Nghị quyết phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật

13/08/2024 09:14

(kiemsat.vn)
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 118/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024. Trong đó đã quyết nghị những nội dung liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Nghị quyết nêu rõ: Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật, nghị quyết. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; chống phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho sự phát triển, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, bệnh trì trệ trong một bộ phận cán bộ, công chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm chất lượng tốt nhất của các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao chủ trì lập đề nghị, soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung chỉ đạo, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và yêu cầu thực tiễn.

Chú trọng việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá kỹ tác động của chính sách, tăng cường truyền thông chính sách, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực và các luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 và ngày 01/01/2025, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với: Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024.

Về Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấpChính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng luật, trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự, phòng ngừa ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; khắc phục những bất cập từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, đồng thời luật hóa các quy định hiện hành về tình trạng khẩn cấp.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến các bộ, ngành, ý kiến của các thành viên Chính phủ; rà soát các luật có liên quan, bảo đảm khả thi, không chồng chéo, trùng lắp; hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

- Chính sách 1: Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về khái niệm tình trạng khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp trên không gian mạng, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, mức độ, biện pháp, thời gian áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ; sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong tình trạng khẩn cấp; xây dựng cơ chế chính sách, thủ tục thực hiện phải nhanh chóng, linh hoạt, sáng tạo; phân quyền, phân cấp tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và có cơ chế giám sát thực hiện; bảo đảm phân định rõ thẩm quyền quyết định, áp dụng biện pháp đặc biệt của các chủ thể trong tình trạng khẩn cấp theo tính chất, mức độ khác nhau, bảo đảm tính kịp thời, khả thi, phù hợp thực tiễn.

- Chính sách 2: Về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, rà soát kỹ các quy định của pháp luật hiện hành, lựa chọn nội dung hợp lý để quy định, bảo đảm phù hợp, khả thi, thống nhất với hệ thống pháp luật; đề xuất rõ các giải pháp để có tiêu chí, mức độ hỗ trợ, cứu trợ gắn với thẩm quyền quyết định của từng cấp độ.

- Chính sách 3: Về bổ sung các biện pháp áp dụng trong tình huống đã ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3 nhưng thảm họa, sự cố có diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà chưa cần thiết ban bố tình trạng khẩn cấp: Không đề xuất chính sách này mà thống nhất thực hiện theo Luật Phòng thủ dân sự, Luật An ninh quốc gia và pháp luật có liên quan.

Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10).

Về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, tích cực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong xây dựng và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có trình độ về tay nghề và kiến thức xã hội; có sự liên thông giữa các hình thức, cấp, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, gắn với mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng, phát triển thị trường lao động có tính liên kết, hội nhập quốc tế; giải quyết kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các chế độ, chính sách cho người lao động, doanh nghiệp; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng như huy động nguồn lực, sức sáng tạo của xã hội dựa trên cơ sở các thế mạnh sẵn có.

Để hoàn thiện dự án Luật này, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện một số công việc sau đây:

- Tiếp tục tổng kết, rà soát, đánh giá để bảo đảm nội dung dự án Luật có tính khả thi, xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về việc làm, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với pháp luật trong các lĩnh vực liên quan. Đặc biệt cần bám sát các chủ trương, định hướng, chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực một cách linh hoạt, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, xu hướng phát triển trong nước và thế giới, nhất là trên môi trường mạng, công nghệ cao, thích ứng với tốc độ già hoá dân số của Việt Nam.

- Cần tổ chức hiệu quả hoạt động tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ở cơ sở; đồng thời triển khai hoạt động truyền thông một cách phù hợp đối với các chính sách, nội dung mới, tác động tới số đông người lao động, doanh nghiệp... nhằm bảo đảm tính khả thi của dự án Luật và tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ để quy định cho phù hợp, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, tính khả thi của các quy định về đăng ký và quản lý lao động; hỗ trợ, tạo việc làm bền vững, thỏa đáng cho lao động không có quan hệ lao động; chính sách cho vay ưu đãi gắn với điều kiện, quy trình, thủ tục...; mở rộng đối tượng hỗ trợ vay vốn, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp...; mô hình Quỹ quốc gia về việc làm; quy định giới hạn thời gian làm việc của học sinh, sinh viên...

Nội dung dự thảo Luật phải bảo đảm phù hợp với các nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; bảo đảm phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý nhà nước; đơn giản, hiện đại hóa thủ tục hành chính; thúc đẩy việc chuyển đổi số; không tạo cơ chế xin - cho; phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực lao động, việc làm, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu của thị trường lao động;

- Khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, kết luận của Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Ngoài ra, Nghị quyết còn quyết nghị các nội dung liên quan đến Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

PV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 10 dự án Luật tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024

(Kiemsat.vn) - Sáng 12/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 để cho ý kiến đối với 10 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang