Nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin: Thủ tướng yêu cầu sớm điều tra

23/04/2018 21:15

(kiemsat.vn)
Sáng 23/4, tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo điều tra vụ việc nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao để làm rõ vấn đề này dưới góc độ pháp lý.

Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao 

Phóng viên: Vụ việc hàng chục tấn phế phẩm cà phê được một cơ sở sản xuất tại Đắk Nông nhuộm đen bằng lõi pin bị phát hiện khiến dư luận hoang mang. Sáng nay 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo sớm điều tra vụ việc. Hiện Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 5 người liên quan. Pháp luật hiện nay quy định về xử lý hành vi này như thế nào, thưa ông?

Tiến sỹ Dương Thanh Biểu: Chương XVIII Bộ luật hình sự 2015 quy định về các Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Về nhóm tội làm hàng giả có các điều từ 192 đến điều 195, trong đó điều 192 quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Điều 193 quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, có khung hình phạt tù tối đa đến chung thân đối với cá nhân; với pháp nhân thương mại thì phạt tiền tối đa có thể lên tới 18 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Chương XXI Bộ luật hình sự 2015 quy định về các Tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tại Mục 3 có Điều 317 quy định về Tội vi phạm quy định về về vệ sinh an toàn thực phẩm có khung hình phạt tiền thấp nhất từ 50.000.000 đồng đến tối đa 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù tối đa có thể đến 20 năm.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nếu không chứng minh được cơ sở sản xuất này chưa tiêu thụ sản phẩm, chưa gây hại cho sức khỏe con người mà chỉ đang sản xuất thì không đủ cơ sở xử lý hình sự, xin Tiến sĩ cho biết ý kiến về vấn đề này?

Tiến sỹ Dương Thanh Biểu: Bộ luật hình sự 2015 đã quy định theo hướng chi tiết hơn, cụ thể hơn (so với quy định trước đây – BLHS 1999). Cụ thể, chỉ cần người nào thực hiện một trong các hành vi được quy định tại khoản 1 của Điều 317 như: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến bảo quản thực phẩm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích nông sản... không rõ nguốn gốc, xuất xứ, sử dụng với dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm, hoặc nằm ngoài danh mục được phép sử dụng... thì coi như đã thỏa mãn cấu thành cơ bản tội phạm, đủ căn cứ xử lý hình sự mà không cần thiết phải có hậu quả xảy ra, không cần xác định trọng lượng, hàm lượng chất cấm, khách sinh, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng.

Như vậy, hành vi nhuộm phế phẩm café bằng lõi pin, là loại chất có chứa thành phần mangan, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người khác đã được Bộ Y Tế khuyến cáo, thì chưa cần tiêu thụ mà đã bị bắt quả tang thì đã có cơ sở để xử lý hình sự. Trong vụ việc này, việc giám định thành phần mangan trong café sẽ quyết định khung hình phạt của người vi phạm, là một trong những tình tiết tăng nặng bên cạnh việc thu thập tài liệu về việc tiêu thụ sản phẩm độc hại này trong những năm qua.

Phóng viên:  Ông suy nghĩ như thế nào về đạo đức trong kinh doanh thực phẩm hiện nay qua vụ việc cụ thể này? 

Tiến sỹ Dương Thanh Biểu: Qua theo dõi báo chí, tôi thấy liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ; bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa đỏ tẩm ướp hoặc nhuộm hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, tôm cũng bị tiêm chất bảo quản độc hại... Hậu quả của việc tiêu dùng thực phẩm không an toàn này làm nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra.

Mấu chốt của vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay là trách nhiệm và đạo đức từ phía người kinh doanh. Thêm vào đó, hiện nay lực lượng thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế, trong khi đó số cơ sở sản xuất thực phẩm của nước ta lại quá lớn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì việc đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng thực phẩm. Chỉ khi nào nhà sản xuất có đạo đức kinh doanh, khi đó mới không còn những thực phẩm nhiễm khuẩn, mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với việc tuyên truyền, vận động cho người kinh doanh tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thì vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí và khi phát hiện thì xử lý nghiêm minh cũng hết sức quan trọng. 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang