Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
(kiemsat.vn) Ngày 14/8/2024, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 26 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng uỷ Khối cơ quan Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy VKSND tối cao về thực hiện dân chủ ở cơ sở
Rà soát, xử lý vướng mắc mang tính cấp bách của 13 luật
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 10 dự án Luật tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp. |
Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng: Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; Báo cáo kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo đến nay; Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh 6 tháng đầu năm 2024.
Tại Phiên họp, qua thảo luận, Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vì vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo và sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan chức năng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, phục vụ trực tiếp cho công tác PCTNTC. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 30 văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và PCTNTC. Quốc hội đã thông qua 13 luật, ban hành 03 nghị quyết, xem xét cho ý kiến đối với 10 dự án luật, trong đó có nhiều luật liên quan trực tiếp đến công tác PCTNTC như: Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024;… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 98 nghị định, 207 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 300 thông tư; đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, góp phần tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, hạn chế những điều kiện dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh các sai phạm, gắn với xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu, tạo bước đột phá mới trong công tác PCTNTC. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 71.431,6 tỷ đồng và 24,9 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3.862 cá nhân (tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với cùng kỳ năm 2023).
Cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tiếp tục được phát huy; các cơ quan chức năng đã chuyển 269 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; Kiểm toán nhà nước đã cung cấp 89 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Từ đầu năm đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 05 Ủy viên Bộ Chính trị, 01 Ủy viên Ban Bí thư và 04 Ủy viên Trung ương Đảng.
Hình ảnh tại Phiên họp. |
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 475 vụ án/1.094 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 08 vụ án/212 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/39 bị cáo; trong đó, đã hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, điển hình như: Vụ án “Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; hiện đang xét xử vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Che giấu tội phạm; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố.
Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác PCTNTC ở địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quyết định đưa 107 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, xử lý; các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 444 vụ án/1.003 bị can về tham nhũng. Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý, cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp huyện của địa phương, điển hình như: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, An Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Nghệ An,...
Các cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện, xử lý hơn 150 trường hợp do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 50 trường hợp.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng; giám định, định giá tài sản tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để xác minh, truy tìm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.750 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỷ đồng.
Công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực tuyên truyền sâu rộng về công tác PCTNTC; đặc biệt, đã tuyên truyền đậm nét về tấm gương đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, trong sáng, liêm khiết, phong cách làm việc tận tụy, khoa học, sâu sát, quyết liệt, những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác PCTNTC và khẳng định sự quyết tâm, tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Bài viết chưa có bình luận nào.