Quy định mới về chế độ công tác phí

17/05/2017 04:45

(kiemsat.vn)
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2017.

Nguồn kinh phí để chi cho công tác phí

Theo đó, quy định rõ nguồn kinh phí để chi công tác phí, chi hội nghị là;

– Ngân sách nhà nước;

– Nguồn thu phí được để lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

– Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập;

– Nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Quy định mới về chế độ công tác phí Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Chế độ công tác phí với cán bộ, công chức, viên chức

Về thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện đi công tác, Thông tư nêu rõ:

– Đối với cán bộ, công chức, viên chức không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nhưng nếu đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã còn lại) mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Ngoài ra, mức phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác là 200.000 đồng/ngày.

– Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày) thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Căn cứ theo số giờ thực tế đi công tác trong ngày, theo thời gian phải làm ngoài giờ hành chính (bao gồm cả thời gian đi trên đường), quãng đường đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Quy định mới về chế độ công tác phí Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Ngoài ra cũng quy định cụ thể về thanh toán công tác phí theo hình thức khoán, đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại:

– Đi công tác ở quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh thì mức khoán là 450.000 đồng/ngày/người;

– Đi công tác tại huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh, mức khoán là 350.000 đồng/ngày/người;

– Đi công tác tại các vùng còn lại, mức khoán là 300.000 đồng/ngày/người.

Trong trường hợp người đi công tác không nhận thanh toán theo hình thức khoán thì được thanh toán theo giá thuê phòng thực tế (có hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật) do thủ trưởng cơ quan, đơn vị duyệt.

Đối với cán bộ cấp xã thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng; cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị còn lại phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng như:

– Văn thư;

– Kế toán giao dịch;

– Cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra rừng;

– Cán bộ các cơ quan tố tụng đi điều tra, kiểm sát, xác minh, tống đạt và các nhiệm vụ phải thường xuyên đi công tác lưu động khác;

Thì tuỳ theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định mức khoán tiền công tác phí theo tháng cho người đi công tác lưu động để hỗ trợ tiền gửi xe, xăng xe theo mức 500.000 đồng/người/tháng và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Anh Minh

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang