Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đại dịch Ecovid-19

18/03/2020 15:15

(kiemsat.vn)
Gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp; tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; giải thế khó tiền lương ngừng việc đối với DN gặp khó khăn do dịch Covid-19.

* Gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng Covid-19

Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Công văn 897/TCT-QLN về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, người nộp thuế (NNT) thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC (văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTC ngày 15/5/2017) được gia hạn nộp thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo triển khai việc thực hiện miễn tiền chậm nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như sau:

NNT phải nộp tiền chậm nộp được quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp thuế do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Để được giải quyết miễn tiền chậm nộp, NNT phải lập hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (thành phần hồ sơ thực hiện theo Khoản 3 Điều 35 Thông tư 156).

Thủ trưởng cơ quan thuế đã ban hành thông báo tiền chậm nộp có quyền ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp cho NNT.

* Tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN gặp khó khăn do dịch Covid-19

Mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 874/LĐTBXH-BHXH gửi BHXH Việt Nam về hướng dẫn tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo đó, trong thời gian xảy ra dịch cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định công bố hết dịch, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quản lý, hướng dẫn doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19- nếu đủ điều kiện thì thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng theo quy định tại khoản 1 điều 88 Luật BHXH; điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP về BHXH bắt buộc và điều 28 Thông tư số 59/2015/TT- BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. 

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan LĐ-TB-XH và cơ quan tài chính địa phương hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ và xác định các doanh nghiệp đủ điều kiện trong thời gian sớm nhất để chuyển cơ quan BHXH xem xét, giải quyết.

* Bộ Luật lao động 2019 sẽ giải thế khó tiền lương ngừng việc do dịch bệnh cho doanh nghiệp

Hiện nay, do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, buộc lòng cho một số hoặc tất cả nhân viên ngừng việc và có trả tiền lương theo đúng quy định của pháp luật, điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn về tài chính.

Theo quy định, tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động 2012, quy định tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Rõ ràng, với quy định này sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, việc người lao động tự nguyện đồng ý không nhận lương từ doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh Covid-19 với mục tiêu giúp doanh nghiệp sớm thoát khỏi khó khăn, nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người lao động song về mặt pháp lý vẫn bị coi là vi phạm pháp luật. 

Bộ luật lao động 2019 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 đã có sự điều chỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn này cho người sử dụng lao động và người lao động trong những trường hợp xảy ra thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa…

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động 2019, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Điều này có nghĩa trong trường hợp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn… mà người lao động phải ngừng việc quá 14 ngày thì từ ngày ngừng việc thứ 15 trở đi có quyền thỏa thuận không nhận lương để san sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang