Quốc hội khóa XIV: Giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn

18/02/2021 10:41

(kiemsat.vn)
Bước sang năm 2021, Quốc hội khóa XIV đã đi gần hết chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2021. Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cho thấy Quốc hội đã có những bước chuyển biến rõ rệt, đổi mới, hiệu quả, niềm tin của Nhân dân được nâng cao. Những kinh nghiệm, kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV là nền móng quan trọng, vững chắc để Quốc hội khóa XV kế thừa và phát triển.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ

Quốc hội có 03 chức năng chính được Hiến pháp ghi nhận đó là lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đặc biệt là năm 2020, đã cho thấy Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước không chỉ đúng, trúng mà còn rất kịp thời, giải quyết được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Những quyết sách của Quốc hội đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách như: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 03 năm quốc gia, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm;... Những nội dung này nhằm bảo đảm tính tổng thể, có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách. Các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, chính sách tiền tệ và tài khoá được xem xét thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, đặc biệt do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời quyết định mới hoặc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm, nhất là các vấn đề kinh tế - xã hội “nóng”, nổi bật, mới phát sinh. Có thể kể đến như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước; cho kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021 để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới; chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Đặc biệt vào tháng 4/2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, hàng triệu người lao động và các đối tượng yếu thế khác chịu ảnh hưởng nặng nề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp bất thường cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống tối thiểu của một bộ phận người dân trong tình hình sản xuất, lao động bị hạn chế, làm căn cứ để Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết.

Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, công trình quan trọng quốc gia như: đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Để triển khai chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 23 tỉnh, thành phố và  sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngoài những vấn đề nêu trên, trong giai đoạn này Quốc hội cũng đã ban hành nhiều quyết định về công tác nhân sự trong đó có việc cho thôi hoặc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với một số trường hợp bị thi hành kỷ luật hoặc có vi phạm bị khởi tố bị can, bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra. Những quyết định về công tác nhân sự được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành một cách chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục luật định, thể hiện sự nghiêm minh, có sự phối hợp chặt chẽ trong quy trình công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước và tạo sự đồng thuận cao, được Nhân dân và cử tri ủng hộ.

Có được những kết quả nổi bật này trước hết là nhờ quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Quốc hội, tạo không khí dân chủ và phát huy trí tuệ của đại biểu. Kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 75 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, không ngừng cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Những quyết sách của Quốc hội đều phản ánh rõ tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Đây cũng là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân ủy thác.

Dẫu cho việc quyết định các vấn đề quan trọng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như còn có nội dung còn chưa bảo đảm tiến độ về thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra; đại biểu Quốc hội có lúc chưa được cung cấp thông tin đầy đủ, thiếu thời gian nghiên cứu chuyên sâu; chưa có quy định cụ thể về những tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu mang tính định hướng, khó phân định những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội hoặc giao Chính phủ, chưa có quy định phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động lớn....Nhưng những vấn đề này đều được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chỉ ra trong các báo cáo nội dung cụ thể cũng như báo cáo công tác. Điều này cho thấy sự chủ động đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khắc phục, cải tiến, nâng cao chất lượng. Đây sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu cho Quốc hội khóa sau./.

Tầm nhìn của Đảng qua Văn kiện Đại hội XIII

(Kiemsat.vn) - Tầm nhìn là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu về năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo, của một đảng chính trị, nhất là đảng cầm quyền.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây tại Hoàng thành Thăng Long

(Kiemsat.vn) – Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, sáng 17/2 (tức mùng 6 Tết Tân Sửu), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương tưởng niệm các bậc tiền nhân và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long ở thủ đô Hà Nội.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang