ngược lại với pháp luật". Thực hiện được tốt nhiệm vụ bảo vệ pháp chế mà Lênin đề ra trên đây không phải là một việc làm dễ dàng và đơn giản, vì đấu tranh để cho pháp chế được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất trong hoàn cảnh của nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, là cả một cuộc đấu tranh gay go để xoá bỏ lề lối làm ăn tự do, tuỳ tiện, thủ công nghiệp, nhằm xây dựng nề nếp làm ăn có tổ chức, có khoa học, theo đúng những quy định cụ thể của luật pháp trên cơ sở của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Muốn làm được điều đó, người cán bộ Kiểm sát chúng ta phải có tinh thần chiến đấu và ý thức tổ chức và kỷ luật, tinh thần trách nhiệm rất cao. Có như vậy chúng ta mới có thể hoàn thành được tốt đẹp nhiệm vụ khó khăn phức tạp nhưng đầy vinh quang của mình.

Trong công tác, chúng ta còn chú trọng xây dựng quan điểm quần chúng cho cán bộ toàn ngành, làm cho mọi người thấy rõ pháp luật chỉ có ở trong tay nhân dân thì mới được chấp hành chính xác, thì mới có thể phát huy được đầy đủ uy lực của nó. Do đó trong mọi hoạt động của mình, người cán bộ Kiểm sát phải biết tin tưởng ở quần chúng, dựa hẳn vào quần chúng, làm cho quần chúng hiểu biết luật pháp, nghiêm chỉnh bảo vệ luật pháp, lấy luật pháp làm vũ khí để tự mình tham gia chuyên chính với địch, đấu tranh chống các tội phạm và vi phạm pháp luật. Cũng do nhiệm vụ của Kiểm sát là gìn giữ pháp chế, và nền pháp chế đó là công cụ quan trọng của Đảng để nâng cao sự giác ngộ chính trị, tư tưởng và đạo đức cho cán bộ và nhân dân nên chúng ta luôn luôn chăm lo làm sao cho người cán bộ Kiểm sát không những phải vững vàng về chính trị mà còn phải có đạo đức xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta đã chú trọng đến việc trau dồi đạo đức cách mạng cho cán bộ Kiểm sát, làm cho mọi người cán bộ Kiểm sát phải có những đức tính: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn như Bộ Chính trị đề ra cho ngành ta.

Để đảm bảo cho cán bộ Kiểm sát vừa đỏ lại vừa chuyên, ngay từ thành lập chúng ta đã mở nhiều lớp bổ túc nghiệp vụ ở trung ương cũng như ở địa phương, đồng thời tổ chức những hội nghị chuyên đề để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành. Đi đôi với việc xây dựng tư tưởng và nghiệp vụ cho cán bộ, chúng ta cũng đã chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức, luôn luôn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với ngành Kiểm sát. Trong đường lối xây dựng tổ chức, chúng ta luôn luôn đảm bảo nguyên tắc tập trung và thống nhất, nguyên tắc do Lênin đề ra cho ngành Kiểm sát Liên Xô. Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc này, qua từng thời kỳ, chúng ta đã tiến hành nhiều đợt cải tiến tổ chức, cải tiến chế độ công tác, chế độ làm việc cho với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phù hợp với tình hình pháp chế và trình độ tổ chức của ta.

Song song với những công tác xây dựng trên đây, trong 6 năm qua, ngành ta luôn luôn phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm đi vào công tác chiến đấu, chúng ta đã vừa làm vừa rút kinh nghiệm đồng thời lại tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm công tác kiểm sát của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, để vận dụng một cách sáng tạo vào tình hình thực tế nước ta, tự xây dựng cho mình một đường lối công tác kiểm sát có tính chất Việt Nam. Với quyết tâm khắc phục khó khăn, với tinh thần học hỏi, từng bước trong quá trình chiến đấu, ngành ta đã thu được những kết quả nhất định trong công tác. Năm 1963, nhận định về công tác kiểm sát, Bộ Chính trị trong Nghị quyết 68 có nêu rõ: "Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Kiểm sát nhân dân được ổn định dần về mặt tổ chức, bắt đầu phát huy được tác dụng trong công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn phạm tội hình sự khác, trong việc ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân; Công tác Kiểm sát đã hướng vào việc phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, đã giúp cho cấp uỷ Đảng phát hiện và ngăn chặn được một số việc làm không đúng chính sách và pháp luật".

Được nghị quyết của Trung ương soi sáng, chúng ta lại càng thêm tin tưởng để ra sức phát huy hơn nữa khả năng của mình nhằm vượt mọi khó khăn đi vào các mặt công tác.

Trước hết, chúng ta đã biết tập trung mũi nhọn của pháp luật vào bọn phản cách mạng, và đã cùng với các ngành chuyên chính khác ra sức góp phần tích cực vào việc trấn áp kịp thời những hoạt động phá hoại của bọn này. Chúng ta đã nhận thức được rặng một trong những chức năng chủ yếu của nền chuyên chính vô sản là phải dùng bạo lực trấn áp mọi kẻ thù để bảo vệ thành quả cách mạng. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc chúng ta tuy có nhiều thuận lợi nhưng vẫn là cuộc đấu tranh giai cấp gay go và phức tạp trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hoá và tư tưởng. Trong cuộc đấu tranh giai cấp đó nhất định xẩy ra sự chống đối của những phần tử phản cách mạng căm thù chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, và sự chống đối đó đã trở nên ngày càng gay gắt trong tình hình cả nước có chiến tranh; cho nên ngành ta đã coi nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mình.

Đi đôi với việc thực hiện chuyên chính mạnh mẽ với địch, chúng ta chú trọng đến việc thực hiện dân chủ với nhân dân và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành ta phải đặc biệt quan tâm.

Trước đây, khi nói đến vấn đề dân chủ, cũng đã có đồng chí băn khoăn cho rằng ngành ta là một ngành chuyên chính, nay chú trọng nhiều đến vấn đề dân chủ như vậy có đúng không, nhưng thực tế đã chứng minh nỗi băn khoăn trên đây là không chính xác. Qua đấu tranh bảo vệ pháp chế, chúng ta ngày càng nhận rõ vấn đề dân chủ có một ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn và ngày càng thấm thía với nhận định của Bộ Chính trị trong bản báo cáo đọc trước Đại hội Đảng lần thứ III là: "Vấn đề giữ vững tính chất dân chủ của Nhà nước, vấn đề mở rộng dân chủ cho nhân dân không phải chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà còn là vấn đề có quan hệ đến sự tồn tại và sự phát triển của bản thân Nhà nước".

Thực vậy, qua công tác kiểm sát, chúng ta càng thấy rõ có thực hiện dân chủ với nhân dân, có giáo dục nhân dân nâng cao ý thức làm chủ của mình, có đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện vi phạm quyền dân chủ, chúng ta mới phát động được quần chúng hoàn thành tốt đẹp mọi nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra, mới tiến hành tốt công tác trấn áp bọn phản cách mạng và đấu tranh có hiệu quả chống lại mọi loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác. Qua thực tiễn đấu tranh, chúng ta ngày càng có nhận thức sâu sắc về mối quan hệ khăng khít giữa chuyên chính với dân chủ và vai trò to lớn của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong việc đấu tranh bảo vệ pháp chế nói riêng.

Trong quá trình hoạt động của mình, chúng ta cũng đã luôn luôn chú trọng đến công tác bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và ngày càng thấy rõ ý nghĩa quan trọng của công tác này đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bằng mọi khâu nghiệp vụ kiểm sát, chúng ta đã phát hiện được tình trạng lãng phí, tham ô ở nhiều nơi cơ sở sản xuất như hợp tác xã, xí nghiệp, công nông trường, góp ý kiến với các cơ quan hữu quan để có biện pháp sửa chữa. Qua công tác đấu tranh chống tệ nạn lãng phí, tham ô không những chúng ta đã tích cực giúp đỡ được một số ngành trong việc cải tiến công tác quản lý sản xuất, cải tiến công tác chỉ đạo, nâng cao được ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp chế, mà ở một số nơi bước đầu chúng ta đã thực hiện được tốt nhiệm vụ làm tham mưu cho cấp uỷ trong việc chỉ đạo sản xuất và phát triển kinh tế địa phương. Cũng qua công tác đấu tranh chống tệ nạn lãng phí, tham ô, một số Viện kiểm sát đã báo cáo kịp thời với cấp uỷ tình hình cán bộ đảng viên phạm pháp, giúp cấp uỷ có biện pháp giáo dục đảng viên, ngăn ngừa những hiện tượng phạm pháp trong đảng viên. Bằng việc làm này, chúng ta đã góp phần vào việc bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên.

Ngoài ra, chúng ta cũng đã chú ý đến công tác kiểm sát xét xử dân sự để góp phần vào việc cải thiện quan hệ hôn nhân và gia đình cũ, củng cố quan hệ hôn nhân và gia đình mới.

Đầu năm 1965, sau những chiến thắng to lớn của quân và dân miền Nam, đế quốc Mỹ, để hòng cứu vãn nguy cơ thất bại thảm hại của chúng ở miền Nam, đã mở đầu việc leo thang ra đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Tình hình đó đã đặt nước ta vào tình trạng cả nước có chiến tranh. Được các Nghị quyết 11, 12 của Trung ương Đảng soi sáng, ngành ta đã kịp thời đề ra phương hướng và nhiệm vụ mới cho toàn ngành là: Công tác kiểm sát phải góp phần xây dựng và củng cố miền Bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Chúng ta đã hướng mũi nhọn của pháp luật vào bọn gián điệp biệt kích và các phần tử phản cách mạng khác đồng thời chú trọng ngăn ngừa các tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, củng cố vững chắc kỷ luật ở hậu phương, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, để kịp thời góp phần vào việc động viên mọi người phát huy tinh thần phấn khởi cách mạng, tinh thần yêu nước, ra sức làm tròn nghĩa vụ công dân trong thời chiến. Quán triệt phương hướng và nhiệm vụ đúng đắn trên đây, với tinh thần thi đua mỗi người làm việc bằng hai, nhiều Viện kiểm sát địa phương, nhất là Viện kiểm sát cấp huyện, đã không ngại khó khăn nguy hiểm do những trận bắn phá ác liệt của địch gây ra, đã phát huy nhiều sáng tạo trong công tác, ra sức phục vụ tích cực và kịp thời  những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ở địa phương, ngày càng tranh thủ được sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp uỷ, phát huy được tác dụng của công tác kiểm sát vào việc phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân.

Nhìn lại trong 6 năm qua, từ bước đi chập chững lúc ban đầu, đến nay chúng ta ngày càng trưởng thành trong công tác. Đó là một quá trình gian khổ vừa học vừa làm, và đó cũng là kết quả của việc vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của Lênin về công tác kiểm sát vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Qua 6 năm vừa xây dựng vừa chiến đấu, kết quả chung mà ngành ta đã đạt được là: Thông qua công tác kiểm sát, chúng ta đã góp phần tích cực cùng các ngành chuyên chính khác vào việc đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nâng dần vị trí và vai trò của pháp chế trong sinh hoạt xã hội, làm cho nhiều cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, công nông trường, hợp tác xã cũng như cán bộ và nhân dân dần dần nhận rõ được tác dụng của luật pháp đối với việc đẩy mạnh và bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đối với việc nâng cao trình độ sản xuất và quản lý sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân. Chúng ta sở dĩ đạt được những thành tích đó trước hết là nhờ ở sự nỗ lực của bản thân chúng ta, ở tinh thần cách mạng sẵn có trong mỗi người cán bộ kiểm sát, và đặc biệt là nhờ ở sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng và các cấp uỷ địa phương, sự phối hợp và giúp đỡ tận tình của các ngành bạn.

Nhìn chung, trong 6 năm qua, chúng ta đã có những thành tích nhất định, nhưng những thành tích đó còn hạn chế, những mặt tiến bộ của chúng ta chưa phải đã đều khắp ở tất cả các Viện kiểm sát địa phương cũng như tất cả các đơn vị trên Viện kiểm sát tối cao, có địa phương hoặc đơn vị được mặt này nhưng chưa được mặt kia. Hiện nay, đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới, đứng trước cuộc đấu tranh cách mạng gay go, gian khổ và vô cùng phức tạp, chúng ta phải thấy cho hết những vấn đề tồn tại để ra sức khắc phục những thiếu sót của chúng ta, để đẩy mạnh công tác hơn nữa; có như vậy ngành ta mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng trước mắt.

 ... Nhằm phát huy đầy đủ tác dụng của công tác kiểm sát trong tình hình mới, làm cho ngành Kiểm sát thực sự xứng đáng là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, chúng ta cần:

1- Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị và tư tưởng bao gồm giáo dục đường lối chính sách của Đảng, nâng cao tính giai cấp, tính tiền phong và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ toàn ngành. Qua thực tế công tác, nhất là qua đợt học tập chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc bảo vệ Đảng, chúng ta càng thấy rõ có nâng cao những phẩm chất trên đây chúng ta mới có đầy đủ nghị lực và tinh thần kiên quyết đấu tranh để trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tăng cường việc bồi dưỡng ý thức tổ chức và kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ toàn ngành, làm cho mỗi người chúng ta phải có tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm cao, có đầy đủ những đức tính cần thiết của người cán bộ Kiểm sát là: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.

Muốn cho công tác giáo dục chính trị và tư tưởng được thực hiện tốt, việc trước hết là chúng ta phải tăng cường sinh hoạt chính trị và tư tưởng của  chi bộ Đảng ở cơ quan. Hiện nay, nhiều chi bộ đang tiến hành xây dựng chi bộ 4 tốt. Đây là một dịp tốt để chúng ta nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ nhằm tăng cường công tác giáo dục thường xuyên về chính trị và tư tưởng cho Đảng viên, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình trong chi bộ, giúp cho đảng viên kịp thời hiểu được tình hình và nhiệm vụ mới, nắm được đường lối chính sách của Đảng, bồi dưỡng ý chí phấn đấu, phẩm chất và đạo đức cách mạng cho đảng viên, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đối với cán bộ ngoài Đảng, chi bộ cần phải phối hợp với chính quyền và công đoàn để có kế hoạch theo dõi giúp đỡ về các mặt: Quan điểm lập trường giai cấp và đạo đức xã hội chủ nghĩa, tác phong công tác.

2- Về mặt nghiệp vụ, chúng ta cần tăng cường hơn nữa kiểm  tra của trên đối với dưới để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong việc chấp hành chính sách và pháp luật cũng như trong vấn đề về tư tưởng đạo đức và tác phong của cán bộ.

3- Khi giải quyết công việc, chúng ta phải biết vận dụng chính sách, sách lược cho chính xác. Trong những vấn đề thuộc về mâu thuẫn địch ta, chúng ta phải thực hiện phương pháp chuyên chính mạnh mẽ, thẳng tay trừng trị bọn phản cách mạng, có hình phạt thật nghiêm khắc đối với bọn cầm đầu và có sách lược phân hoá cao đối với bọn tay chân. Trong những vấn đề thuộc về nội bộ nhân dân, chúng ta phải lấy phương pháp thuyết phục, giáo dục làm chính, mạnh dạn áp dụng nhiều biện pháp xử lý có tình, nhưng đối với nhân dân lao động nhất thời phạm pháp nhẹ nên mạnh dạn đưa về cho các tổ chức quần chúng giúp đỡ, phê phán để cải tạo, giáo dục họ, tránh áp dụng đơn thuần phương pháp trừng trị, bỏ tù để giải quyết.

4- Trong hoàn cảnh mới, mọi mặt công tác của chúng ta đều có nội dung và yêu cầu mới. Để đáp ứng yêu cầu đó, chúng ta cần có kế hoạch công tác có trọng tâm trọng điểm, đẩy mạnh việc rút kinh nghiệm, chú trọng đến công tác nghiên cứu, kịp thời đề xuất những vấn đề mới, tích cực góp phần vào việc xây dựng pháp luật, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu đối với cấp uỷ. Trong công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, chúng ta cần có nhận thức đầy đủ hơn nữa về chức năng của ngành, biết vận dụng một cách có kết quả nhất các khâu nghiệp vụ kiểm sát để thực hiện tốt phương châm: Chính xác, triệt để và kịp thời. Để thích hợp với tình hình khẩn trương của thời chiến, chúng ta còn phải chú trọng cải tiến lề lối làm việc. Hiện nay cuộc chiến tranh còn có thể kéo dài, chúng ta sẽ còn gặp nhièu khó khăn trong hoàn cảnh sơ tán, mỗi người chúng ta cần phải có kế hoạch chấn chỉnh lề lối làm việc để phấn đấu nâng cao năng suất công tác.

5- Trong hoàn cảnh mới, cán bộ kiểm sát cần phải ra sức bồi dưỡng hơn nữa quan điểm quần chúng trong công tác của mình, đi sát cơ sở, dựa vào quần chúng để làm án và xử lý các vi phạm pháp luật, xây dựng công tác kiểm sát trên cơ sở của đông đảo quần chúng, kết hợp chặt chẽ việc đấu tranh bảo vệ pháp chế với toàn bộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân. Bồi dưỡng quan điểm quần chúng không những là cơ sở để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác mà còn là cơ sở để chúng ta nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, cải tạo tác phong, tự bồi dưỡng cho mình những đức tính không thể thiếu được của người cán bộ kiểm sát là: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn...”

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang