Người dân được phép bắn pháo hoa dịp lễ Tết, sinh nhật từ đầu năm 2021

30/11/2020 08:07

(kiemsat.vn)
Kể từ ngày 11-1-2021 (thời điểm nghị định có hiệu lực), người dân chỉ cần có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” sẽ được sử dụng pháo hoa mà không cần phải xin phép trong các dịp được nêu ở trên.

Kể từ ngày 11-1-2021 người dân sẽ được sử dụng pháo hoa

Cụ thể Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ.

Điểm đáng chú ý tại Điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được phép sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy theo Nghị định mới, kể từ ngày 11-1-2021 (thời điểm nghị định có hiệu lực), người dân chỉ cần có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” sẽ được sử dụng pháo hoa mà không cần phải xin phép trong các dịp được nêu ở trên.

Điểm lưu ý là các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Cũng theo nghị định, các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung nhiều hành vi mới bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo như:

Thứ nhất, nghiêm cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Thứ hai, nghiêm cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, nghiêm cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

Thứ tư, nghiêm cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức…

Nghị định này thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Theo định nghĩa tại Nghị định 137/2020, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Còn pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.

Viện trưởng VKSND tối cao: Chúng ta phải làm theo đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm

(Kiemsat.vn) - Đây là khẳng định của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí với cử tri TP Hồ Chí Minh tại buổi tiếp xúc sau kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV vào chiều ngày 23/11/2020, trước những băn khoăn của cử tri về trách nhiệm của một số cá nhân khiến công tác đấu tranh xử lý vi phạm hiện nay dường như chưa đạt được hiệu quả thực chất.

Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giúp cán bộ, đồng bào vùng biên nắm bắt các quy định pháp luật

(Kiemsat.vn) - Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2 đã phối hợp Viện kiểm sát quân sự khu vực 23 tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp và đội ngũ trí thức trẻ đang công tác tại đoàn nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, kỷ luật quân đội góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang