Phú Yên: Vì sao VKSND huyện Sơn Hòa kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm của Tòa án cùng cấp?
(kiemsat.vn) VKSND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên vừa ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm của TAND cùng cấp. Nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát là hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại. Vì sao lại như vậy?
Bàn về cơ sở và điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Nâng cao hiệu quả hoạt động thu thập chứng cứ điện tử phục vụ điều tra các vụ án đánh bạc sử dụng công nghệ cao
Về thẩm quyền xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự
Theo cáo trạng của VKSND huyện Sơn Hòa, Đặng Mộng Chẩn (SN 1983, trú tại thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, Phú Yên) được Phạm Xuân Trung thuê vận chuyển lâm sản trái phép từ tỉnh Gia Lai về huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Chẩn thuê Lê Minh Luân (SN 1998, trú tại thôn Kinh Tế II, xã EaTrol, huyện Sông Hinh, Phú Yên) và Huỳnh Quang Huy (sinh ngày 14/5/2005, trú tại thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, Phú Yên) tham gia vận chuyển lâm sản trái phép, trả tiền công từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Tối ngày 20/8/2022, Chẩn điều khiển xe ô tô 16 chỗ (không có biển kiểm soát) của Chẩn chở Luân, Huy và xe mô tô đi đến xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai để bốc gỗ lên xe. Đến nơi, Trung, Chẩn, Luân, Huy cùng bốc gỗ lên xe ô tô, khi bốc được khoảng 3 khúc gỗ, Chẩn nói Huy điều khiển xe mô tô đi xuống trước để canh lực lượng Công an và Kiểm Lâm, nếu phát hiện thì báo cho Chẩn và Luân biết.
Khoảng 01 giờ 00 ngày 21/8/2022, Chẩn điều khiển xe ô tô chở Luân và 14 khúc gỗ xẻ hộp là gỗ ké, nhóm V, gỗ thuộc loài thông thường, có khối lượng 1,181 m3 (không có giấy đăng ký). Huy điều khiển xe mô tô đi trước đến đèo Trà kê, xã Sơn Hội thì phát hiện có xe ô tô của lực lượng Kiểm lâm đang chạy lên nên gọi điện báo cho Luân biết. Luân hỏi Chẩn giờ làm sao, Chẩn nói Luân nói với Huy quay xe mô tô lại chạy sau lạng lách ngăn cản lực lượng chức năng để cho xe gỗ chạy xuống, Huy đồng ý. Lúc này, Chẩn tiếp tục điều khiển xe ô tô chạy đến khu vực trước nhà thờ Trà Kê thuộc thôn Tân Hội, xã Sơn Hội thì gặp Tổ công tác liên ngành Công an xã Sơn Hội, Hạt kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa, đang dùng cờ, còi, đèn pin ra hiệu lệnh cho Chẩn dừng xe ô tô để kiểm tra. Chẩn không chấp hành mà tiếp tục điều khiển xe ô tô bỏ chạy. Thấy vậy, Tổ công tác sử dụng súng bắn 03 phát súng chỉ thiên, Chẩn vẫn tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy nên Tổ công tác bắn 02 phát súng vào lốp sau bên phải xe ô tô Chẩn điểu khiển làm lốp xe ô tô bị xẹp. Chẩn biết xe bị xẹp lốp nhưng vẫn tiếp tục điều khiển xe ô tô bỏ chạy về hướng xã Sơn Phước trên đường Quốc lộ 19C. Khi tổ công tác đuổi theo, Chẩn và Luân bàn bạc thống nhất đẩy gỗ xuống đường để cho nhẹ xe và cản trở lực lượng chức năng, còn Huy thì điều khiển xe mô tô chạy lạng lách trước đầu xe của lực lượng Kiểm lâm, nhằm mục đích cản trở xe của lực lượng Kiểm lâm đang thi hành nhiệm vụ. Quá trình đuổi theo xe ô tô của Chẩn đến đoạn km45+800 Quốc lộ 25 thuộc thôn Tân Thành, xã Suối Bạc, đồng chí Nguyễn Quốc Kỳ, cán bộ Công an xã Sơn Hội tông vào khúc gỗ do Luân đẩy xuống đường nên bị thương tích với tỷ lệ 74%.
VKSND huyện Sơn Hòa đã truy tố Đặng Mộng Chẩn và Lê Minh Luân về tội cố ý gây thương tích quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS; Đặng Mộng Chẩn về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 330 BLHS; Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy về tội chống người thi hành công vụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS.
Xét xử sơ thẩm từ ngày 05/4/2024, đến ngày 09/4/2024 Hội đồng xét xử TAND huyện Sơn Hòa đã nhận định: Hành vi của các bị cáo Đặng Mộng Chẩn, Lê Minh Luân đã phạm tội cố ý gây thương tích, quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS; Đặng Mộng Chẩn đã phạm tội chống người thi hành công vụ, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 330 BLHS: Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy đã phạm tội chống người thi hành công vụ, quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS như cáo trạng truy tố của VKSND huyện Sơn Hoà là có căn cứ, đúng pháp luật.
Thế nhưng, sau đó Hội đồng xét xử TAND huyện Sơn Hòa tuyên bản án hình sự sơ thẩm số 10/2024/HS-ST như sau:
- Áp dụng điểm d khoản 4 Điều 134; điểm a, c khoản 2 Điều 330, điểm b khoản 1, 2 Điều 51; điểm h, o khoản 1 Điều 52; Điều 55; Điều 38 BLHS xử phạt Đặng Mộng Chẩn 09 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 03 năm tù về tội chống người thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt của 02 tội buộc bị cáo Chẩn phải chấp hành là 12 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam ngày 04/7/2023.
- Áp dụng điểm d khoản 4 Điều 134; điểm a khoản 2 Điều 330; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 55; Điều 38 BLHS xử phạt Lê Minh Luân 07 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 02 năm tù về tội chống người thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt của 02 tội buộc bị cáo Luân phải chấp hành là 9 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam ngày 05/7/2023.
- Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 330; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 91; Điều 101; Điều 54 BLHS xử phạt bị cáo Huỳnh Quang Huy 01 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam ngày 21/11/2023.
Qua kiểm sát bản án, VKSND huyện Sơn Hòa nhận thấy: Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2024/HS-ST ngày 09/4/2024 của TAND huyện Sơn Hòa đã xử phạt các bị cáo Đặng Mộng Chẩn, Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy phạm tội chống người thi hành công vụ; Đặng Mộng Chẩn, Lê Minh Luân phạm tội cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS và BLTTHS, cụ thể như sau:
- Bị cáo Đặng Mộng Chẩn thuê Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy cùng đi vận chuyển lâm sản trái phép và được trả tiền công. Chẩn phân công Huy đi canh đường, nếu có phát hiện Công an, Kiểm lâm thì báo cho Chẩn biết, còn Luân phụ xe và bốc gỗ cùng Chẩn, không bàn bạc hoặc phân công cụ thể việc chống người thi hành công vụ khi có các tình huống phát sinh.
Khi Huy phát hiện lực lượng chức năng thì điện thoại cho Luân để báo cho Chẩn biết. Chẩn bảo Huy chạy xe mô tô theo sau xe ô tô để ép xe, cản trở không cho xe của lực lượng chức năng vượt lên, tạo điều kiện cho Chẩn chở gỗ tẩu thoát. Tại thời điểm này, Luân, Huy mới tiếp nhận ý chí từ Chẩn và cùng thống nhất thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ. Tại phiên tòa, các bị cáo Luân và Huy đều khai nhận thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo của Chẩn.
Các bị cáo không có sự phân công từ đầu, không có sự câu kết chặt chẽ với nhau về việc chống lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Do đó, hành vi của các bị cáo không đủ cơ sở xác định là phạm tội có tổ chức mà thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn, trong đó bị cáo Chẩn thực hiện tội phạm với vai trò là người tổ chức, còn Luân, Huy là người thực hành. Bản án sơ thẩm áp dụng tình tiết định khung tăng nặng phạm tội có tổ chức theo điểm a khoản 2 Điều 330 BLHS để xử lý đối với các bị cáo là không có căn cứ.
Mặt khác, Hội đồng xét xử cho rằng các bị cáo phạm tội với tình tiết phạm tội có tổ chức thì các bị cáo Huy, Luân phải nghe theo vai trò chỉ huy, cầm đầu của Chẩn. Vì vậy, bị cáo Chẩn sẽ không phạm tội với tình tiết xúi dục người khác phạm tội, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 330 BLHS. Bản án sơ thẩm vừa áp dụng điểm a và điểm c khoản 2 Điều 330 BLHS đối với bị cáo Chẩn là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Bị cáo Đặng Mộng Chẩn phạm tội với vai trò là người tổ chức, chuẩn bị công cụ, xúi dục bị cáo Luân và bị cáo Huy (là người chưa thành niên) phạm tội; bị cáo còn là người trực tiếp chỉ đạo bị cáo Luân và bị cáo Huy thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa bị cáo Chẩn quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội, khai báo không đúng sự thật vụ án gây khó khăn cho công tác điều tra, giải quyết vụ án; bị cáo phạm tội với 02 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h, o khoản 1 Điều 52 BLHS; có nhân thân xấu đã nhiều lần bị Tòa án xét xử với nhiều bản án nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học, mà bị cáo tiếp tục nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ 74%. Do đó, cần áp dụng hình phạt thật nghiêm khắc mới đủ tác dụng răn đe đối với bị cáo. Bản án sơ thẩm chỉ tuyên phạt bị cáo Đặng Mộng Chẩn 09 năm tù về tội cố ý gây thương tích là nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.
Về thủ tục tố tụng: Ngày 18/3/2024, TAND huyện Sơn Hòa ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 10/2024/QĐXXST-HS đối với vụ án Đặng Mộng Chẩn cùng đồng phạm. Quyết định đưa vụ án ra xét xử nêu rõ các bị cáo Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy bị Viện kiểm sát truy tố về tội chống người thi hành công vụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS; không ghi điều, khoản của BLHS mà Tòa án sẽ xét xử đối với bị cáo Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy. Thế nhưng, bản án sơ thẩm lại áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 BLHS để xét xử bị các cáo về tội chống người thi hành công vụ, khoản nặng hơn so với khoản mà cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát đã truy tố, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo Hướng dẫn tại mục 2 Phần II Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của TAND tối cao hướng dẫn đối với trường hợp Tòa án có quyền xét xử khoản khác nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật theo Điều 196 BLTTHS năm 2003 cũng đã quy định: “…Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về khoản nặng hơn. Trong trường hợp này, Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà Tòa án sẽ xét xử để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo; nếu Quyết định đưa vụ án ra xét xử không ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà Tòa án sẽ xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Bên cạnh đó, bản án sơ thẩm nhận định “hành vi của các bị cáo Đặng Mộng Chẩn, Lê Minh Luân đã phạm tội Cố ý gây thương tích, quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS; Đặng Mộng Chẩn đã phạm tội Chống người thi hành công vụ, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 330 BLHS; Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy đã phạm tội Chống người thi hành công vụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự như Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Hòa là có căn cứ, đúng pháp luật”, nhưng lại xét xử các bị cáo Đặng Mộng Chẩn, Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy về tội chống người thi hành công vụ với tình tiết phạm tội có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 BLHS nhưng không phân tích lý do không chấp nhận quan điểm truy tố của Viện kiểm sát trong bản án là vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 260 BLTTHS.
Từ những phân tích nói trên, VKSND huyện Sơn Hòa đã kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 10/2024/HS-ST ngày 09/4/2024 của TAND huyện Sơn Hòa; đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm vụ án hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm nói trên để xét xử lại theo hướng không áp dụng tình tiết định khung “phạm tội có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 BLHS đối với các bị cáo Đặng Mộng Chẩn, Lê Minh Luân và Huỳnh Quang Huy; tăng hình phạt đối với bị cáo Đặng Mộng Chẩn về tội cố ý gây thương tích.
Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự
-
1VKSND TP. Cần Thơ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt
-
2Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
-
3Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ)
-
4VKSND thị xã Điện Bàn trao tặng máy lọc nước cho trường cấp 1, cấp 2
-
5VKSND quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch UBND quận về công tác phòng ngừa tội phạm cho lứa tuổi chưa thành niên
-
6Quảng Nam: Ban Pháp chế HĐND làm việc với VKSND tỉnh
Bài viết chưa có bình luận nào.