Thừa Thiên Huế: Phê chuẩn Quyết định khởi tố và Lệnh bắt tạm giam 04 bị can lập khống hồ sơ để chiếm đoạt hơn 34 tỷ đồng

25/02/2023 22:08

(kiemsat.vn)
VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế phê chuẩn Quyết định khởi tố và Lệnh bắt tạm giam 04 bị can về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, 04 bị can bị khởi tố và bắt tạm giam gồm Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng và Kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Cơ khí và xây dựng công trình 878 (viết tắt là Công ty 878) thuộc Tổng Công ty Công trình đường sắt.

Cụ thể, các bị can bị khởi tố gồm: Lê Hữu Tiến (sinh năm 1959, nguyên Giám đốc Công ty 878); Trần Việt Hùng (sinh năm 1969, nguyên Phó Giám đốc Công ty 878); Trương Văn Huy, (sinh năm 1970, nguyên Trưởng phòng vật tư thiết bị Công ty 878) cùng trú tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy và Lê Văn Tuấn (sinh năm 1976, nguyên Kế toán trưởng Công ty 878, trú tại huyện Phong Điền).

Cơ quan chức năng tống đạt Quyết định khởi tố và Lệnh bắt tạm giam 04 đối tượng trong vụ án.

Qua quá trình điều tra, khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018, các đối tượng đã có hành vi lập khống hồ sơ, hợp thức chứng từ kế toán để rút hơn 34 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Cơ khí và xây dựng công trình 878 (thuộc Tổng công ty công trình đường sắt).

Cơ quan chức năng khám xét nơi ở của các bị can liên quan.

Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 tội "Tham ô tài sản" được quy định như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang