Quy định quan hệ phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự

10/02/2025 21:44

(kiemsat.vn)
Ngày 15/01/2025, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và TAND tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2025/TTLT-BCA-BQP-BTP-BNN&PTNT-BTC-VKSNDTC-TANDTC (Thông tư liên tịch số 01/2025) quy định quan hệ phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.

Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư là những cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; cá nhân, tổ chức giám định tư pháp; cơ quan, tổ chức khác có liên quan và phải tuân thủ các nguyên tắc phối hợp quy định tại Điều 3 Luật Giám định tư pháp.

Đồng thời, việc phối hợp trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định phải đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác, đúng quy định pháp luật; quá trình phối hợp không gây cản trở, kéo dài, ảnh hưởng đến tính chính xác, kịp thời trong giải quyết vụ án, vụ việc; bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, hiệu quả quyền và nghĩa vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phối hợp thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.

Cạnh đó, công tác thông tin, phối hợp phải tuân thủ quy định của pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, kịp thời, trách nhiệm, hiệu quả. Đặc biệt phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật. Cụ thể các phương thức thông tin, phối hợp được Thông tư quy định: Trao đổi trực tiếp, gửi văn bản giấy, văn bản điện tử, tổ chức phối hợp kiểm tra liên ngành; cung cấp thông tin, số liệu trưng cầu giám định, tiến hành giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định và các thông tin tài liệu khác có liên quan đến hoạt động giám định trong tố tụng hình sự; trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã trưng cầu giám định giải quyết hoặc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết…

Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thu thập đối tượng cần giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định, cung cấp cho cá nhân, giám định tư pháp trưng cầu. Từ đó, căn cứ tính chất, nội dung, yêu cầu cần chứng minh của vụ án, vụ việc để dự kiến nội dung cần giám định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu… Đối với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về những lĩnh vực chuyên môn được giám định theo chức năng, nhiệm vụ, năng lực, điều kiện thực hiện của cá nhân, tổ chức mình khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị và có quyền từ chối giám định trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 24, Điều 34 Luật giám định tư pháp…

Thông tư liên tịch số 01/2025 gồm 10 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2025. Theo đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng; Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp; Vụ pháp chế và quản lý khoa học VKSND tối cao; Vụ pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao sẽ là đầu mối thuộc cấp trung ương tham mưu, tổ chức triển khai.

Hằng năm, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, Bộ Tài chính, VKSND tối cao, TAND tối cao và cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tại cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương; Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, VKSND tối cao, TAND tối cao và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc tiếp nhận, thực hiện giám định của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương…

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang