Nỗi lo bỏ lọt tội phạm khi gia đình không cho khám nghiệm tử thi

01/11/2016 04:57

(kiemsat.vn)
Kết quả của công tác khám nghiệm tử thi có ý nghĩa rất quan trọng và trong một số trường hợp còn mang tính quyết định trong quá trình giải quyết đối với các vụ án giết người, cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, các vụ án tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn lao động và trong một số trường hợp khác.

Xuất phát từ tầm quan trọng và ý nghĩa đó nên hoạt động khám nghiệm tử thi đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 và BLTTHS năm 2015. Mục đích của công tác khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết của nạn nhân và trong một số trường hợp cụ thể, qua các dấu vết và những biểu hiện trên tử thi còn xác định được hung khí gây án, cách thức gây án…

Điều 151 BLTTHS năm 2003 quy định rõ: “Việc khám nghiệm tử thi do Điều tra viên tiến hành có bác sỹ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần phải khai quật tử thi thì phải có quyết định của cơ quan điều tra và phải thông báo cho gia đình nạn nhân biết trước khi tiến hành. Việc khai quật tử thi phải có bác sỹ pháp y tham gia. Khi cần thiết có thể triệu tập người giám định và phải có người chứng kiến. Trong mọi trường hợp, việc khám nghiệm tử thi phải được thông báo trước cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm tử thi”.

Kế thừa các quy định của BLTTHS năm 2003 nên BLTTHS năm 2015 đã quy định một cách cụ thể và rõ ràng hơn. Tại Điều 202 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến. Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi…”.

Từ những quy định nêu trên, chúng ta nhận thấy, luật chỉ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và thủ tục của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác như Bác sỹ pháp y và người chứng kiến mà không quy định trách nhiệm, nghĩa vụ phối hợp và thực hiện các yêu cầu, đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên) của những người thân của tử thi khi các cơ quan chức năng tiến hành hoạt động khám nghiệm tử thi theo quy định.

Việc gia đình nạn nhân không cho khám nghiệm tử thi có thể khiến bỏ lọt tội phạm
Việc gia đình nạn nhân không cho khám nghiệm tử thi có thể khiến bỏ lọt tội phạm

Hầu hết các vụ án mạng khi xảy ra thì những người thân của người bị hại đều hợp tác và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình tiến hành khám nghiệm tử thi. Bên cạnh đó, có rất nhiều vụ án tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chết trong một số trường hợp khác, sau khi xảy ra vụ việc giữa người thân của người bị hại và những người liên quan thỏa thuận với nhau về tình cảm, bồi thường nên cương quyết không hợp tác, phối hợp với các cơ quan chức năng, cương quyết không cho các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm tử thi mà không có một quy định, chế tài nào bắt buộc những người này phải chấp hành các yêu cầu, đề nghị của Cơ quan điều tra.

Trong thực tế, khi xảy ra những trường hợp này thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chỉ giải thích, thuyết phục và giáo dục gia đình nạn nhân cho khám nghiệm tử thi nhưng gia đình nạn nhân không chấp nhận thì các cơ quan chức năng chỉ lập biên bản về việc gia đình nạn nhân không hợp tác và cản trở việc khám nghiệm tử thi đồng thời yêu cầu gia đình nạn nhân viết đơn từ chối việc khám nghiệm tử thi và không có ý kiến và khiếu nại gì. Trong trường hợp này, nếu người bị hại là người không có lỗi thì Cơ quan điều tra chỉ thu thập các tài liệu, chứng cứ và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, vì không có kết luận khám nghiệm tử thi và không xác định được nguyên nhân chết. Do đó, người có lỗi gây ra hậu quả chết người nhưng không thể xử lý được (lọt tội phạm).

Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định trên cơ sở hồ sơ bệnh án để xác định nguyên nhân chết nhưng cơ quan giám định đều từ chối kết luận vì không đủ cơ sở pháp lý. Còn trường hợp chết tại hiện trường thì không có hồ sơ bệnh án nên không có căn cứ để xác định nguyên nhân chết.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ cần bổ sung nội dung quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình nạn nhân phải có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng trong việc khám nghiệm tử thi vào Điều 202 BLTTHS năm 2015. Nếu không chấp hành thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “chống người thi hành công vụ”.

Kiều Minh Thuận
VKSND huyện Vĩnh Tường

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang