Những thành tựu nổi bật trong công tác kiểm sát điều tra án hình sự giai đoạn 1960 - 1975

31/03/2020 15:12

(kiemsat.vn)
Trong giai đoạn từ năm 1960 – 1975, mỗi năm, VKSND các cấp đã thụ lý, giải quyết hàng ngàn vụ án hình sự; góp phần củng cố an ninh, bảo vệ đất nước, quản lý kinh tế và bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

Bi cnh lch s

Sau Hiệp định Giơneve 1954, đất nước ta tạm thời chia cắt thành 2 miền, miền Nam chính quyền nằm trong tay Mỹ - Ngụy, miền Bắc nhân dân tiến hành xây dựng CNXH làm hậu phương vững mạnh cho chiến trường miền Nam.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Bắc tiến lên CNXH, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Trước yêu cầu của cách mạng XHCN là phải có một nền pháp chế thống nhất, Đảng ta đặt vấn đề phải thành lập VKSND thay thế cho Viện công tố (thành lập năm 1958) để kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất, pháp chế DCND được giữ vững, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. 

Những quan điểm của Đảng về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân

Ngày 31/12/1959, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá I thông qua Hiến pháp năm 1959, lần đầu tiên VKSND được quy định từ Điều 105 đến Điều 108.

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật tổ chức VKSND. Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa II đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tối cao.

Tháng 9/1960, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ III, trong đó chỉ rõ: Viện kiểm sát các cấp tập trung phục vụ công cuộc cải tạo XHCN và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm.

Một số văn bản khác của Đảng và bài phát biểu quan trọng của các đồng chí lãnh đạo cấp cao đối với ngành Kiểm sát, đề cập đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành như: Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 01/7/1963 của Bộ Chính trị nêu rõ “Tổ chức VKSND của ta là một trong những công cụ chuyên chính vô sản của Nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử chuyên chính vô sản được tổ chức ra giữa lúc cách mạng XHCN ở miền Bắc bắt đầu lấy việc xây dựng CNXH làm trọng tâm”; Tại Hội nghị tổng kết công tác toàn Ngành tháng 3/1967 đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ Nhất BCH Trung ương Đảng đã đến dự và phát biểu; Kết luận của đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch UBTV Quốc hội về công tác của ngành Kiểm sát năm 1967, đã nhấn mạnh vai trò của VKSND là đảm bảo nhiệm vụ chuyên chính dân chủ nhân dân, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, làm cho pháp luật được tiến hành dân chủ, thống nhất; không có cơ quan nhà nước nào có thể thay thế ngành Kiểm sát để sử dụng quyền công tố.

Quy định của pháp luật về công tác của VKSND trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự từ năm 1960 - 1975

Quy định của pháp luật về VKSND trong hoạt động KSĐT các vụ án hình sự tại Điều 105 Hiến pháp năm 1959 quy định: VKSND tối cao có chức năng “kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân.

Các VKSND địa phương và VKS quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định”.

Luật tổ chức VKSND năm 1960 cụ thể hoá các qui định của Hiến pháp về VKSND. Những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND đã thể hiện quan điểm đổi mới và cải cách về tổ chức và hoạt động của VKSND xuất phát từ tính chất của Nhà nước, từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước. Đây là lần cải cách tư pháp mang lại những kết quả làm thay đổi căn bản vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan công tố nước ta. Cụ thể là: Cơ quan công tố từ đây đã trở thành một hệ thống cơ quan độc lập không phục thuộc vào hệ thống cơ quan hành pháp như trước đây. Hệ thống cơ quan VKSND chịu sự giám sát của Quốc hội - Cơ quan quyền lực cao nhất ở nước ta; VKSND tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, không lệ thuộc vào bất kỳ cơ quan Nhà nước nào ở địa phương.

Luật tổ chức VKSND quy định về công tác KSĐT tại khoản b, c Điều 3: “b- Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Toà án nhân dân những người phạm pháp về hình sự;  c- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan Công an và của cơ quan điều tra khác.”

Chương III Luật này quy định về công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra các vụ án hình sự, cụ thể: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc Điều tra của cơ quan Công an và của CQĐT khác tại các Điều 13, 14, 15, 16.

Ngày 16/4/1962, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua pháp lệnh Kiểm sát viên. Theo Pháp lệnh thì VKSND tối cao có Viện trưởng, các Phó viện trưởng, các Kiểm sát viên và Kiểm sát viên dự khuyết. Tại VKSND tối cao thành lập Uỷ ban kiểm sát gồm có Viện trưởng, các Phó viện trưởng và một số Kiểm sát viên. Trong bộ máy của VKSND tối cao có 7 đơn vị trực thuộc, trong đó đơn vị làm kiểm sát điều tra án hình sự là Vụ kiểm sát điều tra

Nhng thành tu nổi bật trong thc hin chc năng, nhim v của VKSND về điều tra vụ án hình sự từ năm 1960 - 1975

Trong giai đoạn này, căn cứ pháp lí cho công tác giải quyết vụ án hình sự ở giai đoạn điều tra mới bước đầu được xây dựng, chưa có BLHS, BLTTHS nên công tác giải quyết án gặp nhiều khó khăn song đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này đã cố gắng giải quyết tốt nhiều vụ án phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương, VKS tập trung lực lượng giải quyết các vụ án phản cách mạng, các vụ án nghiêm trọng giết người, cướp của, hiếp dâm. Công tác công tố của VKS quân sự cũng được quan tâm. Chú trọng đến một số vụ án tham ô, cố ý làm trái chính sách chế độ gây thiệt hại lớn trong các ngành phục vụ, chú ý đưa truy tố, xét xử một số vụ án phục vụ tuyển quân, chính sách hậu phương và đề cao ý thức dân chủ trong hàng ngũ cán bộ cơ sở.

Quá trình vận dụng đường lối truy tố, xét xử dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ và cấp trên, khâu KSĐT vụ án hình sự đã quan tâm kết hợp đường lối căn bản về trấn áp phản cách mạng trong các Nghị quyết của ngành Kiểm sát và trong Pháp lệnh trừng trị các loại tội phản cách mạng với chính sách dân tộc qua họp trù bị với Toà án thực hiện cao độ chính sách phân hoá, nghiêm trị bọn trùm phỉ có nợ máu với cách mạng, bọn tề nguỵ gây tội ác nhưng không chịu cải tạo mà còn tiếp tục chống phá cách mạng, cân nhắc thận trọng khi xử lý người dân tộc…

Thời kỳ 1960 – 1964: là thời kỳ ngành Kiểm sát tuy mới ra đời nhưng đó có nhiều hoạt động tích cực, sáng tạo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong đó có việc thực hiện nhiệm vụ kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan Công an và của cơ quan điều tra khác đã đạt được những thành tích đáng kể góp phần phục vụ những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều quan điểm nghiệp vụ đúng đắn được hình thành trong thời gian này.

Ngày 26/3/1961, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 686/CT hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp đấu tranh chống tội phạm phản cách mạng, giúp Viện kiểm sát địa phương nhận thức rõ nhiệm vụ, chủ động đánh địch, đưa ra những biện pháp thực hiện các công tác lớn về đánh địch trên cớ sở vận dụng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước kết hợp với công tác kiểm sát chung. Ngày 12/7/1961, Vụ 2 VKSND tối cao có Thông báo số 412/V2-P1 về tình hình hoạt động phản cách mạng ở vùng đồng bào thiên chúa giáo.

Viện trưởng VKSNDTC chỉ ra nhiệm vụ công tác KSĐT trong Chỉ thị số 716/CT tháng 3/1962 nêu rõ: “Tăng cường công tác kiểm sát đấu tranh chống phản cách mạng, đấu tranh làm giảm những loại phạm pháp có nhiều điều kiện hạn chế; tích cực tham gia cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lí kinh tế tài chính, chống quan liêu, lãng phí, tham ô…”

Sau khi Nghị quyết số 68 ngày 1/2/1963 của Bộ Chính trị về đường lối thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND ban hành, Thủ tướng Chính ra Thông tư số 09/TTg quy định về Quan hệ công tác giữa VKSND các cấp với Hội đồng Chính phủ và cơ quan Nhà nước  ở địa phương. Thông tư yêu cầu: “Các cơ quan và tổ chức của Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với VKSND để kịp thời phát hiện mọi hiện tượng phạm pháp, nhanh chóng sửa chữa những sai sót đã xảy ra, tích cực ngăn ngừa những sai sót về sau, giữ vững pháp chế XHCN”.

Để có cơ sở pháp lí cho việc thu thập, bảo quản, xử lí tang vật vụ án, ngày 13/8/1963, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 38/CT nội dung hướng dẫn về khái niệm tang vật, phương pháp bảo quản, cách thức giao nhận và chuyển tang vật về cơ quan xử lí tang vật và trách nhiệm cá nhân…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song VKS đã cố gắng trong đấu tranh chống bọn phản động đội lốt tôn giáo, phê chuẩn bắt 113 tên gián điệp, biệt kích, xử lý nghiêm các vụ án lợi dụng tôn giáo, các tổ chức vũ trang nổi loạn ở miền núi, tuyên truyền phản cách mạng. Nổi bật là: vụ án xứ Quần Liêu, vụ C47, vụ Nguyễn Minh Thụy... Các vụ án về trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế đã được phát hiện xử lý trên 5.000 vụ. Điển hình là: vụ Hoàng Văn Nghi, vụ Trương Việt Hùng... nhiều vụ án tham ô tập thể, bớt xén, khai man tem phiếu được xử lý góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý, chống lãng phí, quan liêu. Thông qua KSĐT, VKS đã chú ý tìm nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, những sơ hở, thiếu sót để đề nghị cấp ủy, chính quyền có biện pháp khắc phục.

Thời kỳ 1965 – 1975: VKSND có những chuyển biến kịp thời, thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ III mục tiêu là trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững an ninh chính chính trị. Khi Mỹ đánh phá miền Bắc, công tác kiểm sát chuyển hướng phục vụ các yêu cầu thời chiến trên hai mặt trận sản xuất và chiến đấu, đảm bảo an toàn hậu phương, kịp thời chi viện tiền tuyến, đường lối truy tố tội phạm là đánh mạnh và phân hoá cao đối với bọn phản cách mạng và tội phạm nghiêm trọng khác. Đấu tranh với các tội phạm gây cản trở việc chi viện cho tiền tuyến, xâm hại chính sách hậu phương Quân đội, bảo vệ tài sản XHCN, quyền tự do dân chủ của công dân. VKS giảm án hình sự trực tiếp điều tra để tập trung vào công tác KSĐT.

Năm 1970 VKSND tối cao tổ chức Hội nghị chuyên đề kiểm sát điều tra. Nhiều Viện kiểm sát địa phương tổ chức Hội nghị liên tịch Công an - Kiểm sát.

Ngày 12/9/1974, VKSNDTC có Công văn số 115/V2 hướng dẫn thực hiện Thông tư số 139-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/1974 nêu rõ đối với KSĐT là:  Những việc phạm tội mà các ngành phải báo cáo cho VKS biết để quyết định biện pháp xử lí bao gồm tất cả các vụ phạm tội xâm phạm tài sản XHCN mà người phạm tội là cán bộ nhân viên thuộc quyền quản lí của mình. Các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở không được tự ý giữ lại những việc phạm pháp lí hình sự để xử nội bộ vì đây là một nguyên tắc và kỷ luật mà Thông tư 139 ghi rõ: Công việc của các ngành trước và sau khi thông báo cho VKS việc phạm tội như: thu thập tang vật chứng ban đầu mà khả năng và điều kiện của các ngành có thể làm được (bao gồm báo cáo của người tố giác, biên bản họp, kiểm điểm của tổ chức cơ sở, lời khai nhân chứng, bản kiểm thảo của đương sự, nhận xét của thủ trưởng đơn vị…); cung cấp những văn bản, tài liệu cần thiết về tổ chức, nguyên tắc,... có liên quan đến việc phạm tội và người phạm tội, tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thủ tục hành chính; cử cán bộ chuyên môn làm giám định theo yêu cầu của cơ quan Công an hoặc VKS; tiếp nhận tài sản phạm pháp do người phạm tội nộp lại, giúp đỡ cơ quan Công an và VKS kiểm kê, bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật để đảm bảo bồi thường; phòng ngừa tội phạm và chấn chỉnh những sơ hở trong quản lí; xử lí kỷ luật, xử lí hành chính những đối tượng đã được VKS miễn tố, thu hồi tài sản… và thông báo cho VKS biết.

Ngày 25/6/1975, VKSNDTC ban hành Kế hoạch số 05/KHTA phục vụ trật tự trị an, trong đó có nội dung: tham gia phân loại và xử lý các vi phạm và tội phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng thủ tục rút ngắn ở VKS các cấp; tăng cường công tác kiểm sát nhằm góp phần làm giảm tình trạng trẻ em phạm pháp...

VKSND các cấp đã thụ lý giải quyết mỗi năm từ gần 4.000 đến gần 9.000 vụ án hình sự. Phải kể đến các vụ án: Lương Duy Hân đội lốt linh mục; vụ Đang, Thép ở Hải Dương; vụ Võ An Khang (qua vụ án này đồng chí Trần Hiệu có chủ trương mở lớp tập huấn cho toàn ngành về nghiệp vụ KSĐT, lập hồ sơ KSĐT, năm1966); vụ Hoàng Thanh tham ô ở nhà máy điện Yên Phụ...

Các vụ án nghiêm trọng, phức tạp được lựa chọn là án trọng điểm, án điểm để đưa ra truy tố, xét xử phục vụ nhiệm vụ chính trị đã góp phần củng cố an ninh, bảo vệ đất nước, quản lý kinh tế và bảo vệ trật tự an toàn xã hội, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, chiến đấu./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang