Quốc hội đề nghị đẩy mạnh xã hội hoá, mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý

11/11/2016 03:21

(kiemsat.vn)
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 10/11/2016 Quốc hội thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Quốc hội tán thành nhưng còn nhiều băn khoăn

Việc xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, những đặc thù, đặc điểm mới của xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý này khác với xã hội hóa trong dịch vụ công hiện nay khiến nhiều Đại biểu tán thành nhưng còn băn khoăn. Có ý kiến cho rằng, cùng với quy định đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, cần bổ sung quy định về vị trí, vai trò của nhà nước theo hướng thay vì làm nòng cốt cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thì nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý, điều phối và tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo nguồn lực cần thiết cho hoạt động này.

Có đại biểu chỉ ra điểm mâu thuẫn của dự luật này với Luật luật sư. Theo đó, Luật Luật sư quy định, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước. Tuy nhiên, với quy định của dự luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) thì luật sư được quyền cá nhân ký hợp đồng.

Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về những nội dung trên, nêu rõ: “Xã hội hóa ở đây không hiểu theo nghĩa như trong các lĩnh vực khác là Nhà nước không làm nữa mà để khối ngoài Nhà nước làm và thu tiền. Xã hội hóa ở đây cũng không phải Nhà nước khoán kinh phí chuyển từ chỗ này sang chỗ khác làm. Xã hội hóa ở đây là xã hội mà thu hút nếu đáp ứng yêu cầu về chất lượng (kèm theo), ở đây có cơ chế ký hợp đồng,cơ chế ngân sách. Ở đây không có gì mâu thuẫn với Luật Luật sư cả. Nếu ký hợp đồng thì theo Quy định Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật thì phải theo quy định của Luật này”.

bt_le_thanh_long-giai_trinh_y_kien_db

Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội

Đề nghị mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) ý kiến, khi nghiên cứu kỹ dự thảo luật mới thấy diện người được trợ giúp pháp lý bị thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành, đặc biệt với một số nhóm yếu thế quy định trong Luật Người khuyết tật và Luật Trẻ em. Như vậy, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng, đã làm thu hẹp đáng kể phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân.

Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Lý Minh Đức (Lý Đức) – Sóc Trăng lại dẫn lời Phật dạy trong phần phát biểu của mình. Thượng toạ tán thành với việc mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định điều kiện là phải có hoàn cảnh khó khăn về tài chính đối với người khuyết tật và trẻ em mới được trợ giúp pháp lý là chưa phù hợp. Do đó, Đại biểu cho rằng, đối tượng người khuyết tật và trẻ em là những người yếu thế trong xã hội cần được trợ giúp pháp lý trong mọi hoạt động pháp lý.

Nhà phật chúng tôi thường nói “Ai ơi hãy tạo phước lành, kiếp này chẳng được, để dành kiếp sau. Nước sông ra biển biển đầy, kẻ người bố thí có ngày thành công. Giúp người cho đến cuối cùng, giúp nhau giữa chừng biết đường nào đi”. Do đó, đề nghị bỏ cụm từ “có hoàn cảnh khó khăn về tài chính” tại Điều 7 để người thương tật và trẻ em luôn được giúp đỡ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

201611101451247777_ndn_0223-thu%cc%9bo%cc%9b%cc%a3ng-to%cc%a3a-ly-minh-du%cc%9bc-soc-tra%cc%86ng

Đại biểu QH, Thượng Toạ Lý Minh Đức – Sóc Trăng

Tại điều này dự thảo quy định người được trợ giúp pháp lý là đối tượng người thuộc hộ nghèo, bị buộc tội và trẻ em bị buộc tội, người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội mới được trợ giúp pháp lý là không phù hợp. Theo Thượng toạ thì các đối tượng này cần được trợ giúp pháp lý cho mọi trường hợp kể cả người bị hại trong các lĩnh vực hình sự. Do đó đề nghị không quy định các đối tượng nêu trên bị buộc tội mới được trợ giúp pháp lý và nên quy định các đối tượng này được trợ giúp pháp lý trong mọi trường hợp có liên quan đến hoạt động pháp lý không chỉ riêng lĩnh vực hình sự và bị buộc tội mới được trợ giúp pháp lý.

Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 chương, 49 điều do Uỷ ban tư pháp Quốc hội đưa ra xin ý kiến trình Quốc Hội trong phiên họp ngày 10/11/2016 nhưng còn nhiều ý kiến các đại biểu chưa kịp trình bày sẽ được gửi về Thư ký Đoàn để Uỷ ban giải trình sau.

Sơn Tùng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang