Phiên họp 44 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành công tốt đẹp

28/04/2020 21:02

(kiemsat.vn)
Chiều ngày 28/4, sau 06 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 44, hoàn thành chương trình đề ra.

Khẩn trương, hiệu quả

Trong vòng 6 ngày, khối lượng công việc mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải hoàn thành là rất lớn. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với các dự án đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ hợp thứ 9 gồm: dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với các dự án dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) gồm: dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; dự án Luật Cư trú (sửa đổi); về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Sau khi nghe báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội và việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (ảnh: Quang Khánh)

Với sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định về các nội dung gồm: việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019; việc thành lập 03 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định; việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện hạng mục bổ sung một số dự án; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng; việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí, điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang một số đơn vị liên quan

Đặc biệt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mối quan hệ mới này để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp tháng 5 tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tích cực, chủ động để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 – kỳ họp đặc biệt lần đầu tiên Quốc hội tiến hành họp trực tuyến.

Điểm nhấn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).

Trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung cho biết, ngày 30.6.2019, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani (đại diện Chủ tịch Liên minh châu Âu) và Cao ủy thương mại Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định EVFTA.

Theo đó, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề, bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU; đồng thời, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA (ảnh: Quang Khánh)

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này.

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Quốc hội cần sớm thông qua phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh trong nước, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, cho rằng, các quy định của 2 Hiệp định không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013, cơ bản phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, qua rà soát, phân tích các nội dung của Hiệp định, như Hiệp định EVFTA cần đưa vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính đồng bộ với Bộ Luật Lao động về tổ chức đại diện.

Ủy ban Thường vụ cũng thống nhất với kiến nghị của Chính phủ sẽ không bảo lưu bất kỳ nội dung nào của 2 Hiệp định.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang