Nguyễn Trọng Tạo, kẻ sĩ xứ Nghệ

06/09/2017 04:10

(kiemsat.vn)
Ngày 8/9, tại Thủ đô Hà Nội, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ Nguyễn Trọng Tạo sẽ có một đêm nhạc duy nhất mang tên Khúc hát sông quê tại Nhà hát lớn. Chương trình sẽ bao gồm 19 ca khúc do ông tự sáng tác và cả những bài thơ của ông được nhạc sỹ khác phổ thơ, với sự góp mặt của nhiều ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng ….

Nguyễn Trọng Tạo, kẻ sĩ xứ Nghệ

Tự nhận “ thơ là nghiệp, nhạc là hứng, hoạ là chơi. Hay nói cách khác, thơ là chánh quán, nhạc là trú quán, hoạ là trọ quán”, song Nguyễn Trọng Tạo đã có đóng góp đồ sộ trên nhiều lĩnh vực, với hơn 20 tập thơ và trường ca in chung và in riêng, gần 100 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như  Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang… và nhiều tập lý luận phê bình đặc sắc, được công chúng mến mộ cả về tài năng và nhân cách. Tạp chí kiểm sát xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo – Nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan, Phó Trưởng phòng Chuyên đề, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, Hội viên hội VHNT Hà Tĩnh.

Tôi biết nhiều về Nguyễn Trọng Tạo trước khi quen và gặp ông. Chắc nhiều người cũng như tôi, đọc Tản mạn thời tôi sống, nghe Khúc hát sông quê, hát Làng quan họ quê tôi..., biết đó là Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ, nhà báo, nhạc sỹ, họa sỹ người Nghệ đa tài, đa tình, mà chưa bao giờ gặp.

Cho nên, khi không ở gần, người ta chỉ có thể bằng cảm nhận, qua tiếp xúc, nói chuyện. Điều cảm nhận của tôi với Nguyễn Trọng Tạo, rất đơn giản, một người anh chí tình, chí nghĩa, có tấm lòng hào hiệp, bao dung, rộng mở của một nghệ sỹ lớn. Với tôi, chừng ấy đã quá đủ để lý giải vì sao Nguyễn Trọng Tạo nhiều bạn, nhiều tài, là bậc trượng phu, kẻ sĩ được cả phụ nữ và đàn ông yêu quý. Mà đàn ông yêu mới khó!

Tôi cảm nhận được điều này mỗi khi Nguyễn Trọng Tạo về Nghệ An, rồi về Hà Tĩnh chơi.Tôi chứng kiến được anh em ở Đài Phát thanh -Truyền hình Hà Tĩnh và văn nghệ sỹ Hà Tĩnh tiếp ông như thế nào, trong đó nhiều người lần đầu tiên gặp ông, sau bao năm hát Khúc sông quê, họ, ngồi uống rượu cùng ông quên cả trời đất ra sao… và cả cái cách mà chồng tôi, tất tả, sốt sắng đi đặt bình rượu ngon cho tôi mang ra Hà Nội biếu Nguyễn Trọng Tạo… Với ông, uống rượu đâu phải vì mê rượu, mà vì mê tình, mê nghĩa. Rượu ngon phải có bạn hiền, uống cho đến khi “đền đài ngả nghiêng say”, mới thôi! Ông tâm sự, ông “làm báo để sống, làm thơ để chết, làm nhạc, vẽ bìa sách, uống rượu là … để vui!” Tôi nhớ có một bài báo nào đó, đã nhận xét về Nguyễn Trọng Tạo thật tinh tường:”Trong con người Nguyễn Trọng Tạo hội tụ đủ chất của kẻ sĩ Bắc Hà, ông đồ xứ Nghệ và anh Hai Sài Gòn”, quả không sai!

Nguyễn Trọng Tạo nói chuyện chậm rãi, thu hút, cái cách của một người từng trải, cái cách quyết liệt, thẳng thắn của một người lính,cái cách thâm trầm, nho nhã của một ông đồ, cái cách phóng khoáng, ngẫu hứng của người nghệ sỹ, và cái cách chân tình, mộc mạc của người xứ Nghệ. Sỡ dĩ, ông qua lại Nghệ An và Hà Tĩnh như con thoi, vì với ông, quê cha và quê mẹ, “là tình tôi nhân hai”. Điều cũng may mắn với bậc đàn em viết văn, thơ như chúng tôi là được ông trân trọng, phát hiện và giới thiệu… Ông nhắc nhở các nhà thơ trẻ đừng bao giờ ngại ngần tìm cho mình lối đi riêng “Tôi kính nể các nhà cổ điển. Nhưng những nhà thơ lớp sau không nên hướng tới họ, mà nên hướng tới chính mình. Có như vậy, mới có thể hy vọng mình sẽ trở thành “nhà cổ điển” trong tương lai.Nhưng nhà thơ lớn bao giờ cũng tạo được một từ trường cực mạnh, họ hút các nhà thơ bé như nam châm hút sắt. Anh muốn trở thành nhà thơ lớn ư? Trước hết, anh hãy tìm cách thoát khỏi từ trường của kẻ khác.” ( Bất chợt về thơNguyễn Trọng Tạo)

Và với những người làm thơ trẻ, ông đã hứa thì không sai lời. Còn nhớ, tập thơ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở của tôi, xuất bản tháng 1/2017, vinh dự được Nguyễn Trọng Tạo viết lời tựa. Ông đã nói đúng ngày 30/12 sẽ gửi bản thảo cho tôi. Và tôi đã nhận được bài vào những phút cuối cùng của ngày đó, với tất cả thái độ nghiêm túc của ông. Sau này, khi ra mắt, ông cũng đã đến và với sự tinh tế, dí dỏm, ông nhận xét: “Thơ Hạnh Loan can đảm hơn cô ấy, vì dám công khai những bí mật tâm hồn không hổ thẹn. Ai non gan đọc có thể phải bỏ chạy! ” Cách của ông, là gọi tên được văn phong của từng người, khéo léo ý nhị, mà những ai đã được ông nhận xét, dù khen hay chê, đều cảm thấy rất thỏa mãn! Tôi, hay Đậu Thị Thương, Nguyễn Thị Thanh Yến và nhiều cây viết trẻ nữa ở Nghệ An, Hà Tĩnh… đã mang thơ đến với mọi người qua Nguyễn Trọng Tạo. Ông đã đến với những người trẻ, tìm kiếm và đọc họ một cách trân trọng. Và tôi đã nghe kể, không riêng các thế hệ văn chương đàn em ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Nguyễn Trọng Tạo luôn là người anh lớn đối với nhiều gương mặt trẻ làng văn. Với ông, quan tâm đến thơ trẻ là quy luật tất yếu, như việc “người lớn công kênh trẻ con trên vai”, ông hy vọng những người sáng tác trẻ sẽ tạo ra sự chuẩn mực mới cho thời đại. Ông khẳng định :”Tôi dám nói là tôi khá chịu đọc những nhà thơ trẻ. Thơ của họ có khi đi xa cái tuổi của họ có, đấy là họ đã huy động được văn hoá đọc, văn hoá sống và văn hoá viết trên cơ sở tưởng tượng phong phú và kì lạ của thiên bẩm. Không nên bắt họ phải chờ đợi cũng như không thể bắt Nguyên Hồng phải bốn năm mươi tuổi mới được viết “Bỉ vỏ” khi mà ông viết ra thiên tiểu thuyết kì lạ này lúc mới 17 tuổi.”( Mấy suy nghĩ về thơ và thơ trẻNguyễn Trọng Tạo). Đó là tấm lòng, tư cách của Nguyễn Trọng Tạo, điều thật quý hiếm trong giới văn nghệ sỹ, mà đôi khi đâu đó còn những sân si…

Nhưng ông cũng rất khái tính, khi không thật sự muốn viết thì tuyệt đối không. Với ông, ông chỉ viết khi đáng viết. Ông yêu sự ngây thơ của nghệ sỹ, với ông, đó là sự đáng yêu hết mực của tâm hồn họ. Nhưng cũng vì thế, ông lại không chấp nhận sự ranh mãnh, dối trá, hai mặt… Cho nên, cũng rất có thể đâu đó nghe tiếng bấc, tiếng chì, bởi lẽ, không ai mà có thể sống để vừa lòng hết tất cả mọi người, bởi nếu mà dễ dãi với kết giao, dễ dãi với văn chương, phê bình thì đó là ai chứ không phải Nguyễn Trọng Tạo. Ông không chỉ là nhà thơ, nhà báo, nhạc sỹ, họa sỹ tài hoa, ông còn là người đưa ra những kiến giải, lý luận về thơ, rất mới mẻ, mà các nhà lý luận còn chưa kịp viết ra.”Ai đó nói rằng, cá tính sáng tạo bị triệt tiêu thì văn học có chung một gương mặt, đấy là cái mặt nạ của thần chết. Sự tôn trọng cá tính, phong cách, trường phái bao giờ cũng làm cho văn học phong phú và đa phức.( Mấy suy nghĩ về thơ và thơ trẻ – Nguyễn Trọng Tạo)

Ông, hơn hết là một trong những người kiên định, chấp nhận sự đa phong cách của đời sống thi ca, mà lịch sử văn học cũng cho thấy điều này là tồn tại khách quan. Có như vậy, ta mới có Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư… của Thơ Mới, những viên ngọc đa sắc màu, để lại cho đời vẻ đẹp phong phú tột đỉnh của văn chương.

Có lẽ vì Nguyễn Trọng Tạo đi nhiều, biết nhiều, nghe nhiều, tự ông có đánh giá của riêng ông về đời sống văn nghệ sỹ, về những gương mặt mới của văn đàn, những ái ố, hỉ, nộ của đời sống văn học nghệ thuật. Có lẽ nhờ vậy, mà ông chấp nhận những tính cách, phong cách khác nhau của nghệ sỹ…Nhờ lắng nghe, chắt lọc, nên ông có góc nhìn của một người đàn anh, điềm tĩnh, sâu sắc, trầm mặc mà u mua, dí dỏm, độ lượng.

Tôi thấy mình không cần phải nhớ hết Nguyễn Trọng Tạo, bởi cũng không thể nhớ nổi những tác phẩm ,đóng góp đồ sộ của ông trên lĩnh vực thi ca, nhạc họa, phê bình… với hơn 20 tập thơ và trường ca in chung và in riêng, gần một trăm ca khúc, nhiều bài lý luận, phê bình… đã đưa tên tuổi của ông sống trong lòng công chúng yêu thơ, nhạc Việt Nam và ra cả với thế giới, khi thơ của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp , Nga, Tây Ban Nha…Với ông, “thơ là nghiệp, nhạc là hứng, hoạ là chơi. Hay nói cách khác, thơ là chánh quán, nhạc là trú quán, hoạ là trọ quán”.

Còn với tôi, chỉ cần nhớ, ông là tác giả của Tản mạn thời tôi sống, trường ca Biển mặn, Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi… là đã đủ lắm rồi, đủ để nói rằng ông là một nghệ sỹ lớn, và…

Tôi không biết, có phải Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ tình hay nhất Việt Nam không? Nhưng chắc chắn, ông đã có những bài thơ hay nhất về tình yêu, về mối tình đầu. Bạn có thể yêu hàng chục, hàng trăm người, nhưng mối tình đầu khờ dại thì không bao giờ quên được. Và nỗi nuối tiếc động cả trời xanh thì chỉ có ở Nguyễn Trọng Tạo. Và nếu có một câu để hỏi, tôi muốn hỏi ông về người con gái ông yêu trong bài thơ này, người đã khiến ông viết những câu thơ bất hủ…, cho tất cả ai đã từng yêu, đã từng để vuột mất tình đầu:

Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát

 Biếc xanh em mãi chớp sáng vòm trời

 Điều CÓ THỂ đã hoá thành KHÔNG THỂ

 Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi”…

( Không đề, 1984, Nguyễn Trọng Tạo).

Nguyễn Thị Hạnh Loan

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang