Những bất ngờ từ một cuốn thơ dịch
Một lần, tôi được anh Lưu Văn Bổng (bút danh là Lưu Liên) khi ấy đang là cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học cho mượn đọc một tập thơ thế giới được dịch ra tiếng Việt xuất bản năm 1952 tại Hà Nội bị tạm chiếm. Tập thơ có tên là "Gió Tây" do dịch giả Lê Văn Hòe chuyển ngữ, Quốc học thư xã xuất bản, bìa do họa sĩ Mạnh Quỳnh trình bày và minh họa, in tại nhà in Lê Cường 75 Hàng Bồ, Hà Nội với số lượng 1.500 bản.
Học giả Lê Văn Hoè cùng vợ và các con (ảnh chụp năm 1958).
Tôi sung sướng ngồi cặm cụi chép lại vào sổ tay hết cả quyển sách. Mất trọn một ngày, hôm sau mang trả lại anh Bổng, theo đúng hẹn.
“Gió Tây” gồm 37 bài thơ của 32 tác giả thuộc 20 nền văn học trên thế giới, đều dịch từ bản tiếng Pháp, in song ngữ Pháp – Việt. Điều lý thú đối với tôi là trong số này có cả bài thơ “Kẻ ăn xin” của nhà thơ Nga M. Lermontov (trong sách viết là Lermontof, 1814-1841). Như vậy là chờ đến khi có được tập thơ tương đối dày dặn của Lermontov được dịch sang tiếng Việt năm 1978, 26 năm trước, lần đầu tiên dịch giả Lê Văn Hòe đã dịch giới thiệu thơ của nhà thơ Nga kiệt xuất này với bạn đọc Việt Nam.
Bên cạnh bài thơ của Lermontov, dịch giả Lê Văn Hòe còn dịch giới thiệu thơ của một nhà thơ Nga nữa: Bài “Châu ngọc” của Zadovskaia. Thực quả ngay đối với tôi là người gắn bó với thơ ca Nga hàng nửa thế kỷ qua, tên tuổi Zadovskaia cũng thật là lạ lẫm. Tôi phải tra cứu tìm hiểu mới biết ra: Zadovskaia, tên họ đầy đủ phiên âm theo tiếng Nga phải là Iulija Valerianovna Zadovskaia (1824-1883) là nữ sĩ sống vào thế kỷ XIX – thế kỷ vàng của thơ ca Nga, từng khá nổi tiếng. Sau khi bà mất, năm 1886 ở Nga, người ta đã xuất bản bộ tuyển tập tác phẩm của bà gồm tới 10 tập.
Như vậy, qua tập thơ nước ngoài “Gió Tây” do Lê Văn Hòe dịch, bạn đọc Việt Nam được đọc một trong số những bản dịch đầu tiên thơ Nga sang tiếng Việt. Ở Việt Bắc và các nơi khác cũng chỉ vào khoảng thời gian này, bạn đọc mới bắt đầu được tiếp cận thơ ca Nga qua các bản dịch tiếng Việt: Bài thơ “Đợi anh về” và bài “Aliôsa nhớ chăng” của nhà thơ Nga – Xô viết Simonov do nhà thơ Tố Hữu dịch năm 1947-1948, công bố trên tạp chí Văn nghệ số 2, tháng 5 năm 1948 và số 22 ra tháng 4/1950; tuyển thơ “Chuyết Tư tiên sinh” (Mistơ Tvister) của nhà thơ Nga Marsak do nhà thơ Nguyễn Đình dịch in trong tập Văn mới Trung Đông Âu của Phân Hội văn nghệ Liên khu V năm 1951. Và sau đó một chút: Sáu bài thơ của Mayakovsky do Hoàng Trung Thông dịch từ các bản dịch tiếng Hán, được NXB Văn nghệ ấn hành năm 1953.
Gắn bó với văn học Nga nên tôi quan tâm ngay đến những gì liên quan đến văn thơ Nga ở Việt Nam, tất nhiên việc biết được các bản dịch thơ Nga của Lê Văn Hòe đối với tôi quả là một phát hiện lý thú. Từ đây, tôi có ý tìm hiểu thêm về dịch giả Lê Văn Hòe.
Hỏi một vài người, tôi chỉ được cho biết đó là một nhà giáo. Dần dà qua các tài liệu sách vở mỗi ngày một ít, nhất là gần đây lại được tiếp xúc với người thân trong gia đình và một vài người bạn cũ của cụ Lê Văn Hòe, dần dần chân dung cụ Lê Văn Hòe đã hiện ra một cách khá rõ ràng khiến tôi không thể không sung sướng muốn giới thiệu với bạn đọc gần xa…
Lê Văn Hòe không chỉ là một nhà giáo có tên tuổi, để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho không ít học sinh trường Albert Sarraut, có thể nói, cụ còn là một nhà báo đáng kính nể trong làng báo Việt Nam từ trước Cách mạng Tháng Tám. Cụ là một nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, từng ra báo, lập nhà xuất bản, là Giám đốc NXB Quốc học thư xã; một học giả uyên thâm, tác giả nhiều công trình khảo cứu sáng giá, trong đó trước hết phải kể cuốn “Truyện Kiều chú giải” dày tới hơn 700 trang và cuốn “Tầm nguyên tự điển”…
Lê Văn Hòe (1911 – 1968) quê ở xã Mỗ Xá, Chương Mỹ, Hà Đông, nay là Hà Nội. Cụ sớm tham gia làng báo Việt Nam, lập tờ báo Đời mới, ra được 6 số thì bị đóng cửa, ra tiếp tờ Ngọ báo, Việt Báo… Sinh thời, cụ cộng tác nhiều với lớp nhà báo, nhà văn danh tiếng những năm 30, 40 của thế kỷ trước như Nguyễn Doãn Vượng, Vũ Đình Long, Đào Trinh Nhất, Vũ Bằng… Trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo”, nhà văn Vũ Bằng đã dành nhiều trang ghi lại những kỷ niệm chân thật về Lê Văn Hòe.
Vũ Bằng nhắc đến thái độ đúng đắn của Lê Văn Hòe trước một bài nói về đức bà Maria và chúa Giêsu đăng trên Tiểu thuyết thứ bẩy bị một vài cha cố Tây lúc ấy làm khó dễ. Vũ Bằng nhớ lại thời làm báo Tiểu thuyết thứ bẩy và cho biết: “Ông Đào Trinh Nhất cũng như cụ Bùi Kỷ, Nguyễn Quang Oánh dăm thì mười họa mới đến tòa báo nói đôi ba câu chuyện. Tòa soạn, làm thường trực có Hồ Khắc Trang, Lê Văn Hòe, Huyền Hà”; “Văn Hạc Lê Văn Hòe trái ngược hẳn với Hiệp. Tùng Hiệp quậy bao nhiêu, trẻ bao nhiêu, vui đời bao nhiêu thì Văn Hạc Lê Văn Hòe lại nghiêm bấy nhiêu, trịnh trọng bấy nhiêu và già bấy nhiêu. Người đọc báo xem văn Lê Văn Hòe, tác giả những cuốn như “Tầm nguyên tự điển”, sổ hàng tràng chữ nho ra trong các bài báo, tưởng đâu Lê Văn Hòe không là một ông cụ lụ khụ thì cũng râu ria đạo mạo, có cháu nội cháu ngoại rồi. Lầm. Văn Hạc Lê Văn Hòe cũng sát soát cùng tuổi với chúng tôi khi đó, nhưng cũng như Đào Trinh Nhất, anh có một tư thế hơn nhiều anh em khác, là vì anh là người… Tây pha Nho, thêm cái đức tính viết khỏe, viết nhanh mà lại sống ngăn nắp, giữ được nhiều tài liệu, nên bất cứ vấn đề gì nêu ra trong “Trung Bắc chủ nhật” và “Báo mới”, anh thường với tay ra là có”.
Tiếp theo Vũ Bằng kể lại một chuyện cho thấy rõ thêm Lê Văn Hòe:
“Câu chuyện sau đây là một chuyện thực về Lê Văn Hòe: anh ta nói nhiều không chê được, nói thiên hô bát sát, nói không để cho ai nói xen vào được một câu. Thậm chí có lần, không nhớ đề cập đến vấn đề gì, anh nói nhiều đến nỗi phát ho hen lên. Một người, thừa dịp anh ho, lắp bắp sắp nói xen vào thì… không, các bạn không thể tưởng tượng được Lê Văn Hòe xử sự ra sao! Anh giơ cả hai tay lên xoa xoa, ra hiệu bảo ông kia dừng nói, để cho anh… ho nốt rồi nói tiếp, và rút cục là đến lúc đứng lên ra về, ông bạn không nói được một câu nào hết. Vì thế, tôi băn khoăn không hiểu Lê Văn Hòe cứ nói như thế thì còn thời giờ đâu mà viết, viết “Trung Bắc chủ nhật”, viết “Báo mới”, viết sách, lại viết xã thuyết cho “Việt báo” cùng với một số bạn hữu khác để cho Phạm Lê Bổng ký tên “Lê Hoàng Long” và nhận là của mình viết ra. Nhiều lần, tôi định hỏi Lê Văn Hòe nói suốt ngày như thế, còn thì giờ đâu mà viết, thì Tùng Hiệp, thổ công Hà Nội, cho tôi hay là phúc cho Văn Hạc Lê Văn Hòe, anh ta lại nể vợ – nể, chớ không phải sợ – về đến nhà là không ho he một tiếng, im cứ thin thít như là thịt nấu đông”.
Lê Văn Hòe là một nhà báo, nhà văn được đồng nghiệp nể trọng. Đối với chính quyền thực dân lúc ấy, ông có thái độ rõ ràng, nhiều phen tỏ ra không chịu khuất phục… nên ông từng bị chính quyền bảo hộ làm rầy rà. Thậm chí vào đầu những năm 40, khi ông được anh em tín nhiệm bầu vào lãnh đạo nghiệp đoàn báo giới Bắc Kỳ thì bị chính quyền gạch đi. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Lê Văn Hòe được những cây bút Văn hóa Cứu quốc ủng hộ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lê Văn Hòe cũng như phần lớn các văn nghệ sĩ lúc đó đều hưởng ứng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã mang gia đình tản cư ra vùng tự do. Nhưng do hoàn cảnh đông con, sau đó ông buộc phải đưa gia đình trở lại Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Ở trong thành, ông chuyên tâm vào nghề dạy học và hoạt động xuất bản. Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông cùng gia đình ở lại Hà Nội. Các con của cụ Lê Văn Hòe khá đông, đến nay đều phương trưởng, thành đạt. Đi theo nghiệp văn chương nghệ thuật của phụ thân có Lê Văn Hiệp (đã mất) – một họa sĩ tài hoa từng công tác tại Báo Hà Nội mới và có nhiều năm cộng tác minh họa cho Báo CAND; Lê Tấn Hiển – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của nhiều giải thưởng văn học và Lê Phúc Hỷ, nhà báo – nhà văn (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội), hiện là Phó tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân.
Chỉ ít tháng nữa là chẵn kỷ niệm 100 năm sinh của học giả Lê Văn Hòe, thiết nghĩ, nhân dịp này chúng ta cần làm sáng tỏ những đóng góp có giá trị của tiền nhân, hơn thế nữa, khai thác sử dụng những giá trị di sản của tiền nhân để lại cho chúng ta, giúp ích cho đông đảo bạn đọc. Được biết, Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây đang có ý định in lại bộ sách “Truyện Kiều chú giải” của cụ Lê Văn Hòe (được xuất bản lần đầu năm 1954) – một công trình nghiên cứu mà theo nhìn nhận của cá nhân tôi, rất công phu và có những đóng góp riêng, khác xa nhiều công trình tương tự của các học giả khác chú giải về “Truyện Kiều”. Đây thật sự là một tin rất đáng mừng
Thuý Toàn/ CAND
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.