Phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ

07/04/2023 10:27

(kiemsat.vn)
VKSND TP. Đà Nẵng vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với bị can Hồ Văn Khoa, nguyên Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng), và thuộc cấp là bị can Trần Phước Mỹ, Phó Phòng Quản lý đô thị UBND quận Cẩm Lệ về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quá trình điều tra vụ án “Đưa và nhận hối lộ” liên quan đến việc đấu thầu và thi công gói thầu nạo vét hệ thống cống thoát nước trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Cơ quan Điều tra Công an TP. Đà Nẵng xác định bị can Hồ Văn Khoa, nguyên Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ và một số cá nhân liên quan đã nhận hối lộ số tiền gần 3 tỷ đồng từ Công ty TNHH Thy Nghĩa Hưng (trụ sở tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) và giúp doanh nghiệp này trúng một số gói thầu.

Cơ quan tiến hành tố tụng TP. Đà Nẵng đã tống đạt các Quyết định và tiến hành khám xét nơi làm việc của bị can Hồ Văn Khoa tại UBND quận Cẩm Lệ và tại nhà riêng.

Sau khi trúng thầu, Công ty TNHH Thy Nghĩa Hưng có một số biểu hiện gian dối như kê khống khối lượng đã nạo vét để chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước. Việc làm gian dối này đã bị cơ quan chức năng phát hiện vào cuộc điều tra, từ đó hành vi "Nhận hối lộ" của bị can Hồ Văn Khoa và một số thuộc cấp bị phát hiện.

Liên quan đến vụ án này, tháng 12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Võ Thiên Sinh, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ và bị can Võ Thành Quý, Trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND quận Cẩm Lệ về tội “Nhận hối lộ”; khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Đặng Nhất Huy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thy Nghĩa Hưng về tội “Đưa hối lộ”.

Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội "Nhận hối lộ" như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang