Phê chuẩn Quyết định khởi tố Giám đốc CDC tỉnh Cà Mau

31/07/2022 19:32

(kiemsat.vn)
VKSND tỉnh Cà Mau vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 3 bị can là lãnh đạo, cán bộ thuộc Sở Y tế và CDC tỉnh Cà Mau do có hành vi hợp thức hóa thủ tục đấu thầu, gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước khoảng 12,247 tỷ đồng.

Các đối tượng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Đặng Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau; Hồ Quang Nhu, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ CDC tỉnh Cà Mau và Lê Ngọc Định, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế tỉnh Cà Mau.

Trước đó, ngày 18/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế và CDC tỉnh Cà Mau.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau tống đạt Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam bị can Đặng Hải Đăng.

Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau xác định, từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, Sở Y tế, CDC tỉnh Cà Mau và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã thực hiện 11 gói thầu mua kít xét nghiệm Covid-19, máy tách chiết DNA/RNA tự động, hóa chất, sinh phẩm và thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch Covid -19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á với số tiền 49,47 tỷ đồng.

Trong đó, Sở Y tế tỉnh Cà Mau mua kít xét nghiệm Covid -19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cao hơn so với chi phí sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận và chi phí khác), gây thiệt hại khoảng 9,156 tỷ đồng; còn lại gói thầu 40.000 kít xét nghiệm chưa thanh quyết toán. CDC tỉnh Cà Mau mua kít xét nghiệm Covid -19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cao hơn so với giá của chi phí sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận và chi phí khác), gây thiệt hại khoảng 3,09 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện hồ sơ đấu thầu, các bị can trên đã thực hiện không đúng quy định về đấu thầu, không bảo đảm công bằng, minh bạch, vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước khoảng 12,247 tỷ đồng.

Hiện, vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật./.

Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” như sau:
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Phê chuẩn Quyết định khởi tố 03 nhân viên CDC Nam Định do cắt xén sinh phẩm bán lại cho Công ty Việt Á

(Kiemsat.vn) - VKSND tỉnh Nam Định vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nơi ở đối với 03 nhân viên CDC Nam Định để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản” theo Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Infographic: Cảnh giác trước cạm bẫy của kẻ buôn người

(Kiemsat.vn) - Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu và ngày 30/7 hằng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Tại Việt Nam, ngày 30/7 cũng được chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang