Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu: Tôi đã thấy “vùng cấm” biến mất

18/06/2017 09:09

Cách đây hơn mười năm, một vụ án tham ô, cố ý làm trái gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử. Với thiệt hại gần 100 tỷ đồng, bị cáo của vụ án đó, lãnh đạo một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Lã Thị Kim Oanh.

Vụ án đã làm cho 2 Thứ trưởng phải vướng vòng lao lý, một Bộ trưởng phải từ chức và nguyên Phó Thủ tướng phải ra đối chất với các bị cáo. Đó là một vụ án không chỉ xử phạt nghiêm khắc đối với kẻ gây án mà còn là vụ án điển hình về xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ có vi phạm.

Thời gian trôi qua đã hơn mười năm, ở nhiều vụ án kinh tế khác, thiệt hại gây ra lớn hơn rất nhiều, ví dụ “đếm vội” 12 dự án “đắp chiếu” ngành Công thương có tổng mức đầu tư lên đến hơn 60 ngàn tỷ đồng, nhưng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm.

PV: Thưa ông, với cương vị là Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, ông đã được tham gia nhiều vụ án lớn, trong đó có vụ Lã Thị Kim Oanh. Như mọi người đều biết, đó là vụ án dính dáng đến nhiều cán bộ cao cấp, và phần xử lý không hề nhẹ. Nguyên nhân nào khiến các cơ quan tố tụng có thể “mạnh tay” như vậy đối với những người – xét về thứ bậc – thậm chí còn ở cấp cao hơn mình?

TS Dương Thanh Biểu: Với vụ việc này, thực sự anh em rất lo lắng và vất vả. Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp – công nghiệp thực phẩm (một doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc lúc đó có mối quan hệ rất lớn, với hàng trăm đơn vị là khách hàng. Riêng việc anh em phải đi xác minh, thu thập tài liệu đã đủ toát mồ hôi rồi.

Nhưng cái đáng nói hơn, vụ án này có liên quan đến một số vị lãnh đạo, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng – người trước đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp; Bộ trưởng đương nhiệm, một loạt Thứ trưởng và nhiều cán bộ cấp vụ. Anh em điều tra viên trước đó và kiểm sát viên giữa đống tài liệu và các quan hệ phức tạp như vậy, đã thấy khổ rồi, mà đến khi kết luận lại càng khó khăn hơn.

Lã Thị Kim Oanh khai việc sử dụng số tiền có liên quan đến người nhà một số vị lãnh đạo của Bộ. Khai thế, nhưng có không? Mặt khác, nếu những vấn đề liên quan đến cán bộ thì khi hỏi đến cán bộ hoặc áp dụng các biện pháp pháp lý đối với cán bộ đó thì cơ quan pháp luật phải xin ý kiến nơi quản lý cán bộ, đảng viên đó. Muốn lấy lời khai của cán bộ càng to càng khó khăn.


Nhưng ý bạn hỏi rất đúng, sao trước đây “đánh án” lớn như vậy trong khi hệ thống pháp luật điều chỉnh về các tội phạm kinh tế chưa nhiều nhưng cảm thấy có nhiều thuận lợi? Thuận lợi cơ bản là vụ án này được Trung ương cho thành lập Ban chỉ đạo, do lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các cơ quan tư pháp và các ban xây dựng đảng.

PV: Khi các cơ quan tố tụng báo cáo trước Ban chỉ đạo về khả năng “dây dưa” của vụ án đến các cán bộ cao cấp của Đảng, phản ứng của các vị lãnh đạo ra sao?

TS Dương Thanh Biểu: Khi chúng tôi hoàn thành hồ sơ, báo cáo Ban chỉ đạo: Vụ án này có một số người liên quan, như 2 ông Thứ trưởng. Một ông trước nguyên là Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp đấy chứ, khi sáp nhập thì trở thành Thứ trưởng. Chúng tôi đã thu thập và đánh giá chứng cứ cẩn trọng, cũng vướng mắc nhiều lắm, khi thảo luận trong Ban chỉ đạo thì được tháo gỡ ngay.

Hằng tháng, Ban chỉ đạo đều có giao ban, xem xét có gì khó khăn, mắc mớ? Vụ án này có điểm đặc biệt là, khi truy tố thì hai ông Thứ trưởng khai rằng việc họ ký xác nhận các công văn của Lã Thị Kim Oanh xin vay vốn là có báo cáo Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng (lúc đó đã là Phó Thủ tướng). Bởi thế, báo chí đặt câu hỏi, tại sao không đưa những người trên ra phiên tòa? Chúng tôi lắng nghe phản hồi, rồi họp, nhận định báo chí nói như thế là đúng.

Đáng lẽ, khi xét xử sơ thẩm, những người đó phải có lời khai, phải có mặt tại phiên tòa để trả lời các vấn đề lời khai của bị cáo đặt ra. Vì vậy, Ban chỉ đạo cho ý kiến là, tại phiên tòa phúc thẩm phải giải quyết được những vấn đề tồn tại mà dư luận đặt ra. Lãnh đạo cấp cao lúc đó giao cho chúng tôi tiến hành đối chất giữa nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng với các bị cáo.

Tôi được giao chủ trì. Tiến hành đối chất cũng không phải chuyện dễ. Tôi đã phải giải thích, thuyết phục các vị rằng, tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo khai về sự liên quan của các bác, cho nên các bác phải khẳng định việc này có hay không? Sau đó, ông Bộ trưởng nói: Trách nhiệm thì tôi phải làm. Vì vậy, cuộc đối chất đã được diễn ra đúng kế hoạch.

PV: Kết quả đối chất khi đó, như đến nay dư luận vẫn được biết là nguyên Phó Thủ tướng và nguyên Bộ trưởng vô can. Hai vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp có tâm phục, khẩu phục với kết quả đối chất này không?

TS Dương Thanh Biểu: Lúc đầu cứ tưởng với nội dung như phiên tòa sơ thẩm đặt ra thì việc đối chất đơn giản. Nhưng khi đi vào từng sự việc mới thấy phức tạp, căng thẳng. Các bị cáo nguyên Thứ trưởng khẳng định rằng, việc các ông ký xác nhận văn bản của Lã Thị Kim Oanh đi vay tiền đã có báo cáo Bộ trưởng (cũ và mới).

Trong lúc đó, hai ông Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng đều khẳng định không hề nghe các Thứ trưởng báo cáo về việc này. Khi chúng tôi đặt vấn đề với hai bị cáo: Các ông đã báo cáo Bộ trưởng lúc nào, ở đâu? Thì các ông không trả lời được.

Còn theo cách lý giải của ông Bộ trưởng, chúng tôi thấy có lý: Các công văn xin vay vốn là văn bản cá biệt, không đòi hỏi phải báo cáo Bộ trưởng. Thực tế, ông cũng chưa được nghe ai báo cáo việc này.

Cho nên, ai ký người đó phải chịu trách nhiệm. Nguyên Bộ trưởng cũng khẳng định, việc hai ông Thứ trưởng ký cho Lã Thị Kim Oanh đi vay tiền, tiền đó chi thế nào hầu như ông không biết. Kiểm tra các văn bản lưu tại Văn phòng Bộ cũng không có tài liệu nào thể hiện các bị cáo có báo cáo. Từ đó, hai ông nguyên Thứ trưởng đành chịu.

PV: Sau đó, ông Bộ trưởng có ra phiên tòa. Có khó không để thuyết phục cán bộ ở vị trí như vậy vượt qua e ngại để có mặt tại tòa – một việc hình như chưa có tiền lệ?

TS Dương Thanh Biểu: Để quá trình xét xử của phiên tòa phúc thẩm đạt kết quả tốt, lãnh đạo cấp trên yêu cầu ngoài đối chất ra, những người có liên quan phải được mời ra phiên tòa khai báo, đối chất. Khi đặt vấn đề như trên, cả hai ông cũng băn khoăn. Một ông vừa mổ tim, bác sĩ cho ý kiến là bệnh nhân cần tránh xúc động mạnh.

Sau khi đối chất, tôi trực tiếp gặp hai ông để giải thích: Các bác không có mặt ở phiên tòa nên dư luận cho rằng phiên tòa đã bỏ lọt tội phạm (ám chỉ bỏ lọt hai ông). Cuộc đối chất vừa rồi đã khẳng định các bác vô can. Cho nên, hai bác ra phiên tòa không chỉ làm cho việc xét xử khách quan, mà còn là để chứng minh về sự vô can của mình. Sau đó không lâu, phiên tòa phúc thẩm được tiến hành, ông nguyên Phó Thủ tướng bị bệnh án đau tim, kiêng lúc xúc động, nên không ra tòa. Ông Bộ trưởng ra dự phiên tòa.


PV: Vì có việc đối chất và ra tòa đó mà những người liên quan rửa được tiếng, nếu không, người ta cứ nghi ngờ mãi.

TS Dương Thanh Biểu: Đúng rồi. Báo chí cứ nói mãi. So với phiên tòa sơ thẩm, phiên phúc thẩm hoàn toàn khác, có ý nghĩa giáo dục rất tốt, tội tình rõ ràng. Mọi người cũng nói ông Bộ trưởng ra tòa, được kết luận không liên quan, sao lại từ chức? Bảo là không liên quan thì không đúng. Đây là trách nhiệm trong bộ anh quản lý, xảy ra chuyện gì, là người đứng đầu, anh phải chịu trách nhiệm.

Ông Bộ trưởng nhận thức được cái này nên đứng ra chịu trách nhiệm, tuy rằng liên quan trực tiếp là không có, nhưng liên quan là có. Đó là một người khí khái. Ông ấy sẵn sàng từ chức, chứ người khác thì chưa biết. Tôi và rất nhiều người hết sức khâm phục tính khảng khái của ông ấy.

PV: Đúng là từ hồi đó đến giờ, chúng ta chưa có thêm “người khí khái” nào, dù Quốc hội đã phải mang ra thảo luận về “văn hóa” từ chức. Vậy vụ Lã Thị Kim Oanh có phải vụ án duy nhất liên quan đến xét xử cán bộ cao cấp mà ông tham gia không?

TS Dương Thanh Biểu: Khi còn là cán bộ, tôi đã tham gia xử lý một số vụ khác, như vụ N2 ở Đồng Nai. Sau nữa là vụ Năm Cam, cũng dính đến 3 cán bộ cấp cao. Đây là các vụ án rất phức tạp nên Trung ương đã thành lập các Ban chỉ đạo với tinh thần: Ai có tội là phải được xử lý theo pháp luật. Sai phạm đâu xử lý đến đó.

Tôi vẫn còn nhớ ông Viện trưởng Viện KSND Tối cao Trần Quyết, căn dặn chúng tôi: Muốn giải quyết tốt vụ án tham nhũng phải luôn quán triệt quan điểm không có vùng cấm. Cán bộ kiểm sát muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng thì phải có bàn tay sạch. Được lãnh đạo cấp trên động viên nên hồi đó, anh em chúng tôi rất phấn chấn, tự tin khi được giao nhiệm vụ.

PV: Nhưng sự phối hợp đó có làm cho tính khách quan, độc lập giữa các cơ quan tố tụng bị ảnh hưởng không, đặc biệt khi có Ban chỉ đạo?

TS Dương Thanh Biểu: Về việc thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vụ án tham nhũng, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như trước đây đã đem lại hiệu quả rất tốt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, sự phối hợp của các cơ quan pháp luật thì do các cơ quan đó xác lập, không nên thành lập Ban chỉ đạo chuyên án. Nhưng phải thấy rằng lúc đó Ban chỉ đạo cho chủ trương, định hướng xử lí, chứ không can thiệp trực tiếp vào vụ án.

Việc điều tra, truy tố, xét xử như thế nào, các cơ quan tố tụng có trao đổi nhưng phải làm theo luật và đúng theo quyền hạn, trách nhiệm của mình đã ghi trong luật. Có lẽ vì lý do này, thêm nữa, như tôi nói ở trên, hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta tương đối hoàn thiện mà gần đây, đối với các vụ án lớn, phức tạp không thấy thành lập Ban chỉ đạo nữa!

Riêng tôi thấy, đặc điểm hoạt động của công tác tư pháp hiện nay, hệ thống pháp luật về tư pháp có thể cần phải bổ sung. Quyền, trách nhiệm của cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án… có điểm chưa hoàn toàn rõ ràng. Đã thế, luật pháp quy định về tội phạm – hình phạt nhiều chỗ đang còn tranh chấp. Năng lực, trình độ, phương tiện của anh em mình cũng còn hạn chế.

Trong lúc đó bọn tội phạm ngày càng hoạt động xảo quyệt, có sự cấu kết trong và ngoài nước và có sự che chắn cho nhau rất tinh vi. Nếu không có phối hợp để tìm ra các giải pháp thì việc đấu tranh với tội phạm, nhất là đối với tội tham nhũng rất khó khăn.

PV: Nhưng những vụ án đó, có duyên cớ gì mà Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo, thưa ông?

TS Dương Thanh Biểu: Không có văn bản hướng dẫn nào cụ thể, nhưng thường thành lập với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng hoặc đặc biệt phức tạp. Ví dụ vụ Vũ Xuân Trường chẳng hạn, dù Hà Nội làm, nhưng vẫn có Ban chỉ đạo của Trung ương.

Việc xác định thành lập Ban chỉ đạo là căn cứ vào tính chất của vụ án: Vụ án liên quan đến lãnh đạo cao cấp, liên quan đến địa bàn rộng, vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, nếu xét thấy cần thành lập Ban chỉ đạo thì các ngành tư pháp đề xuất.

Theo tôi, Ban chỉ đạo vừa có đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương và các Ban xây dựng Đảng nên rất có hiệu lực. Ví dụ thời điểm này chứng cứ thu thập được thế này, đủ căn cứ rồi thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra xử lý về mặt Đảng trước, chứ hình sự muốn làm mà Ủy ban Kiểm tra chưa kỷ luật là chưa được.

PV: Về vấn đề này, tôi trở lại việc làm sao để đảm bảo sự độc lập của các cơ quan tư pháp, vì đây là việc tố tụng, căn cứ trên luật pháp. Làm thế nào để việc xử lý cán bộ vẫn hiệu quả mà không cần có Ban chỉ đạo?

TS Dương Thanh Biểu: Vừa nãy vì sao tôi nhấn mạnh sự phối hợp là vì trong điều kiện hệ thống pháp luật của ta chưa đầy đủ. Tuy nhiên, phối hợp không phải để cả làng đồng tình, mà phải trên cơ sở chức năng từng ngành và quy định của pháp luật. Tôi cũng rất thích độc lập, việc anh nào anh đó làm, chứ không phối hợp gì cả, nhưng ở Việt Nam ta cái đó chưa hoàn toàn khả thi.

Hơn nữa, theo tôi đây là công tác tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, không phải như các nước. Trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, liên quan đến cán bộ cấp cao thì nên có ban chỉ đạo để anh em làm nhanh hơn, chứ để đơn thương độc mã là rất khó.

Tôi nghĩ, một số việc ở Bộ Công thương vừa qua mà đưa Ban chỉ đạo làm được ngay, ít nhất là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, cán bộ tham nhũng có nhiều quan hệ lắm, thậm chí người làm việc xung quanh mình cũng là quan hệ của họ. Không có Ban chỉ đạo thì họ rất dễ can thiệp. Vì sao các vụ trước kia không có can thiệp? Vì có Ban chỉ đạo họ cũng sợ.

PV: Bây giờ nhìn lại tất cả những vụ án lớn mình đã tham gia, ông thấy có gì chưa hài lòng không? Như vụ Lã Thị Kim Oanh, một nguyên lãnh đạo liên quan đến vụ này có chia sẻ rằng bà ta mang số tiền đó đi mua đất, và nếu cho thời gian 3 tháng thôi để khắc phục hậu quả, bán đất đi lấy tiền thì sẽ không có khoản thiệt hại gần 100 tỷ đồng ấy.

TS Dương Thanh Biểu: Hồi đó, cũng có ý kiến bảo rằng gần 100 tỷ đồng đó, Lã Thị Kim Oanh để đâu, cho ai, mà sao khám nhà không có gì cả. Bà ấy khai là để tiền vào các dự án. Hồi đó anh em chúng tôi cũng tính toán rất kỹ vấn đề này, số tiền bà ấy đã đầu tư vào các dự án thì đều khấu trừ cho bà ấy cả đấy.

Về tổng thể, tôi không băn khoăn gì lắm, thấy vụ án làm như vậy cũng được rồi. Nhưng tôi lại có băn khoăn ở từng giai đoạn. Khi xét xử sơ thẩm thì nhân chứng rất quan trọng là 2 vị nguyên và đương kim Bộ trưởng không được đưa ra phiên tòa khiến người ta thắc mắc. Phiên tòa sơ thẩm rất dở ở chỗ đó. Cái nữa là khi lấy lời khai hoặc áp dụng các biện pháp pháp lý đối với cán bộ là anh em rất ngại.

Vì ta có quy định, nếu lấy lời khai, áp dụng các biện pháp tư pháp với cán bộ Đảng thì phải thông qua cấp ủy Đảng nơi đảng viên đó sinh hoạt. Không hiểu có phải do quy định này mà trước đây cũng như hiện nay, khi điều tra đối với cán bộ, anh em có phần ngại, có vụ án khó khăn.

Do vậy, nên nghiên cứu kỹ nội dung này. Nếu quy định nào gây ách tắc trong xử lý tội tham nhũng thì nên kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp thấy người nào phạm tội, có liên quan thì khẩn trương xác minh, xử lý theo pháp luật.


PV: Nhiều người nói hiện nay hậu quả một số vụ việc về kinh tế ngày càng nghiêm trọng, ví dụ 12 dự án “đắp chiếu” của Bộ Công Thương là hơn 60 ngàn tỷ đồng, vụ Lã Thị Kim Oanh chưa đến 100 tỷ, mà người chịu trách nhiệm thì ngày càng ít đi, hình phạt cũng nhẹ. Theo ông, tại sao bây giờ xử lý lại có vẻ nhẹ tay hơn?

TS Dương Thanh Biểu: Trước đây, những vụ án gây hậu quả thiệt hại 100 tỷ như vụ Lã Thị Kim Oanh vào thời điểm đó là rất nghiêm trọng và được xử lý rất nghiêm khắc. Quá trình điều tra, không có tài liệu nào chứng minh các bị cáo nguyên Thứ trưởng có tiêu cực, nhưng các ông vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Lúc đó cũng có ý kiến, hai bị cáo này có quá trình cống hiến cho cách mạng rất lớn, gia đình có truyền thống cách mạng, nhưng quan điểm chung là, ai có sai phạm đều phải được xử lý.

Bây giờ, hằng ngày đọc báo, thấy có những dự án gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ, nhưng vừa rồi một số trường hợp mới bị xử lý về mặt Đảng, về mặt hành chính. Dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi họ có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Nhưng tôi thấy rất yên tâm vì Đảng ta đã chỉ đạo mọi sai phạm phải được xử lí thật nghiêm minh. Mình đưa ra xử không phải là nhăm nhăm muốn trừng phạt họ đâu, mà bảo đảm sự công bằng của pháp luật. Anh có vi phạm thì phải đưa ra xử người ta mới phục.

PV: Cơ chế của chúng ta là cơ chế trách nhiệm tập thể, một cá nhân không thể tự quyết được. Theo ông, cơ chế đó có gây khó khăn gì trong việc xử lý khi sai phạm xảy ra, đặc biệt là xử lý trách nhiệm hình sự với cá nhân?

TS Dương Thanh Biểu: Chúng ta đã có quy định rồi, lãnh đạo bằng tập thể, cá nhân phụ trách. Gần đây lại có văn bản quy định nếu xảy ra chuyện gì thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nói thế thôi nhưng rất khó.

Đối với các vụ án cụ thể, ví dụ Bộ Nông nghiệp chẳng hạn, chính hai ông Thứ trưởng bảo trong tập thể bàn rồi. Tuy chưa đủ căn cứ kết luận tập thể có bàn việc này, nhưng một việc xảy ra lù lù như thế mà bảo trong bộ không ai biết thì rất khó tin. Nhưng mà bây giờ xử tập thể như thế nào? Tập thể trừu tượng thật. Lâu nay chúng ta chỉ xử lý về mặt hành chính, Đảng thôi, cảnh cáo Ban cán sự chẳng hạn, chứ còn bảo xử lý hình sự cả tập thể là càng khó khăn.

PV: Nói đến tham nhũng thì người ta phải ở một vị trí nào đó mới tham nhũng được chứ thường dân thì tham nhũng ở đâu, nhưng bởi họ có vị trí mà xử lý họ rất khó. Tội phạm tham nhũng trong dư luận rất râm ran, dường như nhìn chỗ nào cũng thấy tham nhũng. Là một người có kinh nghiệm qua một số vụ án, ông có thấy chống tham nhũng là khó không?

TS Dương Thanh Biểu: Tham nhũng là một khái niệm rất rộng, tôi chỉ nói hẹp thế này: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản là tham nhũng. Nói thì như vậy, nhưng đi vào thực hiện thì phải chứng minh tài sản đó mà anh có được có phải do chiếm đoạt hay không? Hiện nay cái khó nhất của ta trong chống loại tội phạm này là ở đấy.

Vừa rồi tôi theo dõi tin tức, mấy chục vạn người kê khai tài sản nhưng chỉ có vài trường hợp vi phạm. Mà cái xương sống nhất của tội tham ô, tham nhũng là chứng minh tài sản. Cán bộ mà tham ô, có dại mới mang về mua tài sản phơi ra đó.

Cho nên chỉ những trường hợp lù lù trên văn bản, ví dụ của ngân hàng, là anh nhận từng đó tiền thì mới làm được thôi, chứ bảo chứng minh từ tài sản họ sở hữu mà kết luận tham ô là vô cùng khó khăn. Cơ chế thu nhập và kiểm soát tài chính hiện nay đối với cán bộ ta còn lỏng vô cùng. Nước ngoài kiểm soát tiền rất cụ thể, dễ có cơ sở phát hiện tham nhũng.

PV: Qua kinh nghiệm của mình, ông có “hiến kế” nào để chống tội phạm tham nhũng một cách hiệu quả hơn? Dường như chúng ta “cảm thấy” tham nhũng rất nhiều, nhưng phát hiện và xử lí chưa được bao nhiêu?

TS Dương Thanh Biểu: Khó nhỉ. Trung ương bảo một trong những công cụ kiểm soát hữu hiệu nhất là kê khai tài sản. Nhưng kê khai rất nhiều, chẳng phát hiện ra gì cả. Theo tôi, vừa là ý thức của con người, nhưng hệ thống pháp luật phải hết sức đầy đủ cả về hình sự, quản lý tiền tệ, ngân hàng – lưu chuyển đồng tiền thế nào, phải cụ thể, chứ kê khai cũng chẳng làm gì cả. Và theo tôi, cũng nên thực hiện nghiêm – đã là tội tham nhũng thì dứt khoát không có vùng cấm.

Trước đây, trường hợp ông Phí Thái Bình nhiều tờ báo cũng nói ông là Phó Chủ tịch phụ trách, sao ông không chịu trách nhiệm gì cả, mà cũng im đi thôi. Phải có quyết tâm từ trên xuống, chứ anh em tòa án, kiểm sát, công an cũng có tâm tư của họ chứ. Xông vào chỗ có chức có quyền là nguy hiểm lắm.

PV: Đã bao giờ ông thấy Đảng ta e ngại việc xử lý cán bộ của mình một cách nghiêm khắc vì sợ ảnh hưởng đến uy tín chưa, hay là ngược lại, Đảng xử lý rất nghiêm vì uy tín của mình.

TS Dương Thanh Biểu: Về câu hỏi đó, tôi đưa một ví dụ thế này, cũng trong vụ Lã Thị Kim Oanh. Ông Thứ trưởng, nguyên là Bộ trưởng, tham gia tiền khởi nghĩa, gia đình ông ấy là gia đình cách mạng cốt cán, dư luận ở Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đánh giá ông rất tốt, là con người hiền lành. Cũng có ý kiến bảo đưa ra tòa tội ông ấy. Đó là sự đau đớn không phải chỉ cho riêng ông ấy, mà cho cả gia đình, dòng họ. Nhưng cuối cùng vẫn phải đưa ra xử. Nhiều người cũng đau đớn chứ, rất thương ông ấy, nhưng vì sự nghiêm minh của pháp luật.

PV: Nghĩa là không phải vì ông có công lớn mà bỏ qua một lỗi mà rõ ràng ông vi phạm? Ông nghĩ sao về việc dư luận rất chia rẽ về trường hợp xử lý cán bộ gần đây, bảo có làm thì phải có sai, còn hơn mấy ông không làm gì? Người khác lại nói rằng anh làm nhưng anh phải làm đúng, chứ không phải làm cái đúng, cái sai, rồi bảo tôi vô can vì tôi hành động?

TS Dương Thanh Biểu: Đúng rồi. Tôi thấy gần đây có những người hành động thật, thông minh, nhiệt huyết, được dư luận bênh vực. Nhưng ông sai một cái thì còn bảo sai lầm nhất thời, chứ dính hàng loạt vụ việc, bảo tha thứ cho ông thì làm sao tha thứ được.

PV: Người Việt Nam ta có đặc điểm duy tình chứ không duy lý, ngược lại với nguyên tắc làm việc của các cơ quan tư pháp. Chúng ta hướng tới một đất nước pháp quyền trong một nền văn hóa duy tình như vậy, dư luận cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xử lý các vụ án – mà đám đông không phải lúc nào cũng sáng suốt. Vậy có cách nào để giữ được sự minh mẫn cần thiết?

TS Dương Thanh Biểu: Đúng là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng lưu ý các cơ quan tư pháp hết sức chú ý đến dư luận xã hội.

PV: Có lưu ý đúng không ạ?

TS Dương Thanh Biểu: Có. Đúng như chị nói, dư luận xã hội không phải lúc nào cũng có lý. Lúc này, lãnh đạo các cơ quan tư pháp phải rất sáng suốt, anh chạy theo dư luận không được.

Đấu tranh, xử lý một vụ án nào đấy mà đi vào tình cảm là khó thuận lợi lắm, nhất là tội tham nhũng. Mà hiện nay tôi cảm tưởng còn nể nhau nhiều quá hay sao? Thậm chí, có những vụ án xử cá nhân, cả tập thể người ta có văn bản người ta phản đối. Văn hóa làng xã, đùm bọc là rất quý, nhưng làng xã cũng phải tuân theo một nguyên tắc chung mà pháp luật đã quy định. Làm gì cũng xuất phát từ cái đúng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Vũ Hân/c.a.n.d

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang